Tết của những người giữ biển

08:09, 01/02/2013

Tháng cuối năm, mùa biển động, sóng bạc đầu liên miên không dứt. Tàu HQ 624 (Lữ đoàn 171) vẫn vượt sóng dữ đưa đoàn công tác đến thăm và chúc Tết cán bộ, chiến sĩ hải quân trên cụm nhà giàn DK1 (Cụm Kinh tế - Khoa học - Dịch vụ, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu), những người đang ngày đêm canh giữ, bảo vệ thềm lục địa phía đông nam Tổ quốc.

Biển vẫn con đường mòn

 

Mỗi dịp xuân về, Lữ đoàn 171, Bộ Tư lệnh vùng B Hải quân lại tổ chức các đoàn công tác ra thăm, chúc Tết cán bộ, chiến sĩ hải quân trên nhà giàn DK1 và trạm ra-đa Côn Ðảo. Ðoàn công tác số 1 do Ðại tá Tô Văn Thư, Phó Tham mưu trưởng Bộ Tư lệnh vùng B Hải quân làm trưởng đoàn, xuất phát vào một ngày cuối năm nắng đẹp. Thế nhưng, chỉ ra khỏi cửa biển Vũng Tàu mấy tiếng đồng hồ, sóng gió đã nổi lên. Hơn 40 giờ vượt sóng, tàu HQ 624 đưa đoàn chúng tôi đến nhà giàn DK1/16 (thuộc bãi cạn Phúc Tần). Xuồng nhanh chóng được thả xuống để chuyển quà Tết lên nhà giàn, nhưng sóng biển quá mạnh, chỉ có một số thủy thủ dạn dày kinh nghiệm và Trưởng đoàn được ngồi trên con xuồng đó. Chúng tôi đứng trên boong tàu tiếc nuối, chỉ biết vẫy tay và gửi lời chào những người lính của DK1/16.

 

"Sóng gió không thể nói trước" là câu cửa miệng của người đi biển. Mùa gió chướng, sóng yên chốc lát rồi mưa giông lại kéo tới ngay được. Mỗi lần tàu thả neo trước một nhà giàn nào đó, không ai bảo ai đều nhào ra boong, để ước lượng, đánh giá những con sóng với hy vọng sẽ được lên nhà giàn. Tận mắt chứng kiến con xuồng được chằng buộc dây neo tứ bề vẫn chồm lên, chồm xuống trong từng lớp sóng tràn qua mạn tàu, mới thấy sự nguy hiểm luôn cận kề với cả những người lính thủy lão luyện. Những ngày biển động cấp bảy, cấp tám, tàu neo phải hơn một ngày, rung lắc theo từng đợt sóng, cụm nhà giàn Quế Ðường ở ngay trước mắt mà như xa vời vợi, người trên nhà giàn mong ngóng một, người dưới tàu nóng ruột gấp mười. Thượng úy Lưu Công Hiền, Thủy thủ trưởng tàu HQ 624 chia sẻ: Mỗi khi sóng gió trên cấp bảy, để bảo đảm an toàn chỉ có những thủy thủ dày dạn kinh nghiệm mới được tham gia cấp hàng, vì chỉ một sai sót nhỏ sẽ dẫn đến mất mát không đáng có. Dù sóng to, gió lớn đến đâu, vận chuyển từng túi quà, gói hàng không bị ngấm nước biển, không bị va đập đến tay đồng đội vẫn là nhiệm vụ quan trọng của chúng tôi. Thất lạc hay làm hỏng, dù chỉ  một túi quà coi như chuyến đi không trọn vẹn.

 

Ðại tá Tô Văn Thư tâm sự: Mỗi chuyến đi thế này, chúng tôi đều muốn lên tận nơi, trao quà tận tay tới đồng đội đang ngày đêm bám trụ giữa biển khơi, nhưng an toàn cho cán bộ, chiến sĩ, cho đoàn công tác vẫn là ưu tiên hàng đầu. Có năm, biển động suốt cả chuyến đi không lên được một nhà giàn nào. Chỉ mong thời tiết thuận lợi để đoàn có thể lên nhà giàn gặp gỡ, chúc Tết. Cái mà anh em thèm là hơi ấm bàn tay đất liền. Có ai muốn vượt hàng trăm hải lý để rồi phải "chúc Tết qua loa, gửi quà qua dây", chào tạm biệt qua những hồi còi tàu đâu.

 

Những nhà giàn như chiếc chòi canh gác nhỏ nhoi giữa những con sóng bạc đầu. Trong nền trời xám xịt, sự lẻ loi, chênh vênh càng rõ. Vậy mà khi chúng tôi chúc Tết qua bộ đàm, lời đáp lại của các anh vẫn là tiếng hát lạc quan: "Sóng gió mặc sóng gió. Lính nhà giàn bọn tôi ở đó. Chông chênh mặc chông chênh. Lính nhà giàn chẳng sợ bão giông...", để người nghe phải rưng rưng nước mắt.

