Những người đón Tết cùng tiếng còi tàu, đường ray

14:05, 11/02/2013

Khi những vòng quay cuối cùng của chiếc kim đồng hồ báo hiệu thời khắc chuyển giao năm mới, ai ai cũng có mong ước được quây quần sum họp bên gia đình, gửi những lời chúc xuân sang thì vẫn có những người phải hy sinh tình cảm riêng tư để làm cầu nối những bờ vui.

Họ là những người lái tàu, nhân viên phục vụ, bảo vệ, sửa chữa đầu máy, toa xe… luôn miệt mài với hành trình phục vụ hành khách, người dân về quê an toàn, thuận lợi. Tuy đón xuân, ăn Tết muộn nhưng tất cả những nhân viên ngành đường sắt vẫn vui vẻ, hứng khởi, bởi chuyến tàu đi đến nơi, về đến chốn.

 

 

Để rồi, họ lại chuẩn bị cho chuyến hành trình xuôi về Nam, ngược Bắc xông đất trong những ngày đầu năm mới.

 

Phi công... không lái máy bay!

 

Tranh thủ thời gian tựa lưng chiếc ghế lái để bắt đầu hành trình Bắc – Nam vào chiều 29 Tết, chúng tôi lặng nghe anh Nguyễn Lê Huỳnh, lái tàu SE3,4 của Xí nghiệp Đầu máy Hà Nội (Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam) thủ thỉ chuyện đời lái tàu.

 

Hồi bé, do nhà nằm ngay cạnh gần đường ray nên mỗi khi tàu đi qua, anh Huỳnh thường nhìn qua ô cửa, ngóng những đoàn tàu đi qua và mong ước một ngày được cầm lái, đi du lịch mọi vùng đất nước.

 

Hết cấp 3, anh Huỳnh xin học Trường nghiệp vụ đường sắt 4 năm, thực tập 1 năm và mất 3 năm làm phụ lái tàu để trở thành tài xế.

 

Với 23 năm lái tàu chạy tuyến Hà Nội – Vinh - Đồng Hới, anh Huỳnh tự hào khi nói với chúng tôi, nghề lái tàu thuộc hàng hiếm bởi cả nước chỉ có mấy 5 xí nghiệp đầu máy kéo. Mỗi xí nghiệp vài tổ lái tàu, mỗi tổ hai người lái. Vì vậy, hiển nhiên, đội quân lái tàu trên cả nước không nhiều.

 

Trở thành lái tàu đã khó nhưng họ cũng phải thường xuyên vượt qua những bài kiểm tra, sát hạch theo định kỳ.

 

Theo anh Huỳnh, sau khi trở thành tài xế, cứ 6 tháng một lần, cánh lái tàu đều phải qua một kỳ sát hạch lý thuyết và thực hành xem có đáp ứng được nhiệm vụ không. Hàng ngày, trước khi vào khoang lái, tổ lái lại tiếp tục được kiểm tra đồng thời có rất nhiều quy định như: Không uống rượu bia, hút thuốc lá, cờ bạc, tệ nạn....

 

Mỗi ca tàu có hai người điều khiển. Lái, phụ tàu luôn phải tỉnh táo, xử lý chính xác từng động tác bấm còi, hãm phanh, tăng tốc...

 

“Chúng tôi ngồi trên khối tài sản Nhà nước trị giá hàng chục tỷ đồng nhưng quan trọng hơn là sinh mạng của hàng ngàn con người. Vì thế, lái tàu cực kỳ chọn người,” anh Huỳnh chia sẻ.

 

Anh Tạ Xuân Dũng năm nay 55 tuổi và có thâm niên lái tàu cao nhất của Xí nghiệp Đầu máy. Chỉ còn 1 năm nữa thôi, anh cũng như nhiều đồng nghiệp khác phải rời xa chú “ngựa sắt” do đến tuổi nghỉ hưu.

 

Mái tóc lốm đốm bạc, anh Dũng cho biết, nghề lái tàu cũng nhọc nhằn vất vả và sức chịu đựng tốt, có lòng yêu nghề mới đủ sức bám trụ.

 

“Đố các bạn, nghề nào nay vào Nam mai ra Bắc, du lịch vô tư mà không mất tiền? Nghề nào tuyển người tiêu chuẩn như phi công nhưng không được lái máy bay?” anh Dũng mở đầu câu chuyện với tôi bằng một câu hỏi có sẵn đáp án về chính cái nghiệp gắn bó đó là nghề lái tàu.

 

Nhấm chén nước chè, anh Dũng nói với tôi rằng, dân lái tàu vẫn thường xuyên đùa nhau nghề này phải “Ăn tranh thủ, ngủ khẩn trương, lương bình thường và yêu rất... kém”.

 

Chỉ chuyên chạy tàu Thống Nhất hành trình Hà Nội – Đồng Hới, anh Dũng chia sẻ, tài xế thường căng thẳng và sợ nhất mỗi khi đi qua những cung đường có nhiều đường ngang dân sinh. Vì thế, đôi mắt, tai phải luôn căng ra khi chạy qua những hành trình “tử thần” này.

 

Nhắc đến chuyện phải xa nhà thường xuyên, khoang lái tàu như là ngôi nhà thứ hai, anh Dũng ngậm ngùi bảo, cánh tài xế tàu thiếu thốn nhất chính là thời gian bên gia đình, người thân, người yêu...

 

Khoảng thời gian những lúc tàu dừng các ga, anh vội vàng cầm máy điện thoại về thông báo tàu đi đến đâu, tình hình sức khỏe mọi người ở nhà, tranh thủ nói chuyện với hành khách.

