Tê tê say say - Căn bệnh chưa rõ nguyên nhân

09:00, 22/02/2013

Hàng nghìn người mắc bệnh và đã có người chết. Mặc dù có nhiều đoàn khảo sát, nghiên cứu trong nước cũng như quốc tế đến lấy mẫu để tìm nguyên nhân dẫn đến bệnh tê tê, say say (bệnh viêm đa dây thần kinh) nhưng chưa có kết luận cụ thể. Vì vậy, nguyên nhân gây bệnh tê tê, say say ở người trên địa bàn tỉnh Hòa Bình vẫn là một bí ẩn.

Căn bệnh “địa phương”

 

Bệnh tê tê, say say là tên gọi dân dã mà người dân các địa phương trên địa bàn tỉnh Hòa Bình có người mắc bệnh đặt. Tuy nhiên, theo các cơ quan chuyên môn thì đây là bệnh của hội chứng viêm đa dây thần kinh có liên quan đến vitamin B1. Dấu hiệu của bệnh là người da xanh, mặt nhợt, tê bì tay chân như kiến bò. Người bị bệnh có thể là bị tê bì từ đầu các ngón chân, ngón tay, sau đó lan dần lên cẳng chân, tay rồi lên đến đầu. Lúc phát bệnh ăn rất khỏe, ngủ ly bì. Nếu người bị nặng thì dẫn đến tim đập nhanh, hồi hộp, đánh trống ngực, khó thở, cơ yếu có thể không đi lại được. Sau khoảng vài ba tiếng sẽ có triệu chứng suy tuần hoàn, suy hô hấp và dẫn đến tử vong sau ba đến bốn giờ. Điều đáng nói là qua điều tra nghiên cứu thì số bệnh nhân hay mắc bệnh tê tê, say say tập trung chủ yếu vào trẻ em đang trong độ tuổi lớn và thanh niên vì giai đoạn này các đối tượng đang có nhu cầu vitamin rất lớn.

 

Theo ông Vũ Quốc Hải, Trưởng khoa Kiểm soát dịch bệnh (Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh) bệnh tê tê, say say xuất hiện trên địa bàn tỉnh Hòa Bình khá lâu nhưng trước đây không được chú ý đến bởi hệ thống y tế trên địa bàn tỉnh còn yếu. Đến khoảng những năm 1995-1997, căn bệnh này mới được quan tâm hơn do có nhiều trường hợp mắc bệnh. Có những trường hợp người đang khỏe mạnh phát bệnh và tử vong trong vòng ba đến bốn giờ. Đặc biệt, trong khoảng thời gian từ năm 2000 đến 2002, bệnh tê tê, say say đã bùng phát mạnh ở huyện Kim Bôi với 576 người bị mắc. Bộ Y tế đã cử nhiều đoàn về khám và nghiên cứu, điều tra tìm nguyên nhân gây ra căn bệnh tê tê, say say này. Bên cạnh đó, căn bệnh này cũng được nhiều tổ chức quốc tế ở các nước như Mỹ, Nhật, Bỉ…đến tìm hiểu nguyên nhân gây bệnh. Qua nhiều lần khảo sát, nghiên cứu có nhiều ý kiến cho rằng, nguyên nhân gây ra bệnh tê tê, say say là do nhiễm độc kim loại nặng hay ô nhiễm nguồn nước, không khí, có ý kiến lại cho rằng đó là bệnh riêng của dân tộc Mường…Tuy nhiên, các ý kiến đó đều đã bị loại bỏ do không có chứng cứ hay kết luận cụ thể.

