Trách nhiệm và nhiệt tình với công việc được giao, anh Nguyễn Hoài Nam (sinh năm 1976), cán sự phòng, chống tệ nạn xã hội kiêm Đội trưởng Đội xung kích phòng, chống ma túy xã Phúc Hà (T.P Thái Nguyên) đã góp phần không nhỏ để địa bàn xã từ năm 2009 đến nay không phát sinh người nghiện ma túy, không có tụ điểm cờ bạc, mại dâm...
Chúng tôi cùng anh Nam và các công an viên xóm 1 đến nhà Nguyễn Minh Giang, đối tượng nghiện ma túy đã nhiều năm. Trong ngôi nhà ba gian không có vật dụng gì đáng giá, Giang (đã ly hôn) giờ sống người mẹ đã ngoài 70 tuổi thường xuyên đau ốm. 10 năm gắn bó với công việc này nên anh Nam biết rõ đặc điểm từng gia đình, có thể đọc vanh vách tên các đối tượng nghiện ma túy. Anh bảo, hiểu hoàn cảnh gia đình để tác động tâm lý, cảm hóa họ dễ dàng hơn.
Anh Nam làm cán sự phòng, chống tệ nạn xã hội xã từ năm 2003, có nhiệm vụ tham mưu, giúp việc cho cấp ủy, chính quyền về công việc này. Khi ấy, xã có 5 tụ điểm buôn bán ma túy đều ở xóm 1 (do 5 đối tượng nghiện của xóm cầm đầu). Bản thân là người xóm nên anh biết những diễn biến phức tạp của địa bàn giáp ranh với một số tổ dân phố thuộc phường Tân Long, Quán Triều là "điểm nóng" về buôn bán, sử dụng trái phép chất ma túy. Để nắm tình hình, anh thường xuyên đến nhà, gặp gỡ các đối tượng và gia đình họ tuyên truyền. Bên cạnh đó, anh bí mật theo dõi để hiểu rõ quy luật hoạt động của chúng. Có những đêm mưa rét, nhận được tin báo của quần chúng, anh phục ở bụi rậm gần các tụ điểm để nắm tin tức. Đôi khi, trước mánh khóe của đối tượng chuyên bán rong ma túy cho con nghiện, anh phải cải trang khi là người mua hàng, lúc là xe ôm để tiếp cận, không bỏ dấu vết của chúng. Sau một thời gian dài "nằm vùng" theo dõi, anh đã nắm được quy luật hoạt động và những thủ đoạn hết sức tinh vi hòng qua mắt các lực lượng chức năng ở 5 tụ điểm. Anh đã báo cáo với cấp ủy xin ý kiến chỉ đạo phối hợp cùng công an xã và lực lượng công an thành phố có kế hoạch triệt phá các tụ điểm này. Nhờ các nguồn tin có giá trị do anh cung cấp mà công an thành phố cùng công an xã Phúc Hà đã bắt quả tang đối tượng Dương Đình Bình, Vũ Văn Thắng, Lê Văn Quy đang bán hêrôin cho con nghiện tại nhà... Tháng 8/2009, đối tượng Phan Viết Vinh, cũng ở xóm 1 đã bị bắt, tụ điểm buôn bán ma túy nhỏ lẻ cuối cùng trên địa bàn xã được xóa bỏ.
