Nỗ lực trong thực hiện “một cửa” ở Phú Bình

15:28, 18/02/2013

Mặc dù còn hạn chế về cơ sở vật chất, trang thiết bị nhưng thời gian qua, cơ chế “một cửa” ở huyện Phú Bình bước đầu đã tạo được sự công khai, minh bạch, tránh phiền hà cho các tổ chức, cá nhân khi đến làm các thủ tục hành chính. Đặc biệt, gần đây, cùng với sự đầu tư về cơ sở vật chất, bộ phận một cửa nơi đây đã và đang có những bước tiến mới.

Có mặt tại UBND thị trấn Hương Sơn, chúng tôi thấy, phòng làm việc của bộ phận một cửa nằm dưới tầng 1 của trụ sở, nhưng hầu hết mọi việc đều được giải quyết ở Hội trường nằm trên tầng 2. Lãnh đạo thị trấn và một số cán bộ phải ngồi quanh chiếc bàn được xếp theo hình vòng cung để tiếp nhận, giải quyết công việc. Tại đây, có khá nhiều người dân đến để xác nhận một số thủ tục hành chính. Chị Dương Thị Thứ, ở xóm Quyết Tiến 2, thị trấn Hương Sơn cho biết: Tôi đến để làm thủ tục miễn giảm học phí cho con theo diện hộ nghèo. Mọi việc được các cán bộ làm khá nhanh, đơn giản. Chỉ mất khoảng 15 phút, công việc của tôi đã được giải quyết xong. Ông Dương Đình Quang, Chủ tịch UBND thị trấn đang phụ trách công tác tiếp dân hôm đó chia sẻ: Thực hiện cơ chế một cửa, UBND thị trấn đã phân công, bố trí cán bộ và ban hành lịch tiếp công dân vào các ngày thứ 2, 4, 6 hằng tuần tại “bộ phận một cửa”. Tuy phải sử dụng Hội trường để làm việc nhưng việc tiếp nhận và trả kết quả hồ sơ, chúng tôi vẫn đảm bảo đúng thời hạn, không có hồ sơ tồn. Các thủ tục được thực hiện theo cơ chế một cửa gồm: tư pháp, hộ tịch; địa chính - xây dựng; văn hóa - xã hội.

 

 

Được biết, từ năm 2010 đến nay, mỗi năm UBND thị trấn tiếp nhận từ 300 đến 400 hồ sơ và đều được giải quyết đúng thời hạn, không có hồ sơ tồn. Tương tự, bộ phận một cửa của các khác như: Lương Phú, Xuân Phương, Nhã Lộng…  tuy cũng còn hạn chế như: phòng làm việc chật trội, trang thiết bị thiếu thốn, lạc hậu, có nơi vẫn phải ghép chung với các phòng chuyên môn khác nhưng vẫn luôn cố gắng tiếp nhận và trả kết quả đúng thời hạn, không để tồn hồ sơ, thủ tục. Theo kết quả thống kê của UBND huyện, năm 2012, bộ phận một cửa của các xã, thị trấn đã tiếp nhận và giải quyết trên 34 nghìn hồ sơ và chỉ có trên 30 hồ sơ tồn lại do chưa đủ các thủ tục, giấy tờ liên quan.

 

