Tăng cường nhân lực y tế cho vùng sâu, vùng xa để bảo đảm công bằng trong chăm sóc sức khỏe

07:58, 27/02/2013

Trong thư gửi cán bộ y tế ngày 27- 2-1955 Bác Hồ căn dặn ba điều. Ðó là  phải thật thà đoàn kết; phải biết thương yêu, săn sóc người bệnh như người thân của mình và xây dựng một nền y học của Việt Nam thích hợp nhu cầu của nhân dân ta.

Việc xây dựng một nền y học cần trên nguyên tắc: khoa học, dân tộc và đại chúng. Thấm nhuần lời dặn của Người, các thế hệ thầy thuốc cần mẫn, sáng tạo, luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm, không ngại khó, ngại khổ, luôn tìm mọi cách khắc phục khó khăn hoàn thành tốt nhiệm vụ.

 

Mặc dù gặp nhiều khó khăn nhưng thời gian qua, ngành y tế nỗ lực vượt qua thách thức để hoàn thành tốt nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe nhân dân và đạt được nhiều thành tựu quan trọng. Mạng lưới y tế, nhất là y tế cơ sở ngày càng được củng cố và phát triển; nhiều dịch bệnh nguy hiểm được khống chế và đẩy lùi; các dịch vụ y tế ngày một đa dạng; nhiều công nghệ mới được nghiên cứu và ứng dụng, thực hiện được nhiều kỹ thuật mới, tiên tiến; từng bước bảo đảm cung ứng thuốc và trang thiết bị y tế. Tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế đã tăng lên. Nhân dân ở hầu hết các vùng, miền đã được chăm sóc sức khỏe tốt hơn; phần lớn các chỉ tiêu tổng quát về sức khỏe của nước ta đều vượt các nước có cùng mức thu nhập bình quân đầu người.

 

Riêng năm 2012, ngành y tế tiếp tục hoàn thành bốn chỉ tiêu do Quốc hội giao và 17/18 chỉ tiêu do Chính phủ giao. Về phòng, chống dịch, kiểm soát tốt các dịch bệnh mới nổi. Ðặc biệt đã phát hiện ra căn nguyên và khống chế thành công bệnh "lạ" viêm da dày sừng bàn tay, bàn chân, lần đầu tiên xuất hiện tại huyện Ba Tơ, Quảng Ngãi. Bộ Y tế tham mưu cho Chính phủ và được Chính phủ đồng ý lấy ngày 2-7 hằng năm là Ngày Vệ sinh yêu nước, nhằm phát động rộng rãi trong toàn xã hội tham gia giữ gìn vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường, góp phần phòng, chống bệnh tật và nâng cao sức khỏe. Ngành đã tham mưu trình Chính phủ cho phép ban hành Thông tư liên tịch số 04/2012/TTLT-BYT-BTC điều chỉnh 470 trong tổng số 3.000 giá dịch vụ y tế. Chính phủ đã ban hành Nghị định số 85/2012/NÐ-CP ngày 15-10-2012 về cơ chế tài chính của đơn vị sự nghiệp y tế công lập, Nghị định sẽ là một nền tảng quan trọng, đổi mới cơ chế tài chính trong lĩnh vực y tế. Bộ Y tế cũng đã tham mưu Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 21-NQ/TW ngày 22-11-2012 về tăng cường sự lãnh đạo của Ðảng đối với công tác bảo hiểm xã hội và bảo hiểm y tế giai đoạn 2012-2020 và xây dựng trình Thủ tướng Chính phủ Ðề án thực hiện lộ trình tiến tới bảo hiểm y tế toàn dân giai đoạn 2012-2015 và 2020. Ðáng chú ý, các đơn vị trong ngành tiếp tục ứng dụng thành công nhiều kỹ thuật hiện đại, đưa y học tại Việt Nam ngang tầm các nước trong khu vực và các nước trên thế giới như: ghép tủy đồng loại, ghép gan, tim, thận, kỹ thuật chẩn đoán di truyền,v.v. đem lại hy vọng mới cho những người không may mắc bệnh hiểm nghèo. Bộ Y tế hoàn thành việc xây dựng và trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Ðề án giảm quá tải bệnh viện giai đoạn 2013-2020, nhất là giảm tải đối với các chuyên khoa: ung bướu, ngoại-chấn thương, tim mạch, sản và nhi tại tuyến trung ương và các bệnh viện tuyến cuối của thành phố Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh... Ðạt được những thành tựu này là do ngành y tế có một đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức cần mẫn, sáng tạo, luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm, không ngại khó, ngại khổ, luôn tìm mọi cách khắc phục khó khăn hoàn thành tốt nhiệm vụ.

