Những năm qua, các chỉ tiêu, nhiệm vụ của ngành luôn được đội ngũ cán bộ Chi cục Thi hành án dân sự (THA) huyện Đồng Hỷ phấn đấu hoàn thành. Trung bình mỗi năm, Chi cục thụ lý gần 1.000 vụ việc. Trong đó, số việc được thi hành xong luôn đạt trên 90% tổng số việc có điều kiện thi hành. Tuy nhiên, việc THA vẫn còn gặp phải một số khó khăn, vướng mắc.
Trao đổi với chúng tôi, bà Lê Thị Kim Dung, Chi cục trưởng Chi cục THA dân sự huyện Đồng Hỷ cho biết: Mặc dù đã nhận được sự quan tâm, chỉ đạo của ngành cấp trên, cấp ủy, chính quyền địa phương, sự phối hợp giữa các cơ quan khối Nội chính nhưng trong một số vụ việc, chúng tôi vẫn gặp nhiều trở ngại. Nguyên nhân chủ yếu là do ý thức chấp hành của đối tượng phải THA còn thấp, chây ỳ, trốn tránh nghĩa vụ; tài sản để THA của đối tượng có giá trị rất nhỏ so với số cần phải thi hành nhưng thường bị tranh chấp, khiếu kiện; đối tượng không có khả năng thi hành và có bản án tuyên không rõ ràng hoặc còn bỏ sót tình tiết.
Trong quá trình THA, việc các chấp hành viên gặp những đối tượng phải THA tìm cách trốn tránh thi hành, không hợp tác, dây dưa, kéo dài thời gian hoặc tìm cách tẩu tán tài sản, thậm chí chống đối, cản trở việc THA là không hiếm. Chẳng hạn như vụ việc vợ chồng chị Nguyễn Thị P. (tổ 9, thị trấn Chùa Hang) thế chấp bìa đỏ để vay tiền của anh Nguyễn Quang T. là một ví dụ. Vì không có khả năng trả nợ, đến năm 2012, các đương sự đã kiện nhau ra tòa. Tòa xử vợ chồng chị P. phải có trách nhiệm bồi hoàn số tiền đã vay cho anh T. Bản án có hiệu lực, hồ sơ được chuyển sang cơ quan THA dân sự huyện Đồng Hỷ để thi hành nhằm đảm bảo quyền và lợi ích chính đáng của công dân theo quy định. Chi cục đã tạo điều kiện cho hai bên tự thỏa thuận cũng như cho người phải THA tự nguyện thi hành nhưng vợ chồng chị P. không hợp tác, cố tình kéo dài thời gian… Do đó, Chi cục THA dân sự huyện phải tiến hành thực hiện các trình tự theo luật định như: gửi giấy tống đạt, kê biên tài sản ngôi nhà mà vợ chồng chị P. đang sinh sống, thẩm định giá… Nếu đương sự vẫn không tự nguyên chấp hành, Chi cục sẽ phải phối hợp với các cấp, ngành chức năng tổ chức cưỡng chế để đảm bảo THA. Được biết, trong năm 2012, đã có 32 việc Chi cục phải ra quyết định áp dụng biện pháp kê biên xử lý tài sản và quyết định cưỡng chế THA.
Bên cạnh đó, có khi một bản án tuyên không rõ ràng, bỏ sót hoặc không đề cập đến một vài chi tiết cũng gây không ít trở ngại cho cơ quan THA. Đơn cử như trong vụ ly hôn giữa chị Dương Thị M. và anh Phạm Quang H. (xóm Gò Cao, xã Hóa Thượng) xảy ra năm 2012. Đến nay chuyện chia tài sản giữa họ vẫn chưa được giải quyết dứt điểm (qua cả hai phiên xử sơ thẩm và phúc thẩm). Nguyên nhân là do tranh chấp quán bán hàng dựng trên phần đất được chia cho chị M. có diện tích trên 30m2, không được nói đến trong bản án. Đến khi chị M. làm thủ tục nhận đất thì bị anh H. đòi quyền lợi đối với phần tài sản này. Mặc dù chị M. đã có đơn yêu cầu THA để được nhận phần đất và quán trên mảnh đất đó nhưng anh H. không chấp nhận bởi đó là tải sản chung. Chưa hết, đương sự còn gửi đơn đề nghị lên các cấp, ngành chức năng khiến sự việc trở nên phức tạp. Chi cục THA huyện Đồng Hỷ cũng đã phối hợp với chính quyền địa phương đến kiểm tra thực tế, sau đó có ý kiến lên Tòa án yêu cầu làm rõ. Tuy nhiên, do trong quá trình xét xử, các đương sự không đề cập đến tài sản trên nên Tòa án cũng không phân xử được. Đến cuối năm 2012, Chi cục THA huyện phải thỉnh thị ý kiến cấp trên và được hướng dẫn gửi thắc mắc này lên Tòa án Nhân dân tối cao. Cho đến nay, đơn vị vẫn phải chờ câu trả lời của Tòa án Nhân dân tối cao.
Việc thi hành phần dân sự trong các án hình sự về tổ chức, sử dụng trái phép chất ma túy cũng khiến cơ quan THA đau đầu không kém. Người phạm tội này có thể bị phạt từ vài triệu đến vài chục triệu đồng nhưng hầu hết án lại không có điều kiện thi hành mặc dù bản án có hiệu lực từ chục năm nay. Lý do là đối tượng phải THA là những người nghiện, không có nghề nghiệp, không tài sản, sau khi bị Tòa án xét xử phải chịu án phạt trong trại giam hoặc sau khi hết hạn giam giữ lại đi làm ăn xa nhà… Tính đến thời điểm này, số lượng án chưa thi hành được là 204 vụ việc với số tiền lên tới trên 1,7 tỷ đồng.
Bà Dung chia sẻ: Đối với những vụ việc phức tạp, khó có điều kiện thi hành, các chấp hành viên thường họp bàn, lấy ý kiến đóng góp của mọi người, tìm ra cách THA hiệu quả nhất. Tuy nhiên, số lượng các vụ việc phức tạp ngày càng nhiều. Đặc thù của ngành thường “rát mặt” với dân vì động chạm đến quyền lợi, tài sản của họ. Trong khi, trình độ năng lực của một số chấp hành viên còn hạn chế về chuyên môn nghiệp vụ, thiếu kinh nghiệm trong việc xử lý các vụ án phức tạp, chưa thực sự chủ động, tích cực trong công việc, ngại va chạm…