Ngoài bám cơ sở, nắm tình hình về các tụ điểm buôn bán trái phép chất ma túy, anh Nam còn tuyên truyền, vận động các đối tượng vào trại cai nghiện, góp phần làm giảm các tệ nạn xã hội trên địa bàn. Qua những câu chuyện của anh, tôi thấy quá trình làm "dân vận" của anh chẳng hề dễ dàng. Như năm 2005, các lực lượng chức năng khám xét nơi ở Vũ Văn Cương nhưng không thu được tang vật (do hắn đã nhanh chóng tẩu tán hết) nên chưa thể bắt giữ. Sau đó, anh Nam đã đến tận nhà đối tượng này vận động hàng chục lần, cuối cùng gia đình cũng đồng ý đưa Cương vào trung tâm cai nghiện. Nhờ đó, tụ điểm buôn bán tại nhà Cương được xóa bỏ. Nhưng cứ lần nào về là hắn lại tái nghiện. Đến nay, đã 3 lần anh vận động được Cương đi cai nghiện (lần mới nhất là năm 2012, Cương đi cai ở trung tâm cai nghiện của thành phố). Anh kể: "Mỗi lần đi vận động, tôi đều phối hợp cùng cấp ủy, đoàn thể và những người có uy tín trong xóm đã đến tận nhà tuyên truyền cho những đối tượng nghiện. Vận động họ rất khó bởi các đối tượng đã nghiện lâu năm, không dễ gì chấp nhận từ bỏ "nàng tiên nâu". Hơn nữa, nhiều gia đình còn bao che hành vi phạm tội, không hợp tác và thậm chí dùng thủ đoạn mua chuộc cán bộ. Khi làm công việc này, tôi chú ý nắm bắt tình hình ở các xóm giáp ranh với xã An Khánh (Đại Từ) và Sơn Cẩm (Phú Lương). Ở đây đông thanh niên không có việc làm, hay tụ tập dễ mắc nghiện và các tệ nạn lô đề, cờ bạc khác. Để các đối tượng sau khi ra tù và cai nghiện không vi phạm trật tự an toàn xã hội, tôi cũng tham mưu cho cấp ủy, chính quyền có biện pháp phối hợp với các doanh nghiệp tư nhân trên địa bàn tạo việc làm cho họ...".
- Được biết, hiện anh là chủ doanh nghiệp Hưng Thịnh (phường Tân Thịnh) chuyên phân phối các thiết bị vệ sinh. Mỗi năm, doanh nghiệp của anh thu lãi trên 300 triệu đồng, giải quyết việc làm cho 4 lao động với mức lương bình quân 6-7 triệu đồng/người/tháng. Vậy, tại sao anh vẫn làm cán sự phòng, chống tệ nạn xã hội?
- Làm công tác phòng chống tệ nạn xã hội, ban đầu tôi được hưởng mức phụ cấp là 120 nghìn đồng/tháng, đến năm 2011 nâng lên là 240 nghìn đồng/tháng, hiện là 1,0 mức lương tối thiểu nên không thể nói làm vì thu nhập. Tất cả là trách nhiệm và sự nhiệt tình thôi. Mà đã làm thì phải không ngại xông vào "điểm nóng" mới có thể nắm bắt thông tin kịp thời cung cấp cho các lực lượng chức năng. Làm công việc này mất nhiều thời gian nhưng nhờ một tay người vợ vun vén gia đình nên tôi có điều kiện vừa công tác vừa quản lý kinh doanh. Hơn nữa, trong dòng họ có người nghiện ma túy nên tôi thấu hiểu nỗi đau gia đình có con mắc nghiện. Tôi tích cực làm công việc này chỉ với mong muốn giảm tình hình tệ nạn xã hội trên địa bàn.
Đồng chí Nguyễn Tùng Lâm, Phó Bí thư Thường trực xã Phúc Hà cho biết: Nhờ bám sát địa bàn, tận tụy trong công việc và cách vận động khéo léo, anh Nam đã góp phần đưa địa bàn xã không còn tụ điểm buôn bán nhỏ lẻ trái phép chất ma túy và các tệ nạn xã hội khác. Năm nào anh cũng vận động thành công nhiều đối tượng nghiện vào trung tâm cai nghiện hoặc tự cai nghiện tại nhà dưới sự giám sát của gia đình (vượt chỉ tiêu cấp trên giao), làm giảm các tệ nạn xã hội ở xã. Anh đã nhiều lần được nhận Giấy khen và khen thưởng đột xuất của UBND T.P Thái Nguyên vì có thành tích xuất sắc trong phòng chống tội phạm, phòng chống ma túy...