Trợ giúp lao động thất nghiệp vượt khó

09:30, 28/02/2013

Việc thực hiện chính sách Bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) đã góp phần giảm bớt khó khăn, ổn định cuộc sống và giúp người lao động tìm việc làm mới. Chính sách này đặc biệt có ý nghĩa trong điều kiện kinh tế khó khăn, nhiều doanh nghiệp phải thu hẹp hoặc thậm chí ngừng sản xuất. 

Bảo hiểm thất nghiệp có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2009. Theo đó thời gian người lao động tham gia bảo hiểm thất nghiệp, khi không có việc làm (nghỉ việc) sẽ được hưởng trợ cấp thất nghiệp do quỹ bảo hiểm thất nghiệp chi trả.

 

Theo Thông tư 32/2010/TT-BLĐTBXH  hướng dẫn thi hành một số điều của luật bảo hiểm xã hội về bảo hiểm thất nghiệp: Mức trợ cấp thất nghiệp hằng tháng bằng 60% mức bình quân tiền lương, tiền công tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp của sáu tháng liền kề trước khi bị mất việc làm hoặc chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc theo quy định của pháp luật.    

 

 

Chị Dương Thị Lan Anh ở Thị trấn Sông Cầu (Đồng Hỷ) trước đây làm nhân viên kinh doanh tại Nhà máy nước khoáng AVA (xã La Hiên, huyện Võ Nhai) thuộc Công ty CP Khoáng sản Bắc Kạn. Từ 31-8-2012, Nhà máy tạm ngừng hoạt động dây chuyền sản xuất và chị Lan Anh chấm dứt hợp đồng lao động với Nhà máy. Được doanh nghiệp hướng dẫn, chị đã đăng ký hưởng BHTN với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐTBXH). Sau gần 1 tháng đăng ký, chị đã được hưởng BHTN với mức trợ cấp tương đương với 60% lương được hưởng khi còn là nhân viên của AVA trong thời gian 6 tháng với tổng số tiền trên 10 triệu đồng. Đến nay, chị Lan Anh đã được lĩnh 5 tháng bảo hiểm thất nghiệp. Chị cho biết: “Mức bảo hiểm thất nghiệp mặc dù không lớn nhưng đủ chi trả cho cuộc sống riêng của tôi trong thời gian chờ xin việc làm mới” .

 

Cùng chung hoàn cảnh bị thất nghiệp như chị Lan Anh, 16 công nhân viên khác của Nhà máy nước khoáng AVA cũng đã được hưởng bảo hiểm thất nghiệp sau khi nghỉ làm tại Nhà máy nước khoáng AVA. Ông Trần Minh Tân, Giám đốc Nhà máy nước khoáng AVA cho biết, từ cuối tháng 8/2012, Nhà máy hết hạn cấp phép khai thác nước khoáng tại mỏ La Hiên. Trong khi đợi được cấp phép mới, Nhà máy đã tạm ngừng toàn bộ dây chuyền khai thác, sản xuất nước khoáng đóng chai, đóng bình. Để đảm bảo quyền lợi cho cán bộ, công nhân không có việc làm, chúng tôi đã hoàn thiện các thủ tục, nghĩa vụ bảo hiểm đồng thời hướng dẫn các công nhân thất nghiệp làm thủ tục đăng ký hưởng bảo hiểm thất nghiệp. Đến nay, 16 công nhân thất nghiệp đã được hưởng bảo hiểm với hạn mức 6 tháng. Một số người trong đó đã được tư vấn và tìm được việc làm mới.

 

Cũng tương tự như chị Lan Anh và 16 công nhân khác của Nhà máy AVA, chị Nguyễn Thị Vân Giang, công nhân Công ty CP Ván dăm Thái Nguyên sau khi mất việc làm đã đăng ký và được hưởng 6 tháng BHTN. May mắn hơn nhiều người khác, chị Hương thông qua sự giới thiệu của Trung tâm Giới thiệu việc làm (Sở LĐTBXH) đã tìm được việc làm mới tại Công ty TNHH Niha (T.P Thái Nguyên) sau 3 tháng hưởng BHTN. Theo quy định, ngay sau khi tìm được việc làm mới, chị Hương được lĩnh một lần 3 tháng bảo hiểm còn lại. Chị cho biết: “BHTN thật sự là cái “phao” giúp người lao động chúng tôi vượt qua khó khăn. Tôi rất vui bởi không những tôi được hưởng bảo hiểm mà còn tìm được việc làm mới, phù hợp với năng lực”.

