Đôi điều cảm nhận qua chuyến thăm Thái Lan

16:41, 04/02/2013

Trước đây, tôi vẫn được nhiều bạn bè kể về đất nước Thái Lan và khuyên tôi nên đi một chuyến cho biết đây, biết đó. Lấn ná mãi, tháng l1/2012, tôi cũng đã đến thăm được đất nước Phật giáo - chùa vàng này. Nơi chúng tôi tham quan, chủ yếu là các di tích văn hóa, danh lam thắng cảnh ở thủ đô Băng Cốc, thành phố Battaya và đảo Coral (San hô). Hướng dẫn viên cho đoàn tôi trên Thái Lan là một thanh niên tên Bun, bố là người Sài Gòn, mẹ là người Băng Cốc. Suốt mấy ngày tham quan, mỗi khi giới thiệu đến một vấn đề nào đó, tôi thấy Bun thường gắn liền kể về công lao to lớn của nhà vua đối với dân chúng, kể về sự sùng bái Đức Phật và sự tôn trọng pháp luật đến mức khó tin nhưng lại là sự thật một trăm phần trăm.

Dọc đường từ Băng Cốc đến Battaya, quan sát hai bên đường, tôi thấy không có đất bỏ hoang. Phần lớn là các khu trồng sắn. Hỏi Bun, tôi được biết: Chính phủ Thái Lan có một chính sách rất nghiêm ngặt, quy định rõ người nào bỏ hoang đất sẽ bị đánh thuế rất nặng, nếu trồng lúa màu, cây trái thì chỉ bị đánh thuế nhẹ, thậm chí được miễn thuế. Tôi nhận thấy đó là cách làm hay, nếu nước ta áp dụng được thì hằng năm, sẽ có thêm biết bao là của cải từ những dự án treo bỏ hoang phí hàng nghìn hec-ta đất.

 

Người ta nói Thái Lan là đất nước du lịch quả không sai. Hình như con người ở Băng Cốc và Battaya ai cũng biết làm du lịch. Họ rất khéo chiều khách, luôn vui vẻ và thân thiện. Ở những nơi tham quan như: Vườn thú thiên nhiên hoang dã các loài hổ, voi, cá sấu, rắn, chim muông và các loài hoa cây cảnh…; thăm chùa Phật Vàng - ngôi chùa nổi tiếng ở Băngkok, lớn nhất thế giới (tượng Phật bằng vàng 999, nặng 5,5 tấn); thăm cung điện Hoàng Gia (RoyalGrandPlace) - nơi ở và làm việc của các triều đại vua Rama với các công trình kiến trúc tuyệt mĩ theo kiểu Thái Lan. Rồi lướt thuyền cao tốc tới đảo Côral (đảo San Hô) - nơi có bãi tắm cát trắng, nước sâu tới mét rưỡi vẫn nhìn thấy cát… Chỗ nào nào cũng thấy rất nhiều thợ ảnh, nhưng không thấy hiện tượng cấm khách chụp ảnh, không thấy có chuyện tranh giành khách, ép khách lấy ảnh mà họ “câu” khách bằng nghệ thuật làm ảnh đẹp, khêu gợi. Họ hỗ trợ nhau khi trả ảnh cho khách. Họ toàn nói tốt cho nhau. Phải chăng ở đất nước có 90% người theo đạo phật nên họ có lòng bác ái, thiện tâm như vậy?

 

Điều gây ấn tượng nữa đối với tôi là đi gần 1.000km (cả đi ô tô và đi bộ) mà không nghe thấy một tiếng còi xe. Rất hiếm thấy bóng dáng cảnh sát trên đường. Ở thủ đô Băng Cốc, nhiều nơi thấy có tới 6 tầng đường, nhiều đường có tới 8 làn xe. Lái xe cho chúng tôi là một người Thái chính hiệu. Qua người phiên dịch, tôi biết những lái xe ở nơi đất Phật này hầu như không biết cãi nhau. Họ tâm niệm một điều là phải luôn luôn "hỉ xả" (vui vẻ) bất kỳlúc nào, bất kỳ ở đâu để phục vụ tốt khách hàng. Nhường nhịn nhau và chấp hành luật giao thông một cách nghiêm ngặt là quy tắc sống của mỗi lái xe ở Thái Lan. Một buổi tối đi dạo phố, tôi chứng kiến cảnh hai thanh niên đi xe va nhau trên đường. Họ cùng bị ngã khá đau. Khi dựng xe, họ nói với nhau những gì không rõ, nhưng thấy cả hai đều chắp tay như khi vái Phật rồi đường ai nấy đi, không một lời to tiếng.

 

Anh lái xe kể cho chúng tôi nghe: - Người nào vi phạm luật giao thông trước tiên phải nghĩ ngay đến việc ngồi tù. Một, hai ngày bị giam cũng gọi là tù. Mỗi ngày ngồi tù, bị phạt tương đương 150 bạt (bằng 112.000 đồng Việt Nam). Nếu hết hạn tù, tùy theo tội nặng hay nhẹ mà được thả sớm hay muộn. Khi người bị tù nộp đủ tiền cho nhà chức trách sẽ được tha, nếu không thì cứ phải ngồi tù tiếp và tất nhiên số tiền tương ứng phải cộng thêm. Anh còn nói: - Nếu vi phạm pháp luật bất kể ở dạng nào cũng dễ bị vào tù như vậy. Ví dụ: Trên khắp đất nước Thái Lan, dù ở cửa hàng to hay nhỏ, ở khách sạn hay quán bình dân đều tuyệt đối không được bán rượu, bia từ 5 giờ sáng đến 17 giờ trong ngày. Điều này tôi đã chứng kiến đích thực ở nhiều cửa hàng tại Băng Cốc và Battaya. Ngoài 17 giờ, nếu có nhu cầu thì đến cửa hàng ăn nào cũng mua được rượu, bia. Mỗi tội đắt (l50 bạt một chai bia Heniken 450cc). Hơn nữa, uống rượu bia mà gây gổ thì cũng dễ vào tù. Trên xe, khách có thể say khướt nhưng người lái xe thì không được phép có nồng độ rượu trong máu.

 

Nhớ hôm ở Đảo san hô, đồ nhậu ngon tuyệt, bia rượu đầy mà không sao mua nổi một chai, cho dù chúng tôi đã trả giá gấp đôi. Cô gái trẻ bán hàng nói nhỏ nhẹ: - Quý khách vui lòng chờ sau 17 giờ hãy nhậu bia rượu, bây giờ bán cho quý khách thì cửa hàng của cháu sẽ bị phạt nặng và còn bị đóng cửa. - Có ai biết đâu mà sợ?- Lương tâm mình biết chứ ngài! Tôi thật bất ngờ khi nhận được câu trả lời rất tự nhiên của cô gái nọ. Chúng tôi đành bảo nhau nhâm nhi với mấy lon nước ngọt. Phải chăng, nhờ cấm bán rượu bia một cách nghiêm ngặt trong ngày mà năng suất lao động tăng cao, trật tự giao thông, trật tự xã hội trên đất Phật chùa Vàng này quá đẹp, mọi người sống với nhau thân thiện làm sao. Thấy người lại nghĩ đến ta. Tôi cứ ước ao Chỉ thị cấm uống rượu bia ở ta sẽ được mọi người cùng có ý thức thực hiện nhằm giúp cho cuộc sống ngày càng văn minh, tươi đẹp hơn.