 

Cũng trong thời gian đó, các y bác sĩ tại các địa phương có người mắc bệnh đã đúc rút ra được kinh nghiệm đó là những trường hợp bệnh nặng điều trị bằng vitamin nhóm B liều cao thì lại có hiệu quả. Đến năm 2000, các cơ quan chuyên môn đã đưa ra phác đồ chẩn đoán và điều trị hội chứng viêm đa dây thần kinh có liên quan đến vitamin B1 để làm căn cứ cho việc chẩn đoán và điều trị bệnh. Sau khi có sự vào cuộc rầm rộ của các cơ quan chuyên môn từ Trung ương, tỉnh, huyện cũng như kinh nghiệm phòng bệnh của người dân thì từ năm 2003 đến 2005 bệnh tê tê, say say đã giảm hẳn với chỉ 12 người mắc trong vòng ba năm. Tuy nhiên, đến năm 2006 bệnh lại bùng phát và không còn bó hẹp tại huyện Kim Bôi mà lan sang cả huyện Lạc Sơn với 52 ca mắc bệnh, trong đó có ba trường hợp tử vong. Và cũng từ năm 2010 đến nay, bệnh tê tê, say say lại tiếp tục xuất hiện với 577 người bị mắc chủ yếu ở huyện Lạc Sơn với 539 ca. Theo báo cáo từ Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh thì từ năm 2000 đến nay, trên địa bàn tỉnh Hòa Bình đã ghi nhận khoảng 1.279 ca ở bốn huyện là Kim Bôi, Lạc Sơn, Lương Sơn và Yên Thủy, trong đó có sáu trường hợp đã tử vong (đều ở huyện Lạc Sơn).

 

Sợ phát bệnh không dám đi làm xa

 

Nhiều năm trở lại đây, người dân bốn xã Bình Chân, Bình Cảng, Bình Hẻm và Yên Nghiệp huyện Lạc Sơn đang hàng ngày, hàng giờ phải “sống chung với bệnh” tuy không khí ở các miền quê nghèo này không còn u ám như thời gian bệnh bắt đầu xuất hiện. Khi đó, mỗi lần nhà ai có người mắc bệnh tê tê, say say là làng xóm lại xôn xao nhưng trong thâm tâm mỗi người dân đều mong mỏi một điều đó là các cơ quan chuyên môn nhanh chóng nghiên cứu để tìm ra nguyên nhân gây bệnh cũng như có thuốc đặc trị để ổn định đời sống.

 

Về xã Bình Chân huyện Lạc Sơn thời gian này khi bệnh tê tê, say say không còn được coi là bệnh “lạ” đối với bà con nơi đây. Tuy nhiên, việc tự nhiên bùng phát mạnh căn bệnh tê tê, say say tại địa bàn vẫn là vấn đề lo ngại đối với mỗi gia đình, nhất là những hộ có người mắc bệnh. Chị Bùi Thị Khương, Trạm trưởng Trạm Y tế xã Bình Chân trăn trở: “Chẳng hiểu vì sao mà bệnh tê tê, say say lại bùng phát ở xã nhanh và có nhiều người mắc bệnh vậy. Khổ nỗi, bệnh này nó lại không như các bệnh khác là biết nguyên nhân gây bệnh nên có cách phòng, chống cũng như điều trị. Bệnh tê tê, say say lại không biết nguyên nhân, cơ chế gây ra bệnh nên chúng tôi cũng như người dân chỉ biết cách chống, chứ chẳng biết phòng ra sao. Từ năm 2006 đến nay, trên địa bàn xã đã ghi nhận 127 ca mắc bệnh, riêng năm 2012 là 24 ca”. Đặc biệt, ở Lạc Sơn có nhiều người mắc bệnh không dám đi làm ruộng ở xa vì sợ phát bệnh không kịp thời cứu chữa. Đã có trường hợp, đang đi làm ruộng phát bệnh phải nằm ngay tại bờ và nhờ người đưa đến trạm y tế xã mới thoát khỏi “tử thần”. Hay những người làm thợ xây cũng không dám đi vì sợ phát bệnh sẽ rơi từ trên cao xuống. Vì vậy, những gia đình có người mắc bệnh thuộc diện kinh tế khó khăn nay càng khó khăn vì không thể đi làm ăn xa, kinh tế chủ yếu dựa vào nông nghiệp lại còn phải lo thuốc men chữa trị.

