Nơi không ai muốn đến

07:56, 27/02/2013

Không phải một vùng đất xa lắc, gian khổ thiếu thốn, mà ở ngay trong lòng T.P Thái Nguyên, có một địa chỉ không ai muốn đến để phải sống gần như cách biệt với gia đình, xã hội - đó là Trung tâm Điều dưỡng & Phục hồi chức năng tâm thần kinh (Sở Lao động Thương binh & Xã hội) tỉnh Thái Nguyên.

Thạc sĩ Dương Xuân Hưng, Giám đốc Trung tâm suy tư, bảo: Họ là những người gia đình không thể chịu đựng nổi. Thậm chí trong giây phút hoang tưởng, họ có thể gây án mạng mà không phải chịu trách nhiệm, vì họ là người mất năng lực hành vi dân sự. Gia đình buộc phải đưa họ đến đây để cầu sự an toàn.

 

 

Chắc chắn trong cuộc đời, không ai muốn trở thành một người bệnh tâm thần. Song cuộc sống vốn nhiều áp lực, tâm lý bị dồn nén, không giải toả được, hoá bệnh… Thạc sĩ Hưng đưa tôi đi qua cánh cổng sắt vào trong khu điều trị, nơi dành cho bệnh nhân tâm thần. Ở đây, những mảnh đời vô cảm, hồn vía ngơ ngác, có người không biết mình sinh ra từ đâu, đến đây để làm gì. Như bà Đàm Thị Đệ, gần 70 tuổi. Tháng 10/2012, cán bộ Trung tâm phát hiện bà Đệ đang lang thang tìm cái ăn bên một đống rác ở lề đường thành phố. Bà Đệ được đưa về Trung tâm.

 

Với người như bà Đệ, đó là một may mắn. Nhưng với người như ông Trương Phúc Đoàn, 66 tuổi, làm công nhân ở Công ty CP Gang thép Thái Nguyên đã vào đây 21 năm nay thì quả là một thiệt thòi. Ông Đoàn mới được nhận sổ hưu ít ngày thì đầu óc có vấn đề, gia đình buộc phải đưa ông vào đây điều trị. Thạc sĩ Hưng cho biết: Hiện Trung tâm đang quản lý, điều trị 176 bệnh nhân, trong đó có 51 nữ, đặc biệt có 13 bệnh nhân có độ tuổi dưới 30. Trước lúc vào đây, có người là thầy giáo, bộ đội, công an, sinh viên… đủ các thành phần. Có mặt ở đó, bác sĩ Phùng Thị Huệ, Trưởng phòng Y vụ cho biết thêm: Hầu hết bệnh nhân vào đây đều ở trong trạng thái tâm thần hoang tưởng, như lo sợ bị ai đó giết; nghĩ mình trúng lô đề hoặc luôn có suy nghĩ tự sát; có trường hợp dùng dao phay chém đứt đầu mẹ mà cứ ngỡ mình vừa chém cụt 1 cây chuối; có trường hợp là công an vũ trang dùng dao găm đâm thủng ruột bố đẻ nhưng lại nghĩ mình vừa tiêu diệt được kẻ thù…

 

Bác sĩ Huệ là 1 trong số ít cán bộ y tế vào Trung tâm nhận nhiệm vụ từ ngày đầu thành lập (năm 1990). Hơn 20 năm gắn bó với những con người nửa mê nửa tỉnh, đời người và đời nghề của chị nhiều lắm với chuyện khóc - cười. Cũng có lúc nghĩ suy, so sánh với bạn cùng học đang công tác ở các bệnh viện, trạm y tế mà chạnh lòng, tủi phận. Nhưng công việc giúp chị vượt lên tất thảy mọi so sánh, lo toan đời thường để tìm vui ngay ở chốn người mê. Chị bảo tôi: Anh đừng gọi họ là người điên, mà phải dùng từ là loạn thần. Như thế, bệnh nhân đỡ cảm thấy tủi hổ.

 

Câu nói của chị khiến tôi cảm nhận được đầy đủ hơn về thái độ y đức của chị và các thầy thuốc đang công tác ở Trung tâm. Chị giải thích: Loạn thần có 2 dạng, hưng cảm và trầm cảm. Dạng loạn thần nào cũng nguy hiểm, hưng cảm có thể dẫn đến việc bệnh nhân có hành động đập phá, giết người; trầm cảm khiến người bệnh luôn nghĩ tới cách tự sát hoặc có một hành động bất bình thường làm ảnh hưởng tới xã hội. Ngay cả khi vào đây, bệnh nhân được điều trị bằng các liệu pháp: Hoá dược, tâm lý liệu pháp và lao động liệu pháp, phục hồi chức năng rồi, nhưng khi lên cơn loạn thần, bệnh nhân có thể đánh cả cán bộ y tế.