 

Thượng tá Lê Ðình Việt, Phó Chủ nhiệm chính trị vùng B Hải quân cho chúng tôi biết: Mỗi nhà giàn là một cột mốc chủ quyền của nước ta trên thềm lục địa. Những người chiến sĩ hải quân sẵn sàng chấp nhận hy sinh để giữ vững chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc. Còn tôi hiểu, dẫu "sóng có xóa dấu vết, biển vẫn con đường mòn". Và đất liền vẫn đi trên những con đường đó để đến với các anh.

 

Tết sớm nhà giàn

 

Với người lính nhà giàn, không khí Tết thật giản dị, đó là khi có người đất liền ra thăm. Mà đoàn công tác ra thăm nhà giàn thì hiếm lắm, một năm may ra được một hai lần, có nhà giàn đã lâu chưa được đón đoàn khách nào chỉ vì biển động quá.

 

Cái không khí chộn rộn của ngày Tết như ngập tràn trong khoảng không gian nhỏ hẹp của nhà giàn DK1/18 (thuộc bãi cạn Phúc Tần). Quà đất liền đã trao tới tận tay những người lính, đủ cả lá dong gói bánh, gà trống để các anh cúng giao thừa, có nhà giàn còn "đặt hàng" cả lợn... Người vo gạo nấu cơm, người làm món đặc sản cá biển đãi khách, mấy cậu lính trẻ thì vào nhà thử lại bộ âm-ly, để tối còn hát ka-ra-ô-kê giao lưu cùng khách. Nguyễn Thế Hiển, cậu binh nhất trẻ măng chạy qua chạy lại giúp các anh, đôi mắt sáng rỡ, thỉnh thoảng lại quay sang tôi: "Vui như Tết ấy, chị nhỉ!". Hiển mới 24 tuổi, quê ở Vũng Tàu, ra nhà giàn mới có mấy tháng, chân thanh niên đang quen chạy nhảy giờ phải làm quen với ba tầng lầu sắt thép đứng chênh vênh giữa biển. Chưa nếm trải cái Tết xa gia đình, nhưng có lẽ chỉ mấy tháng xa đất liền, Hiển cảm nhận được rõ, Tết đang đến sớm hơn ở nơi đây.

 

Ðại úy Nguyễn Ðăng Hùng, Chỉ huy trưởng Nhà giàn DK1/18 (sinh năm 1978, quê ở Tĩnh Gia, Thanh Hóa) hỏi nhỏ mấy phóng viên nữ: Bọn em có thấy anh em trên nhà vui hơn hẳn từ khi đoàn lên không? Ở người chỉ huy trưởng trẻ nhất trong cụm 15 nhà giàn DK1 luôn toát lên vẻ nghiêm nghị, dạn dày sương gió của người lính bám trụ giữ biển lâu năm, vậy mà từ "trên nhà" anh nói ra, nghe trìu mến đặc biệt. Nhà giàn từ lâu đã là gia đình lớn của anh. Có lẽ, cậu lính mới của anh vui một, thì anh vui mười. Ra nhà giàn từ năm 2003, Ðại úy Hùng có tám năm ăn Tết nhà giàn, thêm cái Tết năm nay nữa anh lại xa gia đình. Trong đêm duy nhất được ngủ lại trên nhà giàn, nghe anh kể, chúng tôi mới thấm thía hết nỗi gian truân của người lính biển. Anh bảo: Chuyến đi biển đầu tiên về, bố anh bị ung thư mất, thắp hương cho bố được ba ngày, anh lại xách ba-lô lên đường nhận nhiệm vụ mới. Bố mất từ năm 2005, nhưng cũng mới chỉ có một năm anh được về thắp hương đúng ngày giỗ bố. Là con trai một, trụ cột trong gia đình, nhưng từng ấy năm, việc lớn việc nhỏ trong nhà, anh đành "phó mặc" cho vợ, cho người thân. Anh bảo, chuyện những người lính nhà giàn có người thân trong gia đình mất không về được, lúc đi vợ đang mang bầu, lúc về con biết bi bô gọi bố giống như anh không hiếm, nhà giàn nào cũng có. Ðàn ông nước mắt lặn vào trong. Với các anh, nhiệm vụ bám trụ và sẵn sàng hy sinh để giữ vững chủ quyền vùng biển của Tổ quốc như vị biển mặn mòi đã ngấm sâu vào máu thịt.

 

Sau mấy ngày biển động cấp 6, cấp 7, trời như chiều lòng, khi điểm đến cuối cùng của đoàn công tác là nhà DK1/15 (thuộc bãi cạn Phúc Nguyên) biển đã êm hơn. Người đang say sóng cũng bật dậy háo hức, chuẩn bị tư trang sẵn sàng lên nhà giàn. Ai cũng nhào ra boong tàu để ngắm nhìn nhà giàn được mệnh danh là "khách sạn năm sao" giữa biển khơi. Nhà giàn DK1/15 cùng với nhà giàn DK1/14 (thuộc bãi cạn Tư Chính) là hai nhà giàn hiện đại nhất hiện nay trong hệ thống nhà giàn DK1, thuộc thế hệ nhà giàn thứ ba, được sửa chữa và nâng cấp mới. Sau gần một năm khởi công, tháng 9-2011, DK1/15 được đưa vào sử dụng.

