Vượt lên định mệnh

10:20, 05/02/2013

Nhìn ngôi nhà 3 tầng với gần chục phòng ở khang trang có diện tích trên 200m2 ở tổ dân phố 7, phường Mỏ Chè (T.X Sông Công) chúng tôi không nghĩ đó là cơ ngơi của hai vợ chồng khuyết tật Nguyễn Thị Yên - Phạm Minh Hùng làm nên từ hai bàn tay trắng.

"Có những đứa con ngoan và người bạn đời thấu hiểu, cùng đồng cam cộng khổ, với chúng tôi còn hạnh phúc nào hơn". Đó là tâm sự của 3 người khuyết tật là anh Dương Văn Bình, ông Phạm Minh Hùng, bà Nguyễn Thị Yên (Hội Người khuyết tật T.X Sông Công). Không ngừng nỗ lực để vượt lên số phận tật nguyền, họ đã và đang tạo dựng được một cuộc sống có ý nghĩa.

 

 

Nhìn ngôi nhà 3 tầng với gần chục phòng ở khang trang có diện tích trên 200m2 ở TDP 7, phường Mỏ Chè (T.X Sông Công) chúng tôi không nghĩ đó là cơ ngơi của hai vợ chồng khuyết tật Nguyễn Thị Yên - Phạm Minh Hùng làm nên từ hai bàn tay trắng.

 

Ông Phạm Minh Hùng (năm nay đã 60 tuổi) hai chân bị teo tóp, cơ thể quặt quẹo sau một trận ốm thập tử nhất sinh lúc 4 tuổi. Còn bà Nguyễn Thị Yên cũng bị liệt nửa người từ lúc hơn 2 tuổi. Hai con người thiếu may mắn đã bén duyên và về với nhau dưới một mái nhà sau nhiều năm yêu thương. Trái ngọt của tình yêu ấy là hai người con ngoan ngoãn. Để nuôi gia đình, ông đã có thời gian ngược xuôi Hà Nội, Quảng Ninh cùng bạn bè buôn bán than, sắt phế... kinh doanh đủ các mặt hàng, đến năm 1999 anh mở xưởng cơ khí tại nhà... Không biết chữ, cũng chưa học qua bất cứ trường lớp nào về cơ khí, chỉ bằng sự thông minh, chịu khó học hỏi bạn bè mà ông Hùng quản lý xưởng cơ khí "ăn nên làm ra", giải quyết việc làm cho 20 lao động với mức thu nhập ổn định. Trò chuyện với chúng tôi, bà Yên cười nói: Kiếm được bát ăn, bát để nhưng chúng tôi không quên thời bần hàn khó nhọc nên luôn răn dạy con cái phải chăm chỉ làm việc, không dựa vào bố mẹ. Con gái tôi hiện đã tốt nghiệp Trường Đại học Kinh tế và Quản trị kinh doanh (Đại học Thái Nguyên), vừa xây dựng gia đình và đang làm việc ở Hà Nội. Còn người con trai cả, tuy sức khỏe yếu (bị xuất huyết não từ nhỏ, thường xuyên phải đi viện) được cha mẹ mở cửa hàng bán và sửa chữa điện thoại. Từ 2007 đến nay, do bị tai biến và hẹp van tim nên ông Hùng hay phải nằm điều trị. Xưởng cơ khí đành phải đóng cửa do không có người quản lý. Cũng trong thời gian này, ông bà đã gặp anh Dương Văn Bình. Giữa họ, nhanh chóng đồng cảm và sự nhiệt tâm với những mảnh đời khuyết tật là động lực để họ tích cực tham gia vận động thành lập Hội Người khuyết tật thị xã.

 

Anh Dương Văn Bình (sinh năm 1976), ở tổ dân phố La Đình, phường Bách Quang do ảnh hưởng của di chứng chất độc da cam từ người bố để lại mà hai bàn chân bị quặt lại phía sau, cột sống lưng gồ lên. Đôi chân không lành lặn và thân hình bé nhỏ khiến anh đi lại vất vả, khổ cực. Để có thể đạp xe đi học, anh đã dùng giẻ buộc chặt chân mình vào bàn đạp, hai tay giữ và điều khiển tay lái để tới trường học hành không thua kém bạn bè. Bù lại, anh có đôi tay khéo léo, cẩn thận, tỉ mỉ, thích hợp với nghề sửa chữa đồ điện tử. Học xong phổ thông, anh đi học nghề ở Sơn Tây (Hà Nội), sau đó là trường Cao đẳng Bách khoa. Từ năm 2000, anh đã “kiếm cơm” được bằng cách đi làm thuê cho các cửa hàng sửa chữa đồ điện ở thủ đô. Hai năm sau, khi có chút vốn, anh về xã Tân Quang (nay là phường Bách Quang) mua đất ở và xây dựng cửa hàng để sửa chữa đồ điện dân dụng. Năm 2006, anh đã được nhận Bằng khen vì có thành tích xuất sắc trong học tập, lao động, sản xuất (giai đoạn 2004-2006) của Hội Bảo trợ người tàn tật và trẻ mồ côi Việt Nam.