 

Ít năm trước đây, bác sĩ Chu Hoàng Tùng, Phó Giám đốc Trung tâm trong khi đang chăm sóc bệnh nhân, thì bị bệnh nhân, dùng chiếc bát ăn cơm đập thẳng vào đầu, máu chảy đỏ vai.

 

Ở đây, những người đến điều trị đều bị gia đình ruồng bỏ, xã hội lảng tránh. Họ là bệnh nhân, là nạn nhân của những cuộc làm ăn thất bại, của những xung đột ái tình không lối thoát… gia đình hết phương cứu chữa mới gửi gắm họ vào. Gia đình, người thân của họ cũng đã gần như kiệt quệ về kinh tế, chán nản về tình thân, cũng vì thế ở nơi này, những người thầy thuốc luôn phải căng sức làm việc mà không hề nghĩ tới lợi lộc, dù đó là một lời cảm ơn của bệnh nhân. Thạc sĩ Hưng tâm sự: Có thời điểm tôi phải trực cơ quan cả tuần. Vợ hiểu việc của chồng, không trách gì, song mình cũng thấy áy náy.

 

Trước khi về nhận nhiệm vụ ở đây, Thạc sĩ Hưng đã có hơn 4 năm công tác tại Trung tâm cai nghiện của tỉnh. Khi thấy một bệnh nhân sau hàng tháng trời thoát khỏi cơn mộng mị, không riêng tôi, tất cả anh chị em đều thấy vui hơn vì đã giành giật cho người bệnh trở lại được với cuộc sống đời thường. Mỗi lần nhận thêm cán bộ y tế mới, tôi đều phải định hướng công tác tư tưởng cho họ và nhắc nhở mỗi người phải cẩn thận trong quá trình tiếp xúc.

 

Đành rằng Nhà nước đã có nhiều quan tâm hơn tới đời sống của đội ngũ cán bộ y tế công tác thuộc lĩnh vực này. Một thông tin vui: Từ tháng 8/2011, ngoài lương, cán bộ y tế trực tiếp làm công tác điều trị được phụ cấp thêm 70% ngoài lương, thêm chút nữa là tiền phần trăm độc hại. Song các khoản ưu đãi ấy dường như vẫn chưa đủ thu hút những người có trình độ đại học, sau đại học thuộc ngành y dược về đây công tác, điều ấy thể hiện ngay trong biên chế hiện nay của Trung tâm, với tổng số 69 biên chế và 8 nhân viên hợp đồng, vẫn chỉ có 2 bác sĩ, 1 thạc sĩ về đây nhận công tác từ những ngày đầu đơn vị thành lập. Năm 2012 Trung tâm có 150 bệnh nhân, năm 2013 đang điều trị 160 bệnh nhân, dự kiến đến năm 2015, Trung tâm được Ngành giao chỉ tiêu điều trị 350 bệnh nhân.

 

Nhớ lại hơn 10 năm trước, trên diện tích đất rộng 3.748m2, tôi vào đây viết bài chỉ thấy độc sim, mua, cỏ dại. Nay trở lại đã khác rất nhiều, Văn phòng làm việc của cán bộ được xây dựng khá khang trang, khu điều trị bệnh nhân, khu nhà ăn được xây dựng chắc chắn. Trước các khu điều trị của bệnh nhân có ghế đá, vườn rau. Theo y tá Đỗ Tiến Doanh, Phó Khoa Phục hồi chức năng: Người bệnh được tham gia lao động liệu pháp, gân cốt không mỏi mệt, tinh thần phấn chấn, họ cảm nhận được cuộc sống của bản thân mình còn có ý nghĩa. Qua đó bệnh nhân có ý thức cộng tác với cán bộ y tế trong điều trị. Nhờ vậy, nhiều bệnh nhân đã ổn định được tâm thần trở về chung sống cùng gia đình. Còn rau xanh, cá tươi, lợn tăng gia thêm được đơn vị sử dụng cải thiện bữa ăn cho bệnh nhân.

 

Nhân ngày Thầy thuốc Việt Nam, tôi có bài viết này thay đoá hồng tươi, kính tặng những cán bộ y tế đang làm nhiệm vụ ở nơi không ai muốn đến này.