Có thể nói, cơ chế “một cửa” tại các xã, thị trấn của huyện Phú Bình bước đầu đã tạo được sự công khai, thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân khi giải quyết thủ tục hành chính. Tuy nhiên, sự hạn chế về cơ sở vật chất trên thực tế làm ảnh hưởng không nhỏ đến việc thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm trong công tác cải cách hành chính nói chung và cơ chế một cửa, một cửa liên thông của huyện nói riêng. Cụ thể, phòng làm việc không đủ tiêu chuẩn theo quy định, việc tư vấn cho người dân hạn chế. Ngay phòng làm việc của bộ phận tiếp nhận và trả kết quả cấp huyện cũng chỉ rộng hơn chục m2. Hiện tại, bộ phận này chỉ tiếp nhận và giải quyết 2 lĩnh vực hành chính là cấp Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh cho hộ kinh doanh cá thể và cấp Giấy phép xây dựng. Các lĩnh vực: tài nguyên môi trường, tư pháp, địa chính… vẫn phải làm việc qua các phòng chuyên môn. Do đó, huyện vẫn chưa thực hiện được cơ chế “một cửa liên thông”. Đến thời điểm này, toàn huyện chỉ có xã Đồng Liên và Tân Kim phòng làm việc của bộ phận “một cửa” có được diện tích đáp ứng được quy định theo Quyết định 93/2007/QĐ-TTg của Chính phủ (40m2). Trước thực tế đó, năm 2012, UBND huyện đã đưa ra những giải pháp, từng bước khắc phục những hạn chế, đẩy mạnh công tác cải cách hành chính, nhất là đối với việc xây dựng cơ sở vật chất, đầu tư trang thiết bị cho bộ phận một cửa.

 

Về vấn đề này, bà Kiều Thị Thao, Trưởng phòng Nội vụ huyện Phú Bình cho biết: Năm 2012, Phòng đã tham mưu cho UBND huyện xây dựng và ban hành Kế hoạch cải cách hành chính giai đoạn 2012-2015. Theo đó, thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông, huyện tập trung bố trí phòng làm việc, trang thiết bị của bộ phận tiếp nhận và trả kết quả đáp ứng được yêu cầu tối thiểu theo quy định tại Quyết định số 93/2007/QĐ-TTg của Chính phủ. Các cơ quan chuyên môn thuộc UBND huyện có trách nhiệm phối hợp với các xã, thị trấn lựa chọn, xây dựng quy trình giải quyết cho một số thủ tục hành chính thuộc lĩnh vực đất đai, chính sách xã hội thuộc trách nhiệm giải quyết của cả hai cấp để đưa vào thực hiện theo cơ chế một cửa liên thông.

 

Thực hiện kế hoạch này, UBND đã chỉ đạo và giao cho các phòng, ban chuyên môn triển khai việc khảo sát, đánh giá, dự trù kinh phí mua sắm trang thiết bị… các dự án cải tạo, nâng cấp trụ sở làm việc của UBND huyện và các xã, thị trấn. Căn cứ vào khả năng tài chính của địa phương, sự hỗ trợ của tỉnh, huyện từng bước hoàn thiện, trước mắt đáp ứng được yêu cầu tối thiểu theo quy định. Vừa qua, phòng làm việc bộ phận một cửa của xã Kha Sơn đã được xây dựng và đưa vào sử dụng từ (trung tuần tháng 1/2013). Xã Nga My cũng đã có phòng một cửa mới cùng trụ sở làm việc. Các xã còn lại sẽ từng bước được nâng cấp, hoàn thiện.

 

“Đối với cấp huyện, khắc phục những khó khăn trước mắt, UBND huyện đã cho cải tạo, sửa chữa trụ sở của Viện Kiểm sát nhân dân huyện trước đây (nằm sát UBND huyện) để cho bộ phận một cửa, một cửa liên thông làm việc. Đến thời điểm này, khu nhà cơ bản đã được cải tạo xong. Như vậy bước đầu cơ sở vật chất của bộ phận một cửa cấp huyện đã có hướng mở. Đồng thời, UBND huyện đã có lựa chọn, cử những cán bộ giàu kinh nghiệm đang làm việc tại các phòng, ban chuyên môn đảm nhận nhiệm vụ tại bộ phận một cửa. Đây cũng là cách để rèn luyện, giúp cán bộ trưởng thành hơn”.  Bà Thao cho biết.

 

Có thể nói, việc đảm bảo về cơ sở vật chất cho bộ phận một cửa, một cửa liên thông của huyện Phú Bình đã mở ra hướng đi tích cực. Nếu kế hoạch được hoàn thành thì đây là cơ sở để nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước trên địa bàn, giúp cán bộ và nhân dân thuận tiện trong giải quyết hồ sơ, thủ tục hành chính, tạo môi trường, điều kiện thuận lợi để Phú Bình thu hút đầu tư, phát triển kinh tế - xã hội.