 

Mặc cảm trước hình dáng cơ thể nên anh chẳng nghĩ một người duyên dáng, khỏe mạnh, đảm đang như chị Tạ Thị Thu Hà (quê ở Phổ Yên) lại chịu làm vợ mình. Chuyện tình của anh chị được nhiều người dân trong khu phố kể lại đầy sự cảm thông, khâm phục. Năm 2006, được người mai mối, anh đã gặp và tìm hiểu chị Hà, lúc đó đang là công nhân may. 6 tháng sau, anh chị quyết định tiến tới hôn nhân. Mặc dù chịu nhiều lời gièm pha, sự phản đối "ngầm" từ phía gia đình nhưng chị Hà vẫn quyết tâm đến với anh Bình. Nay anh chị đã có hai đứa con xinh xắn, ngoan ngoãn, khỏe mạnh. Năm 2011, anh chị còn xây dựng khu trang trại để nuôi lợn thịt với quy mô gần 100 con/lứa. Anh Bình xúc động nói: Tôi rất hạnh phúc vì có một gia đình êm ấm, người vợ yêu thương, luôn chia sẻ và động viên để tôi thêm vững vàng trong cuộc sống.

 

Nói về việc thành lập Hội Người khuyết tật thị xã Sông Công, anh Bình kể: Thời gian tham gia sinh hoạt ở Hội Người khuyết tật thành phố Thái Nguyên và Hà Nội, tôi đã nung nấu ý định vận động thành lập tổ chức Hội để những người kém may mắn như tôi cùng sinh hoạt, động viên, giúp đỡ nhau. Gặp gỡ hai vợ chồng ông bà Yên - Hùng, tôi đã bàn bạc và được ông bà  đồng tình. Để hiểu thêm về hoàn cảnh những người khuyết tật trong thị xã, chúng tôi dành nhiều thời gian đến thăm, trò chuyện với họ. Nhờ sự giúp đỡ của cấp ủy, chính quyền thị xã, năm 2011, Ban Chấp hành lâm thời Hội Người khuyết tật thị xã đã được thành lập với 13 người. Đến tháng 12-2012, Hội Người Khuyết tật thị xã đã tổ chức đại hội nhiệm kỳ đầu tiên (2012-2015) thu hút gần 70 hội viên tham gia. Anh Bình được tín nhiệm bầu làm Chủ tịch Hội,  bà Yên được bầu là Phó Chủ tịch Hội. Trong điều kiện cơ sở vật chất còn thiếu thốn, ông bà Hùng - Yên đã cho Hội mượn tầng 3 của gia đình mình làm văn phòng.

 

Mặc cho mưa và lạnh thấu xương, những ngày này anh Dương Văn Bình và bà Nguyễn Thị Yên vẫn kiên trì “gõ cửa” các nhà hảo tâm để xin tài trợ, giúp đỡ hội viên trong dịp Tết. "Tâm nguyện lớn nhất của chúng tôi là được các cấp, ngành quan tâm mở các lớp dạy nghề, giới thiệu việc làm cho người khuyết tật chúng tôi có thể tự tin hòa nhập cộng đồng và nuôi sống được bản thân. Làm được việc gì giúp đỡ các hội viên, chúng tôi đều cố gắng hết sức". Anh Bình, bà Yên nói.

 

Chia tay hai cặp vợ chồng Bình-Hà, Hùng -Yên, nhìn nụ cười lạc quan luôn thường trực trên gương mặt các anh chị, tôi tin rằng, dù phía trước còn nhiều khó khăn nhưng họ sẽ vững vàng, tự tin đối mặt với mọi thử thách, như chính cách họ đã kiên trì vượt khó trong những năm qua.