 

Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Thành Long, Phó Giám đốc Sở LĐTBXH cho biết, theo quy định của Luật Bảo hiểm xã hội, người lao động thuộc diện được hưởng trợ cấp thất nghiệp được nhân viên Trung tâm Giới thiệu việc làm cung cấp dịch vụ tư vấn về các vấn đề liên quan đến quyền lợi hưởng bảo hiểm trợ cấp thất nghiệp; được hỗ trợ học nghề; được tư vấn và giới thiệu việc làm; được nhận các khoản đóng góp bảo hiểm y tế do Bảo hiểm xã hội Việt Nam chi trả... Với những quy định này, BHTN đã mang lại rất nhiều lợi ích và trở thành điểm tựa đối với người lao động mất việc làm.

 

Năm 2012, toàn tỉnh có gần 2,8 nghìn người đăng ký thất nghiệp và trên 2,2 nghìn người nộp hồ sơ để hưởng BHTN. Đã có gần 2,3 nghìn người (một số đã đăng ký từ cuối năm 2011) được hưởng trợ cấp thất nghiệp, với tổng số tiền chi trả trên 17,4 tỷ đồng, cao gấp 4,6 lần năm 2011. Chỉ riêng từ đầu năm 2013 đến nay, Trung tâm Giới thiệu Việc làm đã tiếp nhận được gần 500 hồ sơ đăng ký hưởng BHTN của người lao động. So với năm 2011, năm 2012, lượng người đăng ký hưởng BHTN cao gấp hơn 2 lần và số tiền chi trả cho người lao động hưởng BHTN cao gấp 4,6. Qua sự trợ giúp của Trung tâm Giới thiệu việc làm, 100% số người đăng ký hưởng BHTN được tư vấn, giới thiệu việc làm; 98 người đã được hỗ trợ đào tạo nghề mới và qua đó, 426 người đã tìm được việc làm mới, phù hợp với năng lực.

 

Theo ông Nguyễn Thành Long, điều này cho thấy chính sách BHTN đã phát huy tác dụng, hỗ trợ về kinh tế khá hữu hiệu cho người lao động bị thất nghiệp tìm kiếm việc làm mới, ổn định cuộc sống đồng thời, với người sử dụng lao động thì BHTN giúp giảm gánh nặng trong việc chi trả trợ cấp cho người lao động khi nghỉ việc. Đánh giá được tầm quan trọng và ý nghĩa thiết thực của chính sách này, năm 2012, ngành LĐTBXH đã chú trọng tạo điều kiện tốt nhất để người lao động được hưởng bảo hiểm từ khâu tư vấn, tiếp nhận, phê duyệt hồ sơ. Thậm chí, vào một số thời gian cao điểm, ngành chỉ đạo cán bộ, các bộ phận chuyên trách tăng cường làm cả những ngày nghỉ để phục vụ người lao động mất việc làm. Trong năm 2013, ngành sẽ tiếp tục cố gắng tăng cường thêm công tác tư vấn, hỗ trợ người lao động thất nghiệp tìm kiếm việc làm mới để nâng cao tỷ lệ người lao động hưởng bảo hiểm thất nghiệp tìm được việc làm mới. Ngoài ra, ngành cũng sẽ nghiên cứu mở thêm điểm tư vấn, tiếp nhập hồ sơ hưởng BHTN tại khu vực phía Nam của tỉnh để tạo điều kiện thuận lợi hơn cho người lao động tại những khu vực như: Sông Công, Phú Bình, Phổ Yên… Ông Long khẳng định: “Chúng tôi sẽ cố gắng để người lao động, doanh nghiệp có thể tiếp cận dễ dàng với BHTN và để chính sách BHTN phát huy giá trị là một trong những phương tiện chính thống có vai trò lớn trong công tác an sinh xã hội”.