Tiếp tục tăng cường phòng, chống dịch cúm gia cầm

13:43, 06/02/2013

Chiều 5/2, tại Hà Nội, trong phiên họp cuối năm của Ban chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch cúm gia cầm, ông Phan Văn Đông, Cục trưởng Cục Thú y, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết: Dịch lở mồm long móng, dịch lợn tai xanh tiếp tục được khống chế thành công.

Hiện cả nước không có địa phương nào xảy ra dịch. Song đáng chú ý dịch cúm gia cầm lại xuất hiện tại tỉnh Tây Ninh vào cuối tháng 1/2013 đã làm tổng số gia cầm mắc bệnh, chết và phải tiêu hủy tại tỉnh là 3.438 con.

 

Theo Ban chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch cúm gia cầm, dịch cúm gia cầm đã xuất hiện tại tỉnh Tây Ninh giáp với biên giới Cam-pu-chia, nơi có dịch và đã xuất hiện 5 ca bệnh cúm A/H5N1 trên người, trong đó có 4 trường hợp tử vong. Kết quả điều tra dịch tễ cho thấy, tất cả các bệnh nhân đều có tiền sử tiếp xúc với gia cầm. Các mẫu bệnh phẩm được lấy trên gà, vịt đều dương tính với vi rút cúm H5N1. Do vậy, nguy cơ dịch cúm gia cầm lây lan cho đàn gia cầm và lây sang người ở là rất cao.

 

Trước tình hình dịch cúm gia cầm xuất hiện tại tỉnh Tây Ninh, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Đức Phát đã ký Công điện khẩn ngày 5/2/2013 đề nghị Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, các bộ, ngành thành viên Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch cúm gia cầm thực hiện ngay các nội dung như: Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát phát hiện sớm các ổ dịch, xử lý kịp thời, đặc biệt tập trung vào những khu vực có nguy cơ cao, nơi có ổ dịch cũ, khu vực giáp biên giới Cam-pu-chia; tổ chức lấy mẫu kiểm tra và xử lý đàn gia cầm nghi mắc cúm, hỗ trợ chủ chăn nuôi theo quy định. Ngành cũng chủ động xây dựng kế hoạch nhân lực, kinh phí, phương tiện, hóa chất để phòng, chống dịch kịp thời.

 

Các ban, ngành liên quan, nhất là Bộ đội Biên phòng, Hải quan, Quản lý thị trường, Công an phối hợp cùng lực lượng thú y tăng cường công tác kiểm tra, ngăn chặn triệt để gia cầm và sản phẩm gia cầm nhập lậu không rõ nguồn gốc. Đối với các địa phương có dịch tổ chức tiêu hủy ngay đàn gia cầm nghi mắc bệnh, tiêu độc khử trùng, quản lý chặt ổ dịch, nghiêm cấm vận chuyển gia cầm và sản phẩm gia cầm ra ngoài vùng dịch. Các địa phương cũng tổ chức tiêm phòng triệt để cho đàn vịt, khuyến khích tiêm phòng cho đàn gà, tuyên truyền thường xuyên, liên tục cho cộng đồng về tác hại, sự nguy hiểm của dịch cúm gia cầm và hướng dẫn các biện pháp phòng chống bệnh trên gia cầm lây cho người.