 

“Anh đã bao giờ tán gái chỉ 3- 5 phút chưa? Tàu nghỉ ở các ga nhiều thì 10 phút ít thì ba phút. Chỉ tranh thủ lúc đó mà giao lưu với anh chị em,” anh Dũng vừa cười, vừa nói.

 

Nối trọn bờ vui

 

Với mỗi lái tàu nhận nhiệm vụ trực chiến chạy tàu Tết, Xí nghiệp Đầu máy Hà Nội đã tổ chức bốc thăm cho tài xe lịch trình và thời gian tàu chạy để mỗi người đều cảm thấy thoải mái và chuẩn bị tinh thần đón Tết xa nhà.

 

Thời khắc Giao thừa, là người Việt, không ai không muốn gần gia đình trong đêm 30. Họ buồn có, bịn rịn có, thậm chí có cả nước mắt trong những cái Tết đầu tiên nhưng đổi lại họ lại có niềm vui lớn lao, đó là góp phần nối lại hàng triệu những bờ vui cho hàng ngàn vạn du khách từ khắp mọi miền Tổ quốc.

 

Tết Quý Tỵ năm nay, anh Huỳnh không thể nhớ được là lần thứ mấy đón Giao thừa cùng chú “chiến mã sắt” này. Khác với ngày thường, anh và hàng chục cán bộ công nhân viên cùng hành khách đã được sống trong những phút giây đặc biệt. Họ cùng nhau đón Giao thừa trên những khoang tàu hỏa đang “xé” màn đêm trên đường ray.

 

Dù đã nhiều lần ăn Tết trên đường ray, anh Huỳnh vẫn nhớ như in những thời khắc đầu tiên ăn Tết vào năm 1994 trên tàu ở địa phận Bỉm Sơn (Thanh Hóa) với cảm giác nhớ nhà, nhớ vợ vẫn còn nguyên trong dòng ký ức.

 

“Lấy vợ được 3 tháng thì nhận được lịch chạy vào đúng đêm 30. Ngày đó chưa có điện thoại, ngồi trên tàu nghe tiếng xình xịch của bánh xe cọ vào đường ray lại thấy chạnh lòng, buồn man mác vì xa người thân,” anh Huỳnh bùi ngùi nói.

 

Khóe mắt thâm quần vì thiếu ngủ, giọng nói đượm buồn, lái tàu Dũng cũng đã có hơn chục năm đón Giao thừa trên đầu máy, nhà ga.

 

Năm 1994, tàu của anh dừng tại Ga Đồng Hới được nửa tiếng đúng vào thời điểm Giao thừa, thời khắc thiêng liêng năm cũ chuyển sang năm mới, lúc này trên tàu, mọi người nhìn nhau với ánh mắt lặng lẽ, vừa mừng vừa tủi, để rồi vỡ òa lên tiếng hát, lời reo "Chúc mừng năm mới".

 

“Đó là lần đầu tiên mình cảm nhận được không khí đặc biệt chưa từng có trong đời. Đi trao quà, chúc Tết hành khách rồi nhận lại lời chúc ân tình từ họ. Những nụ cười, những cái bắt tay ấm tình đầy xúc cảm trong giây phút giao thời đã giúp chúng tôi vơi đi nỗi nhớ nhà. Không nói ra nhưng ai trong đoàn cũng cảm nhận được rằng tuy xa gia đình nhỏ của mình nhưng lại được sống trong không khí của một đại gia đình mới”, anh Dũng trải lòng.

 

Để chuẩn bị cho lịch chạy tàu, trước Tết, lãnh đạo Xí nghiệp Đầu máy Hà Nội đã bố trí cho các lái tàu thuộc những mác tàu xuất phát trong các ngày 29, 30, mùng 1, 2 Tết được nghỉ trước ngày xuất phát để lo việc gia đình.

 

Bên cạnh đó, lái tàu còn được nhận quà, lời chúc từ lãnh đạo ngành đường sắt, Xí nghiệp Đầu máy trước khi tàu lăn bánh, đặc biệt là những mác tàu xuất phát trong chiều 30 Tết để khích lệ được tâm lý anh em.

 

Tranh thủ khoảng thời gian ít ỏi trước Tết, anh Huỳnh, Dũng đã sắm sửa cây quất, cành đào và ăn cùng gia đình bữa cơm tất niên cuối năm. Bất chợt, đứa con trai học lớp 1 hỏi: “Sao nhà mình ăn Tết sớm thế bố?” lúc đó, hai anh đều ngấn nước mắt.

 

Còn với anh Nguyễn Văn Chung, người có thâm niên ăn Tết 10 năm trời trên cả 5 tuyến của Xí nghiệp tại 3 tỉnh thì mỗi lần giao thừa đến là lúc nước mắt rơi vì nhớ nhà.

 

“Nói lái tàu quen với ăn Tết xa nhà thành thói quen thì cũng là câu cửa miệng bởi ai chả muốn bên gia đình lúc này. Bằng ấy năm xa nhà thì có tới 9 lần, tôi đã khóc,” anh Chung thành thật cảm xúc.

 

Anh Chung vẫn nhớ lần đón Giao thừa duy nhất trên cánh đồng lúa ở Thanh Hóa. Lúc đó, lái tàu không phải căng tai, mắt để đối phó với hiểm nguy rình rập như đi qua phố, khu dân cư. Là lúc anh có thể có thời gian để thoáng qua trong đầu hình ảnh của vợ, con cùng những người thân.

 

Với nhiều lái tàu, giây phút Giao thừa trên đầu máy chỉ vỏn vẹn có tiếng xình xịch của bánh xe, tiếng còi tàu hú vang vội trong đêm để rồi im bặt và tiếp tục mải miết với hành trình nối những bờ vui cho hành khách, người thân.