Vẫn biết là đợt rét này rất lạnh và kéo dài, tôi đã cố gắng giữ ấm cho đứa cháu nhỏ, nhưng điều không mong muốn vẫn đến. Phòng cấp cứu Khoa nhi Bệnh viện đa khoa Trung ương Thái Nguyên, mới bước vào đã thấy nóng rực. Tôi ngó quanh, tưởng là có thiết bị sưởi ấm nhưng chẳng thấy đâu.
Trong căn phòng nhỏ có tới hai giường và năm bàn cấp cứu. Người lớn, trẻ nhỏ chen nhau, bế đứng, bế ngồi, nằm ghép, các bác sỹ, y tá làm việc hối hả, mặt lấm tấm mồ hôi, dù nhiệt độ ngoài trời chỉ hơn 10oc. Cháu tôi và nhiều cháu khác phải phanh hết quần áo, vừa chuyền, vừa chườm để giảm sốt. Nằm trên bàn ngay cạnh chỗ tôi ngồi là một cháu nhỏ mới ba tháng tuổi, ho và sốt cao, khuôn mặt đầy vẻ mệt mỏi.
Một cháu nhỏ khác bị bệnh về máu từ huyện chuyển đến, bác sỹ của khoa ân cần thăm khám và bảo, thời gian chữa cho cháu bình phục cũng khá lâu đấy. Mẹ cháu ôm con lặng lẽ lau nước mắt. Một trường hợp đáng thương hơn là cháu bé bị bệnh não, nhà ở huyện vùng núi. Bố cháu bảo nhà chỉ có một con trâu, do cần tiền chữa bệnh nên đã bán rồi. Đến bữa ăn tôi thấy mẹ cháu bé cầm cặp lồng đứng nép vào cột ở hành lang, tôi đến bên và hỏi: Lạnh thế này sao chị không vào giường ngồi. Nhìn vào cặp lồng của người mẹ trẻ chỉ có cơm trắng và một quả cà chua rắc muối, tôi thấy cổ nghẹn lại không nói được điều gì. Qua tìm hiểu tôi được biết, các bác sỹ, điều dưỡng viên ở đây đã nhiều lần tự nguyện bớt đồng lương ít ỏi, mang quần áo, chăn ấm… giúp đỡ bệnh nhân, đặc biệt là những bệnh nhân người dân tộc thiểu số ở vùng đặc biệt khó khăn.
Tiến sỹ Khổng Thị Ngọc Mai, Trưởng khoa Nhi cho biết thêm: Khoa có 85 giường bệnh, nhưng số lượt bệnh nhân điều trị vượt tới 147%. Để hạn chế cho bệnh nhân nằm ghép, khoa phải kê thêm giường, lồng ấp… phần nào giảm bớt những khó khăn trong điều trị và sinh hoạt của bệnh nhi. Mặc dù biên chế cán bộ có hạn, bệnh nhân đông, nhưng khoa vẫn cử cán bộ đi nghiên cứu sinh, học chuyên khoa, học cử nhân điều dưỡng, học tập huấn kỹ thuật điều trị mới. Tham gia giảng dạy, hướng dẫn thực tập. Đặc biệt khoa còn tham gia các chương trình khám chữa bệnh cho đồng bào các dân tộc vùng sâu, vùng xa, trẻ em khuyết tật qua đó được nhân dân rất tin yêu.
Tôi tự nhủ, phải có tinh thần trách nhiệm cao và sự cảm thông sâu sắc mới hoàn thành được nhiệm vụ trong thời điểm còn nhiều khó khăn như thế này, các anh, các chị thật xứng đáng với lời dạy của Bác Hồ: “Lương Y như từ mẫu”.