Thương lắm trò nghèo

10:50, 04/02/2013

Tết - Không biết sẽ vui hơn hay lo hơn? Trần Thị Hương, Sinh viên (SV) năm thứ 4, Khoa Văn, Trường Đại học Sư phạm (Đại học Thái Nguyên) bâng quơ hỏi tôi.

Câu hỏi bất ngờ ấy của Hương khiến tôi băn khoăn, chợt chạnh lòng nghĩ về bao học trò nghèo đang trau dồi học tập tại các trường đại học, cao đẳng với ước mơ ngày mai có một nghề lập thân. Với Hương, có lẽ "cô ấy" chỉ bâng khuâng lo về một điều gì đó, thầm kín của một cô gái mới lớn trước mùa Xuân. Nhưng trong số các bạn SV đang theo học đại học như Hương, có rất nhiều người phấp phỏng lo âu vì quê nhà ở xa, tiền về ăn Tết chưa thấy cha, mẹ hoặc người thân gửi đến. Nhiều SV mơ ước: Ngay sau ngày thi học phần 1 của năm, có ông bụt hiện về trong giấc mơ, cho ít tiền tàu xe về quê đón Xuân cùng gia đình.

 

Những mơ ước hồn nhiên, rất đời thường của bao SV nghèo đã trở thành hiện thực. Và những ông tiên, bà bụt không phải từ câu chuyện cổ tích bước ra. Ông Hả Xuân Linh, Bí thư Đoàn Đại học Thái Nguyên thông báo với chúng tôi một tin vui: Năm nay, Đoàn Đại học Thái Nguyên có 100 suất quà tặng cho SV nghèo, mỗi suất quà trị giá 100.000 đồng và 100 vé xe miễn phí cho SV về quê đón Tết, đây là một trong những hoạt động thường niên của Đoàn ĐHTN.

 

Qua trao đổi chúng tôi được biết thêm: Tết năm nay, Chương trình lo Tết cho SV nghèo của Đoàn Đại học Thái Nguyên đã huy động được sự tham gia, hỗ trợ của các doanh nghiệp như: Công ty TNHH Bảo hiểm nhân thọ Prudential Việt Nam; Công ty Thiết bị Khoa học và Công nghệ Việt Nhật; Công ty cổ phần tập đoàn Tân Cương Hoàng Bình; Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam BIDV… Mỗi doanh nghiệp, mỗi nhà hảo tâm gom một chút lòng đã tạo nên ngọn lửa hạnh phúc sưởi ấm bao trái tim trò nghèo. Nguyễn Văn Trung, SV năm thứ 2, Trường Đại học Kỹ thuật Công nghiệp tâm sự: Tết, hoàn cảnh như em, có một gói quà như thế, cả nhà đều thấy hạnh phúc. Em sẽ cố gắng chăm chỉ học tập hơn để sau này có một việc làm, có thu nhập để phụng dưỡng ông ngoại 81 tuổi.

 

Với nhiều bạn trẻ, vào đại học và ra trường cầm tấm bằng đi xin việc làm, đơn giản. Nhưng với Trung, đó là việc cực kỳ khó khăn. Bố mẹ chê sớm, Trung ở với ông ngoại. Cuộc sống khó khăn, song Trung vẫn nuôi ý chí học tập để sau này trở thành một công dân thật sự có ích cho xã hội. Cùng trường với Trung, Tạ Văn Ngọc, SV K45 cũng phải chật vật theo học trong điều kiện hết sức khó khăn. Bố Ngọc là nạn nhân chất độc da cam, mẹ bị tật nguyền, cuộc sống của cả nhà Ngọc trông vào những đồng tiền trợ cấp không đáng kể…

 

Trung và Ngọc chỉ là một trong hàng trăm trường hợp SV nghèo vượt khó, vươn lên học tập tốt. Tuy mỗi người một quê, không hẹn nhưng cùng đến Thái Nguyên theo vào các trường đại học, tất cả họ giống nhau ở chữ nghèo và có lòng tự trọng. Lòng tự trọng của mỗi người là ở sự nỗ lực học tập, không sa ngã trước những cám dỗ của tệ nạn xã hội. Đó là điều mà tôi cũng như rất nhiều người trong xã hội nể phục, song khi ngồi nghe dòng tâm tư của mỗi trò nghèo, hoặc xem lại dòng chích ngang ngắn gửi tại Văn phòng Đoàn, tôi có cảm giác muốn bật khóc. Vì giữa xã hội văn minh hiện nay, vẫn còn đó không ít SV mê mải chạy theo mốt này, mốt nọ, lại còn đó - rất nhiều bạn SV nghèo, mất cả cha lẫn mẹ vẫn vươn lên chăm ngoan học tập, như Lê Trung Sơn, SV năm thứ 2 Trường Đại học Kỹ thuật Công nghiệp; Bùi Ngọc Điệp, SV K46, Khoa Giáo dục Tiểu học, Trường Đại học Sư phạm; Lý Thị Hoa, SV K9C, Trường Đại học Khoa học… Và nữa, lật mở danh sách SV nghèơ được Đoàn Đại học Thái Nguyên tặng vé xe, tặng quà… có lẽ đó còn là một dòng địa chỉ đang rất cần các doanh nghiệp, nhà hảo tâm giúp đỡ, nuôi dưỡng để những cảnh nghèo có cơ hội vươn lên sống có ích hơn cho cuộc đời. Đó là Vương Thị Thương, SV K45B, Khoa Sinh (Trường Đại học Sư phạm) nhà nghèo, bản thân bị khuyết tật. Đặc biệt là nhiều bạn phải đi học trong điều kiện kinh tế gia đình hết sức khó khăn, nhưng được thầy cô quý mến, các bạn cùng trường nể phục vì kết quả học tập giỏi, đó là Vũ Thị Minh Huệ, Khoa Vật Lý (Trường Đại học Khoa học); rồi Trần Văn Tuyến, K10 (Trường Đại học Khoa học), thủ khoa năm 2012. Tuyến mồ côi cha, gia đình có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn.

 

Học giỏi, song đã là con người thì không chánh được chuyện áo cơm đời thường, với một ước mơ nho nhỏ là có một tấm vé xe, tàu về xum họp cùng gia đình, hoặc có một túi quà kính hiếu cha mẹ ngày đầu Xuân. Ít nhiều thì mong ước đó của SV nghèo đã trở nên hiện thực. Ông Ninh cho biết thêm: Còn nhiều lắm những SV nghèo đang lo lắng vì Tết. Giá như trong xã hội có nhiều người biết sẻ chia, biết yêu thương, chắc chắn xã hội sẽ có thêm nhiều lắm những nhân tài.