Thắp lên cuộc đời

16:18, 09/02/2013

“Bếp là nơi biết gom góp chắt chiu hạnh phúc chân thật mà quý hiếm, tự nhiên mà sâu nặng của mỗi gia đình…” - tác giả Bếp lửa, bài thơ đã khắc sâu trong tâm thức nhiều thế hệ người Việt, chia sẻ.

Từ hàng ngàn năm xa xưa đến nay, ngọn lửa trong mái ấm gia đình đã được hình tượng hóa, thậm chí đã được biểu tượng hóa như một điểm sáng báo hiệu niềm vui sum họp, báo hiệu nơi mọi tình cảm nội tâm được chia sẻ ngọt bùi; nơi biết gom góp chắt chiu hạnh phúc chân thật mà quý hiếm, tự nhiên mà sâu nặng của mỗi gia đình; nơi mà mỗi khi đi đâu xa là trái tim ta lại trào lên nỗi nhớ, bồi hồi niềm ao ước được mong sẽ trở lại, để vùi mình vào hơi ấm của những người thân.

 

 

Và phải chăng, cùng hòa trộn trong ánh lửa quen thuộc này là biết bao kỷ niệm nóng hổi và mộc mạc của tuổi ấu thơ, tuổi trong trẻo và tươi tắn nhất trong đời, cái tuổi còn chưa phải lo toan vất vả vì cuộc sống gian truân, chưa biết đến mùi vị những cuộc chia ly, những đắng cay thử thách của nhân tình thế thái, cũng chưa phải nếm trải nỗi đau đớn khi mất mát, nỗi cô đơn khi côi cút trên đời…

 

Ngọn lửa, nói đến cùng, là một biểu tượng mang tính triết học. Nhà văn Nga Lev Tolstoi đã dùng nó để nói về chức năng của văn học.

 

Ông viết: "Có người bảo văn học chỉ cần nói lên cái đẹp, chức năng duy mỹ là chức năng cao nhất của văn chương. Lại có người nói chức năng giáo huấn và phát sáng mới là quan trọng, văn học mà không làm được điều ấy thì có được công năng gì? Còn có người thực dụng hơn thì nói rằng văn học phải cho ta sức nóng, đốt cho ta năng lượng sống, nếu không thế thì văn học để làm gì!... Hãy cứ ngồi yên, nhìn ngọn lửa mùa đông trong bếp lò và lúc đó, chúng ta sẽ tự hiểu rằng cần gì phải nói dài, dẫn ra lắm lý lẽ quá thế: Văn học, nhìn kỹ xem, chỉ cần giống như ngọn lửa này, trong đó là có đủ cả rồi: Nó thật đẹp và huyền ảo khi bốc cao lên, uốn lượn lung linh và uyển chuyển, đồng thời cũng phát sáng cho ta nhìn thấu mọi sự vật và cũng chính nó lại tỏa hơi nóng tạo thành năng lượng ấm áp cho ta. Văn học còn cần gì hơn thế nữa?".

 

Tôi thú vị vì những suy tư này của Lev Tolstoi thời kỳ đang học ở Nga và ngọn lửa từ đó trong tôi cũng có thêm những cách lý giải mới.

 

Có một nhà văn Nga nữa viết rất hay về ngọn lửa, đó là Korolenko. Ông bảo khi đi trên sông, nhìn ánh lửa nhà ai thấp thoáng phía trước, cứ tưởng là gần lắm, chỉ mấy lần sải mái chèo là tới thôi nhưng kỳ thực càng đi càng thấy xa, có khi đi mãi mà không tới. Ánh lửa của Korolenko có cái ma lực của một lý tưởng, ngỡ gần gũi thế thôi nhưng không dễ gì đạt tới.

 

Và kết luận của Korolenko cũng thật buồn: Những đốm lửa ấy trong đêm sâu chỉ gợi cho ta những ảo giác về hạnh phúc, thực ra ta chỉ nhìn thấy nó ẩn hiện qua sương mù và cứ tưởng đã ở rất cận kề nó nhưng trong đời thực thì lại không sao đến được bao giờ!

 

Bếp lửa trong tâm tưởng của tôi không có khía cạnh gợi buồn thấm thía đến thế nhưng vẫn có trong đó một chút ngậm ngùi. Bản thân âm hưởng những câu thơ khi viết về quá khứ và kỷ niệm bao giờ chẳng có một chút ngậm ngùi! Có cái mùi hành hăng xộc lên sống mũi làm mình chảy dàn nước mắt, có tiếng xe ngựa lọc cọc đi về phố huyện buổi chiều đìu hiu.

