Xuân về trên Hạ Sơn Dao

13:53, 01/02/2013

Vào những ngày cuối cùng của năm Nhâm Thìn, chúng tôi có dịp trở lại Hạ Sơn Dao, xóm 100% là người dân tộc Dao của xã Thần Sa (Võ Nhai) để tìm hiểu những nét đặc sắc trong phong tục đón Tết cổ truyền. Khác với lần về đây cách đây gần 3 năm, giờ đây, bộ mặt nông thôn của xóm đã có nhiều đổi thay, cuộc sống của bà con ngày càng trở nên sung túc...

Tết không lo bị đói

 

Mưa phùn lất phất bay, những chùm hoa mận trắng muốt, những nụ đào đỏ hé nở - tín hiệu báo hiệu mùa xuân đã về. Dù tiết trời ở Hạ Sơn Dao có phần lạnh hơn so với khu vực thành phố nhưng trên khuôn mặt mọi người vẫn đang tràn đầy niềm vui, bởi Tết này xóm có thêm hơn 300m đường bê tông mới được đầu tư theo nguồn vốn của Chương trình 135 giai đoạn II, Tết này bà con đã có đủ thóc ăn, đã nuôi sẵn lợn để thịt. Bà Đặng Thị Thanh phấn khởi cho biết: Mấy năm trở lại đây, cuộc sống của đồng bào tuy vẫn còn nhiều khó khăn nhưng cũng không đến nỗi không có bánh chưng ngon, thịt ngon trong những ngày Tết. Nếu người dân ở những nơi khác có 10kg thịt ăn trong ngày Tết thì bà con trong xóm chắc cũng sẽ có khoảng 5-6kg. Tết năm nay, nhà bà đã chuẩn bị sẵn 10kg gạo nếp để gói bánh chưng, con lợn khoảng 60kg để 2 nhà chung nhau thịt, củi luộc bánh chưng thì con trai, con dâu đã chuẩn bị đầy đủ. Tết đến, không còn lo bị đói như 7-8 về trước..

 

Đi dạo quanh một vòng trong xóm, chúng tôi nhận thấy diện mạo nông thôn nơi đây có sự đổi thay so với 3 năm trước rất nhiều: đường giao thông đã được mở rộng; nhiều hộ đã xây được nhà mới khang trang, sạch đẹp, mua được xe máy, ti vi...  Anh Triệu Hữu Sửu, Trưởng xóm Hạ Sơn Dao chia sẻ: Hiện nay, xóm có 69 hộ với 280 nhân khẩu. Nguồn thu nhập chủ yếu của người dân trong xóm là từ cây chè. Số hộ có tổng thu nhập từ 30-50 triệu đồng/năm ngày càng nhiều. Do các hộ dân chưa biết cách tính héc-ta, mẫu, sào chè như những nơi khác mà chỉ biết cách tính chiều dài các hàng chè nên chúng tôi chưa có điều kiện thống kê chính xác tổng diện tích chè của xóm là bao nhiêu, mà chỉ ước chừng trên 20ha, trong đó giống chè cành LDP1, Bát Tiên chiếm khoảng 1/3 tổng diện tích. Song, có điều là nhà ai cũng trồng chè. Hiện, hộ có diện tích chè lớn nhất là gia đình ông Triệu Đức Thọ với 5.000m chè. Mỗi lứa, gia đình ông thu hái được khoảng trên 1,5 tạ chè búp khô. Với giá bán vào thời điểm chính vụ từ 50-60 nghìn đồng/kg, cuối vụ từ 100-120 nghìn đồng, trừ hết chi phí, gia đình ông cũng có nguồn thu nhập khoảng trên gần 50 triệu đồng/năm. Cây chè thực sự đã trở thành cây xóa đói, giảm nghèo cho bà con xóm Hạ Sơn Dao...

 

Rộn ràng ăn Tết năm cũ

 

Với bà con ở Hạ Sơn Dao, trong khoảng thời gian từ 20 đến ngày 30 tháng Chạp, không khí rộn ràng của ngày Tết thực sự đã tràn ngập khắp xóm làng với việc ăn Tết tiễn năm cũ (còn gọi là Tết năm cũ, Tết năm cùng). Đây là dịp để báo cáo với tổ tiên thành quả một năm lao động, sản xuất của gia đình, dòng họ và xin tổ tiên phù hộ cho một năm mới mọi điều tốt đẹp. Với quan niệm đây là bữa cơm quan trọng nên gia chủ thường chuẩn bị rất chu đáo về mọi mặt. Gia chủ sẽ mời thầy chọn ngày giờ và chuẩn bị đồ cúng. Nhà nào có điều kiện sẽ thịt lợn và cúng bằng cả con lợn. Nhà nào không có điều kiện thì chỉ có gà, thịt luộc. Việc cúng nhất thiết phải do thầy cúng đảm nhiệm. Sau khi cúng xong, mâm cơm sẽ được dọn xuống để thết đãi anh em họ hàng, làng xóm. Và đây lại là dịp để mọi người tập trung ăn uống, chuyện trò vui vẻ. Mọi nhà mời nhau ăn Tết năm cũ như thế luân phiên hết nhà này đến nhà khác. Đặc biệt, nhà nhà đều cắt giấy đỏ dán ở cửa nhà chính, nhà bếp, cửa chuồng gia súc, gia cầm, cây cối trong vườn và các vật dụng trong nhà. Đối với những dòng họ có nhà thờ họ, đêm 30 Tết, các thành viên trong dòng họ đều ăn mặc đẹp, trải tóc gọn gàng về thắp hương tổ tiên. Đối với những người con dân tộc Dao xa quê, cứ đến dịp cuối năm là ai ai cũng nhớ đến Tết năm cũ. Dù người đã thoát ly, đi lập nghiệp ở mọi miền đất nước nhưng cứ đến những ngày cuối năm, ai ai cũng nhớ về ăn Tết năm cũ với gia đình. Từ mồng 1 đến mồng 5 Tết, con cháu trong nhà, dòng họ thường tập trung lại để học các phong tục cổ truyền của dân tộc như: học chữ, thổi kèn, thêu dệt, hát ví, sli lượn hoặc tham gia các trò chơi dân gian... Tùy theo hoàn cảnh, điều kiện của từng gia đình, từ mồng 3 đến trước 15 tháng Giêng, gia chủ lại mời thầy đến cúng để báo cáo tổ tiên xin phép được kết thúc Tết để đi làm ăn...

 

Chia tay với bà con xóm Hạ Sơn Dao, lòng chúng tôi cũng cảm thấy rộn rã bởi không khí hân hoan phấn khởi hiển hiện trên khuôn mặt từng người dân nơi đây...