Để bệnh nhân hài lòng – Không dễ

09:11, 06/02/2013

Mỗi lần có bệnh phải đi viện, tôi rất sợ: Sợ cảnh chen chúc, chầu chực; sợ thái độ cau có của bác sĩ; sợ không được khám chữa bệnh tận tình nếu không biết “bồi dưỡng” đúng chỗ… Nhưng những “cái sợ” đó không có “đất sống” ở Bệnh viện Y học cổ truyền.

Ý kiến từ người bệnh

 

“Tận tình, hiệu quả” là những từ tôi nghe nhiều nhất khi trò chuyện với các bệnh nhân (BN) đang điều trị tại Bệnh viện Y học cổ truyền (Sở Y tế).

 

Bà Nguyễn Thị Nhẫn (81 tuổi), xóm Đường Goòng, xã Cổ Lũng, huyện Phú Lương (phòng 26, Khoa Nội-Nhi) cho tôi biết, bà đã đi nhiều bệnh viện chữa chạy nhưng cái bệnh đau, tê buốt nửa người của bà không giảm. Vào điều trị ở Bệnh viện Y học cổ truyền (BV) này mới 5 ngày, được ngâm chân thuốc Bắc, điện châm, chiếu sóng xung kích…, nay chân của bà đã bớt tê, đi lại được, ăn thấy ngon miệng. Bà Nhẫn cười để lộ những chiếc răng đen nhánh: - Tôi chưa thấy ở đâu bác sĩ, y tá ăn nói dễ nghe như ở đây. Sau Tết tôi lại bảo con đưa xuống.

 

Ông Ma Tuấn Thi, 62 tuổi, xóm Quan Lang, huyện Phú Đình (Định Hóa) nói: - May quá gặp chị ở đây, tôi không phải viết giấy gửi xuống hòm thư nữa. Rồi ông kể: Tôi bị thoái hóa cột sống, đau dây thần kinh, nhức toàn thân. Tôi tìm đến Bệnh viện đúng vào giờ nghỉ trưa. Anh bảo vệ nhìn thấy vội chạy ra dìu tôi vào phòng chờ. Rồi tôi được khám, đưa vào phòng 27 này, mới 1 tuần nhưng tôi đã đi được 3 vòng sân rồi. Nói thật với chị, tôi chưa thấy bệnh viện nào sạch sẽ và bác sĩ tận tình như ở đây.

 

Tác phong tận tụy, thái độ phục vụ BN chu đáo như tôi ghi nhận, theo Giám đốc Bệnh viện Trương Thị Thu Hương là hướng tới mục tiêu đảm bảo sự hài lòng của người bệnh.

 

- Điều này không dễ chút nào - Bác sĩ Hương bộc bạch - bởi chất lượng BV thể hiện ở kết quả điều trị tốt và y đức của đội ngũ thầy thuốc. Chúng tôi đang từng bước để hoàn thiện cả hai mặt “hồng” và “chuyên” này.

 

Kết hợp nhuần nhuyễn giữa y học cổ truyền và y học hiện đại

 

Nói đến y học cổ truyền, tôi hình dung ra những lương y chân đất dậy sớm lên rừng hái lá, tay cầm kim châm cứu, tay bốc thuốc… Tận mắt chứng kiến hoạt động của các khoa, phòng tôi mới hiểu công việc của người thầy thuốc Đông y đã rất khác. Họ không chỉ giỏi châm cứu, xoa bóp, bấm huyệt, xông hơi, bó thuốc, ngâm thuốc y học cổ truyền, mà còn sử dụng các thiết bị hiện đại của y học như vận hành máy nội soi tai mũi họng, máy sinh hiển vi khám mắt, máy lưu huyết não; sử dụng laser điều trị u xơ tuyến tiền liệt; laser nội mạch để điều trị có hiệu quả một số bệnh như: di chứng tai biến mạch máu não, rối loạn lipid máu, các bệnh lý về xương khớp và thần kinh, đặc biệt là sử dụng điện cao tần trong phẫu thuật trĩ vừa giảm đau hiệu quả và thời gian điều trị rút ngắn…

 

Với đặc thù chữa bệnh bằng y học cổ truyền và kết hợp y học cổ truyền với y học hiện đại, BN của BV đa phần là người cao tuổi mắc các bệnh mạn tính như khớp, thần kinh, huyết áp, tiểu đường, tim mạch  (riêng năm 2012, có 142 BN bị liệt thần kinh 7 ngoại biên, 526 BN di chứng tai biến mạch máu não). Họ đa phần sức khỏe kém, vận động khó khăn, sợ đau, sợ phẫu thuật nên các thầy thuốc ở đây đã kết hợp nhuần nhuyễn giữa các bài thuốc y học cổ truyền và kỹ thuật mới của y học hiện đại để giảm đau tối đa. Những cái tên như bác sĩ Trịnh Thị Hoàn (Trưởng khoa Ngoại), bàn tay khéo trong phẫu thuật trĩ bằng điện cao tần, kết hợp cho BN ngâm thuốc, bơm cao sinh cơ để nhanh lành vết thương; điều dưỡng Dương Công Thái, sử dụng laser nội mạch trong điều trị các bệnh về chuyển hóa; bác sĩ Nguyễn Thị Thủy với đề tài cấp tỉnh: Áp dụng bài thuốc y học cổ truyền điều trị nhồi máu não sau giai đoạn cấp; điều dưỡng Lục Thị Nhâm có “bàn tay vàng” về bấm huyệt, châm cứu và kỹ thuật mãng châm trong phục hồi di chứng liệt …

 

Mặc dù có đội ngũ khá vững như vậy, nhưng Giám đốc Trương Thị Thu Hương cho biết: BV liên tục cử bác sĩ, điều dưỡng đi học các lớp dài, ngắn hạn và chuyển giao kỹ thuật. Năm 2012, có 3 bác sĩ học Chuyên khoa I, 5 điều dưỡng học đại học, 36 lượt cán bộ học chuyên khoa định hướng và chuyển giao kỹ thuật về y và dược, BV còn là cơ sở thực hành cho 1.500 học sinh, sinh viên các trường Đại học Y Dược, Cao đẳng Y tế và Hội Y học cổ truyền.

 

“Tiếng lành đồn xa”, số người đến điều trị tại đây so với năm 2011 tăng 18%, số giường điều trị nội trú tăng 20%, ngày điều trị trung bình rút ngắn. Năm 2013 này, Bệnh viện đã triển khai Khoa khám bệnh đa khoa và đăng ký khám, chữa bệnh ban đầu cho nhân dân trong tỉnh với đầy đủ thiết bị như máy nội soi tai mũi họng, khám răng hàm mặt, khám mắt và đa dạng các dịch vụ kỹ thuật để đáp ứng nhu cầu của người bệnh.

 

Quả thật, đạt được sự hài lòng của người bệnh là điều không dễ, nhưng Bệnh viện Y học cổ truyền đã làm được điều đó.