 

Ở DK1/15, không khí thật nhộn nhịp khi đoàn công tác được cán bộ, chiến sĩ tàu HQ 624 và nhà giàn hợp sức cho cả đoàn "đu" dây lên nhà an toàn, đông đủ. "Sóng gió cấp 9, nhà giàn cũ đã có hiện tượng rung lắc, chứ nhà mới sóng gió cấp 10-11 cũng chưa "xi-nhê" gì" - Ðưa chúng tôi đi thăm, Thiếu tá Nguyễn Văn Thương, Chỉ huy trưởng DK1/15 không giấu nổi tự hào khi giới thiệu nhà giàn mới. Gắn bó với DK1 từ năm 1994, anh Thương đã trải qua hết những vất vả của lính nhà giàn từ những ngày đầu, khi nhà giàn chỉ là những khung nhà sắt chênh vênh giữa biển, khó khăn trăm bề, điện, nước nhỏ giọt, không điện thoại, không máy thu hình... Không tự hào sao được, khi vẫn chưa xa cái thời, tối đến cả nhà giàn chìm trong bóng đêm, chỉ còn mỗi chiếc hải đăng trên trần chớp sáng báo hiệu, thư từ cả năm mới đến nơi, gọi điện về đất liền qua sóng ra-đi-ô câu được câu mất, vậy mà chỉ nghe tiếng đất liền đã bật khóc. Bây giờ, nhà giàn mới vững chãi giữa biển, với hệ thống tấm pin năng lượng mặt trời được trang bị nhiều hơn gấp ba lần các nhà giàn cũ, các chiến sĩ có điện chiếu sáng sinh hoạt, nấu cơm, chạy tủ lạnh, xem máy thu hình liên tục trong cả tháng trời...

 

Các nhà giàn DK1 còn được Tập đoàn Viettel tặng máy điện thoại cố định không dây gọi nội bộ để liên lạc về đất liền. Riêng hai nhà giàn DK1/14, DK1/15 được biên chế thêm năm máy điện thoại bàn cố định cho mỗi bộ phận. Sau mỗi giờ huấn luyện, cán bộ, chiến sĩ có thể liên lạc với người thân, cập nhật tin tức đất liền một cách nhanh nhất. Mạng Vinasat cũng được phủ sóng, máy thu hình có hàng chục kênh, tối đến sau giờ sinh hoạt, anh em lại quây quần cùng nhau xem thời sự... Thiếu tá Thương tâm sự: Gần 20 năm nếm đủ những thăng trầm của cuộc đời lính nhà giàn, nên mỗi câu chuyện anh kể với những người lính trẻ khi đến với DK1 dù trong lúc trò chuyện hay sinh hoạt chi bộ, anh đều mong những người lính trẻ hiểu rằng: Cuộc sống của người lính trên nhà giàn đã đổi thay nhiều khi Ðảng và Nhà nước ngày càng quan tâm và có hậu phương vững chắc phía sau. Bao nhiêu khó khăn, vất vả của những ngày đầu, các anh đã vượt qua và trụ vững. Thế hệ những người lính trẻ hôm nay tiếp tục khẳng định sức mạnh làm chủ vùng biển, thềm lục địa và bảo vệ chủ quyền thiêng liêng vùng biển của Tổ quốc.

 

Giữa nền trời xanh ngắt, Tết dường như đến sớm hơn khi Ðại úy Tô Văn Thư, Phó Tham mưu trưởng vùng B Hải quân, Trưởng đoàn công tác gửi lời chúc Tết của Bộ Tư lệnh Hải quân vùng B và trao quà tặng của đất liền tới cán bộ, chiến sĩ nhà giàn DK1/15. Những tấm lá dong xanh mởn từ đất liền được chiến sĩ mang ra rửa sạch gói những tấm bánh chưng đầu tiên, để mọi người từ đất liền ra và nhà giàn cùng hưởng chung hương vị của cái Tết trên biển.

 

Ðến nhà giàn DK1, nghe những câu chuyện đời thường của người lính, phía sau họ ai cũng có một gia đình, "có mẹ già và con thơ", vẫn nỗi lo toan thường nhật, thế nhưng họ đang "gạt" những niềm riêng để ngày đêm bám trụ và giữ biển. Tôi nhớ câu nói của Thiếu úy Mai Trọng Dương, nhà giàn DK1/15 khi được hỏi về cảm nhận cái Tết xa gia đình, khi Dương mới cưới vợ cách đây có hai tháng rồi lại lên đường nhận nhiệm vụ: "Chúng tôi đã quen rồi. Mình ăn Tết ngoài đây, thì đồng đội được ăn Tết trong đất liền". Giữa trùng khơi vẫn xanh ngời. Giữa biển trời vẫn sống yêu đời. Chúng tôi, những người đất liền lần đầu tiên đến với họ chỉ biết kêu lên, cảm phục "Lính nhà giàn là thế đó!".