Người tiêu dùng cần biết cách tự bảo vệ mình

13:35, 01/02/2013

Đến Tết Nguyên đán, nhu cầu tiêu thụ thực phẩm tăng cao. Để đáp ứng nhu cầu của thị trường, các hoạt động sản xuất, kinh doanh thực phẩm gia tăng. Bên cạnh đó, các dịch vụ ăn, uống kinh doanh theo thời vụ xuất hiện nhiều nhằm phục vụ nhu cầu của thực khách tại các lễ hội. Vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm lại “nóng” lên mỗi dịp Tết đến, Xuân về.

Trên địa bàn tỉnh hiện có trên 8.000 cơ sở thực phẩm, trong đó cơ sở sản xuất, chế biến là trên 1.500; cơ sở kinh doanh là trên 3.400, dịch vụ ăn uống là gần 2.800. Vào dịp Tết, số lượng này có thể tăng lên gấp 2-3 lần (số tăng lên đa phần là hoạt động theo thời vụ), đặc biệt là ở các lễ hội, do vậy khó tránh khỏi các vấn đề không bảo đảm chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP). Thế nên, Ban Chỉ đạo thực hiện chiến lược dinh dưỡng và kế hoạch đảm bảo chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm và các ngành chức năng đã tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát các hoạt động sản xuất, kinh doanh thực phẩm, đồng thời xây dựng các chương trình, kế hoạch về tháng cao điểm về an toàn thực phẩm.

 

 

Tháng cao điểm về VSATTP Tết năm 2013 với chủ đề là "Bữa ăn an toàn", Ban chỉ đạo đã, đang thực hiện tích cực các hoạt động truyền thông về VSATTP đối với cả 4 đối tượng là: người nội trợ; người tiêu dùng; người sản xuất, chế biến, kinh doanh và nhà lãnh đạo, quản lý, chính quyền các cấp. Thông qua các kênh truyền thông và tùy thuộc vào từng đối tượng tuyên truyền, Ban Chỉ đạo xây dựng chương trình tuyên truyền phù hợp như: Đối với người nội trợ thì hướng dẫn họ cách chọn mua, chế biến, bảo quản thực phẩm an toàn; đối với người sản xuất, chế biến, kinh doanh thì tuyên truyền các kiến thức về Luật An toàn vệ sinh thực phẩm, các nghị định, quy định về điều kiện, quy chuẩn trong sản xuất, chế biến, kinh doanh… Qua đó nhằm nâng cao nhận thức của toàn xã hội về VSATTP.

 

Song song với thông tin tuyên truyền, tỉnh đã thành lập các đoàn thanh, kiểm tra chuyên ngành, liên ngành đến kiểm tra tại các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm. Theo đó, tuyến tỉnh có 2 đoàn kiểm tra liên ngành, 1 đoàn kiểm tra chuyên ngành tiến hành thanh, kiểm tra công tác chỉ đạo trong việc bảo đảm chất lượng VSATTP tuyến dưới và các cơ sở thực phẩm phục vụ Tết. Tính đến nay, đoàn đã kiểm tra tại 4 đơn vị là: T.P Thái Nguyên, các huyện Đại Từ, Định Hóa, Phú Bình. Qua kiểm tra, đoàn ghi nhận việc chỉ đạo, triển khai công tác bảo đảm chất lượng VSATTP tại các địa phương đến thời điểm này đã được triển khai, thực hiện tốt. Riêng tiến hành kiểm tra tại 4 siêu thị cung cấp các mặt hàng phục vụ Tết, Đoàn phát hiện 1 trường hợp hàng không đảm bảo thực hiện đúng quy chế về tem nhãn. Hiện, trường hợp này đã được chuyển biên bản cho Đội quản lý thị trường huyện xử lý vi phạm.

 

Để công tác kiểm tra VSATTP đạt được kết quả thiết thực, đồng chí Lý Văn Cảnh, Chi cục trưởng Chi cục ATVSTP tỉnh cho rằng: Cần phải có sự đồng bộ, chung sức chung lòng của các cấp các ngành và toàn thể nhân dân. Một thực tế khó khăn trong việc kiểm soát tình trạng mất VSATTP là: Hiện lực lượng làm công tác kiểm tra VSATTP tại cơ sở còn mỏng, nên khó giám sát địa bàn một cách chặt chẽ. Trong điều kiện như vậy, dù có thanh tra, kiểm tra nhưng nếu như không tích cực tuyên truyền và tự nâng cao đạo đức kinh doanh của các doanh nghiệp thì chưa thể làm tốt công tác đảm bảo VSATTP. Đấy là chưa kể, chế tài xử phạt các vi phạm về VSATTP hiện nay chưa đủ mạnh, khiến những người vi phạm "nhờn thuốc", phạt xong lại vi phạm.

 

Bên cạnh sự vào cuộc tích cực của các ngành chức năng, người tiêu dùng cũng cần biết cách tự bảo vệ sức khỏe của bản thân và gia đình bằng việc tìm mua sản phẩm ở những điểm bán hàng có uy tín. Kiên quyết "tẩy chay" các loại thực phẩm thiếu an toàn cũng là biện pháp hữu hiệu nhằm góp phần "xóa sổ" các loại thực phẩm "bẩn" đang lưu thông trôi nổi trên thị trường.