 

Xóm Cành 1 xã Bình Chân, hiện nay có 111 hộ với khoảng 530 nhân khẩu thì gần như 100% gia đình đều có người mắc bệnh tê tê, say say. Bác Bùi Văn Tộn, xóm Cành 1 cho biết, hiện nay gia đình tôi có sáu người thì cả sáu đều mắc bệnh này. Lần đầu mắc bệnh, tự dưng tôi thấy người mệt mỏi, đầu các ngón chân, tay tê buốt, lạnh. Đứng dậy đi lại thấy mắt hoa như đom đóm. Rất may do được tuyên truyền trước nên người nhà đưa tôi đến trạm y tế xã để các y tá cho uống thuốc và theo dõi nên không có hậu quả xấu. Là người đã bị bệnh nên bác Tộn đã có “kinh nghiệm” để phòng tránh phát bệnh. Theo bác ngoài việc uống thuốc B1, B6 và can xi đầy đủ thì người bị bệnh cần phải tránh trời mưa, sương đêm, đi giày hoặc ủng và đội mũ nón khi ra đường. Nếu người bị bệnh chạm vào sương đêm hay nước mưa thì bệnh sẽ bốc ngay lên đầu gây tê liệt, dần dân không thể đi lại như bình thường, thậm chí gục ngã xuống đất. Đặc biệt là khi thời tiết chuyển mùa đang nóng, sang lạnh cần phải giữ ấm cho cơ thể nếu không bệnh tái phát rất nhanh sẽ nguy hiểm đến tính mạng.

 

Thiếu nguồn kinh phí hỗ trợ người mắc bệnh

 

Cũng theo ông Vũ Quốc Hải, để hỗ trợ kịp thời cho những người mắc bệnh ở huyện Lạc Sơn thì Sở Y tế tỉnh, Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh cũng đã có kiến nghị gửi các cơ quan chức năng để hỗ trợ tuyên truyền, mua thuốc cho người dân. Tuy nhiên, việc hỗ trợ rất khó khăn vì bệnh tê tê, say say chưa xác định được là bệnh lây hay không do không tìm ra được nguồn lây. Vì vậy hiện nay, việc hỗ trợ cho người dân nhằm đối phó với bệnh này chủ yếu lấy từ nguồn kinh phí của Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh và huyện Lạc Sơn cũng như một phần của UBND huyện Lạc Sơn. Tuy nhiên, nguồn kinh phí này cũng rất ít và hạn chế nên chủ yếu là dùng để mua thuốc hỗ trợ nhân dân phòng, chống bệnh.

 

Trong năm 2011, dự án hỗ trợ phát triển hệ thống y tế dự phòng có đề nghị dự án của Trung ương để hỗ trợ phòng chống thiếu vi chất dinh dưỡng vitamin B1 tại huyện Lạc Sơn. Theo đó, các cơ quan chức năng đã điều tra, xác định có đúng là các bệnh nhân có hội chứng thiếu vi chất dinh dưỡng do thiếu vitamin B; xác định xem số người mắc bệnh và những dấu hiệu, triệu chứng của bệnh là gì. Trên cơ sở đó, Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh đã tổ chức lớp tập huấn cho 40 cán bộ y tế thôn bản ở bốn xã Bình Chân, Bình Cảng, Bình Hẻm và Yên Nghiệp kỹ năng về truyền thông; dinh dưỡng cân đối; dinh dưỡng phòng chống bệnh thiếu vitamin nhóm B. Sau đó, Trung tâm đã in tờ rơi, hỗ trợ truyền thông tại xã cho y tế thôn bản và hỗ trợ 40 nghìn viên vitamin 3B, 70 nghìn viên can xi, hai nghìn ống vitamin Complex đến các xã này nhằm mục đích để người dân đang mắc bệnh được uống thuốc dự phòng giảm thiểu tối đa tử vong.