 

Cha tôi đã cùng ông bác tôi đi đánh xe ngựa hơn nửa năm ròng sau Cách mạng Tháng Tám. Xe ngựa chạy trên đường đá từ ô Cầu Giấy về phố Phùng, gọi là có chút thù lao để nuôi gia đình sau khi từ Huế trở ra Bắc chưa có công ăn việc làm gì.

 

Trong Bếp lửa còn có tiếng chim tu hú được nhân cách hóa như người, cũng là một nhân vật của bài thơ, cũng lận đận đi về bên vườn vải sông Ðáy những năm bom đạn. Và tôi thấy thương cho cảnh bà cháu sống trong xóm nghèo tản cư heo hút, thương cả con chim tu hú thân thương mà có tiếng kêu não lòng đến thế! Sao nó không về ở với bà cháu mình đi, để chia sẻ tâm trạng của những người cùng cảnh ngộ?

 

Bao nhiêu năm trôi qua, tôi cũng không nhớ vì sao tôi lại đưa vào một số tư tưởng về sức chịu đựng, sự từng trải và sức vững bền qua thử thách của những người ở hậu phương như bà tôi, như nhiều người bà, người mẹ khác, gồng lưng lên gánh được gánh nặng phi thường của cuộc chiến và bảo đảm cho con cháu sống được, bình tĩnh và lạc quan được, can trường chịu đựng được, trưởng thành rồi thực sự nên người.

 

Tôi chỉ nhớ tất cả bắt đầu chỉ là nhờ những ấn tượng, từ mùi khói, từ hơi lửa, từ vị thơm nồi xôi nếp, từ củ sắn củ khoai của bà, từ cả thứ ngôn ngữ mộc mạc mà gân guốc, khỏe khoắn mà ngắn ngủi song đó là thứ ngôn từ nói lên bản chất, không hoa hòe hoa sói, bền chắc và nhiều ý vị như trong ca dao, tục ngữ mà bà tôi rất thuộc. Như vậy là bản thân sự vật và hiện tượng tự nó có đủ và tự nó nói lên tất cả. Suy cho cùng, tất cả cũng chỉ có cái bếp, ngọn lửa và vóc dáng gầy guộc, cần cù, dẻo dai của bà nội, thế thôi!

 

Từ những bài như Bếp lửa, tôi nghĩ mình nên chịu khó học đến thật nhuần nhuyễn chất mộc của thơ Ðường. Nhà thơ Nga Eptushenko nói với tôi rằng ông luôn luôn kinh ngạc vì cái đẹp mộc như không hề đục đẽo của thơ Ðường. Còn Bertold Brecht, nhà thơ Ðức, thì lại nói cái đẹp của thơ không nên chỉ làm nên ánh sáng kỳ bí của ma trơi hay ánh sáng nhân tạo rực rỡ của pháo hoa, của đèn màu cầu kỳ nhuộm hàng trăm sắc.

 

Ðẹp nhất là khi anh tạo nên được ánh sáng ban ngày, thứ ánh sáng tưởng như không màu, không sắc nhưng đó chính là ánh sáng mạnh mẽ và hữu ích nhất cho con người. Lại cũng có gì đó đơn giản như cách nghĩ của Lev Tolstoi về ngọn lửa và đồng nhất nó với văn chương. Lửa và bếp, hóa ra có thể gợi thêm nhiều điều xung quanh cuộc đời ta!

 

Những cặp vợ chồng trẻ ngày nay có khi ít còn giữ được những kỷ niệm thân thương về lửa và bếp. Làm sao trách họ được khi thời đại đã khác xưa quá nhiều rồi. Chưa kể, ngày nay, ăn cơm hàng, ăn fastfood kiểu Âu, kiểu Mỹ cũng trở thành mốt thời thượng của thanh niên. Vấn đề luyến tiếc cái bếp và ngọn lửa truyền thống gia đình có khi lại trở thành hoài cổ và trở nên một cái thú xa xỉ, không thực tế? Vậy phải làm sao?

 

Tôi chỉ nghĩ đơn giản rằng không phải đến thời công nghiệp hóa và hiện đại hóa, cái gì trong lối sống cũ ta cũng phải khư khư giữ lại. Cái giữ lại quan trọng nhất là sự ổn định và bền vững của nếp sống gia đình, tế bào tạo nên xã hội. Ðồng thời, duy trì được cái chất thi vị của đời sống gia đình, chất ấm cúng cổ xưa đáng yêu của nó, mối quan hệ hữu cơ sâu sắc và tinh tế ở trong nó, đó cũng chính là những yếu tố đủ tạo nên bếp và lửa của thời đại mới.

Bằng Việt