 

Sức khỏe là vốn quý nhất của mỗi con người và của toàn xã hội, sự nghiệp bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân luôn được Ðảng, Nhà nước ưu tiên quan tâm, thể hiện bản chất tốt đẹp, ưu việt của chế độ xã hội chủ nghĩa trong việc bảo đảm an sinh xã hội. Tuy nhiên, người dân ở khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới hải đảo, vùng đặc biệt khó khăn vẫn còn nhiều vất vả trong việc tiếp cận các dịch vụ chăm sóc sức khỏe do hệ thống y tế còn bất cập. Một trong những nguyên nhân là do thiếu nguồn nhân lực y tế, nhất là bác sĩ có trình độ chuyên môn chuyên sâu.

 

Nhằm giải quyết những bất cập kể trên, Bộ Y tế chủ động phối hợp Trung ương Ðoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam, Hội Thầy thuốc trẻ Việt Nam, và các đơn vị liên quan xây dựng và triển khai "Dự án thí điểm đưa bác sĩ trẻ tình nguyện về công tác tại miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn (ưu tiên 62 huyện nghèo)". Dự án này thí điểm việc bác sĩ trẻ tốt nghiệp loại khá, giỏi tình nguyện về phục vụ ở các vùng khó khăn, miền núi, vùng sâu, vùng xa, đặc biệt là 62 huyện nghèo. Những bác sĩ này được hưởng các quyền lợi như: được xét tuyển vào làm việc ở một trong các bệnh viện trực thuộc Bộ Y tế, được đào tạo chuyên khoa I;  những bác sĩ trẻ này sẽ trở thành nguồn cán bộ được đào tạo về chuyên khoa sâu hoặc đào tạo về quản lý y tế. Ngoài ra họ còn được hưởng các chế độ đối với cán bộ y tế làm việc tại vùng sâu, miền núi, vùng khó khăn theo Nghị định 64, nhất là Quyết định số 14/QÐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 20-2-2013 về chế độ luân phiên có thời hạn đối với cán bộ y tế công lập. Nghĩa vụ của các bác sĩ trẻ tình nguyện là: phục vụ tại cơ sở y tế tuyến huyện vùng khó khăn ba năm (đối với nam) và hai năm (đối với nữ), và phải hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

 

Cùng thực hiện hàng loạt các giải pháp tăng cường nhân lực về tuyến dưới, việc triển khai Dự án này và Quyết định 14 của Thủ tướng Chính phủ là bước đột phá của ngành y tế trong việc tiến tới bảo đảm đủ số lượng nguồn nhân lực có trình độ chuyên môn, kỹ thuật cao đáp ứng được nhu cầu chăm sóc sức khỏe của nhân dân ở địa phương còn khó khăn. Qua đó tạo cơ hội cho đông đảo người nghèo, người dân ở vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn được tiếp cận các dịch vụ y tế có chất lượng ngày một tốt hơn, hạn chế chuyển tuyến điều trị không cần thiết, góp phần giảm quá tải ở các bệnh viện tuyến trên, tránh lãng phí cho người dân, cộng đồng và xã hội.  Triển khai tốt Dự án này còn tạo điều kiện để các thầy thuốc trẻ có cơ hội cống hiến sức lực và trí tuệ, phát huy tính xung kích, tình nguyện góp phần xây dựng và phát triển đất nước.

 

Phát huy truyền thống tinh thần xung kích, "đâu cần thanh niên có, đâu khó có thanh niên", tinh thần thanh niên "ba sẵn sàng", nhất là sẵn sàng cống hiến sức trẻ của mình phục vụ đồng bào ở các vùng khó khăn của Tổ quốc. Với sự hăng hái tình nguyện của đội ngũ thầy thuốc trẻ, sự phối hợp chặt chẽ của các bộ, ngành và địa phương dự án chắc chắn sẽ thành công, góp phần quan trọng trong công tác chăm sóc, bảo vệ và nâng cao sức khỏe nhân dân nhằm xây dựng nền y tế Việt Nam xã hội chủ nghĩa Công bằng - Hiệu quả - Phát triển.