Xuân vui hơn khi điện về bản

09:28, 21/02/2013

Cùng với niềm vui đón chào một mùa xuân mới, năm nay, bà con người Mông của xóm Bản Tèn, xã Văn Lăng (Đồng Hỷ) còn thêm niềm vui có điện. Anh Nguyễn Văn Trường, Chủ tịch UBND xã chia sẻ với chúng tôi: Điện về đến xóm đúng dịp giáp Tết Nguyên đán Quý Tỵ 2013 nên bà con rất phấn khởi. Ngày đầu tiên có điện, khuôn mặt ai cũng ngời sáng, bà con cùng nắm tay nhau cười nói, thổ lộ niềm vui, cả hôm đó xóm nhỏ như có hội… 

Trong những ngày đầu xuân mới, chúng tôi đã “thượng sơn” qua nhiều con dốc cao thẳng đứng để lên với bà con ở Bản Tèn. Dưới làn mưa bụi lất phất bay, những bông hoa đào, hoa mận đua nhau khoe sắc khiến không gian của xóm nhỏ như bừng sáng hơn khi được khoác lên mình một màu áo mới tươi đẹp. Vừa đến trung tâm xóm, chúng tôi đã nghe thấy những giai điệu vui nhộn của một chương trình ca nhạc phát ra từ nhà văn hóa, bên trong, có nhiều người già, trẻ nhỏ đang say sưa ngồi thưởng thức các tiết mục văn nghệ trên truyền hình. Ông Vương Văn Sinh, năm nay đã ngoài 90 tuổi, là người nhiều tuổi nhất ở Bản Tèn cho biết: Từ ngày có điện, tối nào mọi người cũng tập trung đến nhà văn hóa để xem các chương trình truyền hình, đông vui lắm. Có điện rồi cuộc sống của người Mông sẽ sung túc hơn, bà con sẽ được học cách làm ăn và được biết các chủ trương của Đảng nữa.

 

 

Qua trò chuyện với những người dân nơi đây, chúng tôi được biết: Bản Tèn là xóm người Mông, gồm các hộ dân di cư từ Hòa An, Hà Quảng (Cao Bằng) đến để tìm kế sinh nhai từ năm 1979. Thời gian đầu, cả xóm chỉ có khoảng chục nóc nhà dựng rải rác trên những ngọn núi cao. Cuộc sống của bà con vô cùng thiếu thốn bởi lúc bấy giờ quanh xóm toàn là đồi núi hoang vu, không có đường đi, không nước sinh hoạt, không điện thắp sáng, không trường học… Để tạo dựng cuộc sống mới, các hộ dân trong xóm đã cùng nhau phát nương, làm rẫy, trồng ngô, lúa ở những nơi đất trống, đồi núi trọc. Sau hơn 30 năm vất vả khai hoang và được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, xóm nhỏ đã thực sự chuyển mình. Cả xóm hiện có gần 100 hộ với trên 550 nhân khẩu, bà con bây giờ có nhà văn hóa xóm để cùng nhau sinh hoạt; cái chữ đã lên được với trẻ em nơi đây; con đường được mở từ năm 2006 cũng giúp bà con vận chuyển nông sản nhanh hơn, công trình cấp nước sinh hoạt đưa vào sử dụng đầu năm ngoái đã đảm bảo cung cấp nguồn nước sạch cho khoảng 70% số hộ trong xóm, những quả núi trọc trước đây giờ được thay thế bằng những bãi ngô lai xanh bạt ngàn và những chân ruộng bậc thang đều tăm tắp. Mỗi năm, bà con được trồng được 2 vụ, nếu được mùa thì trung bình mỗi nhà thu được từ 1,5 đến 2 tấn ngô/năm, còn lúa thì được khoảng 1,2 tạ/sào.

 

Để giúp bà con ở Bản Tèn được tiếp cận với những tiến bộ khoa học kỹ thuật, nắm bắt được chủ trương của Đảng và Nhà nước thông qua phương tiện thông tin đại chúng, cuối năm 2012, UBND huyện Đồng Hỷ phối hợp với Sở Khoa học & Công nghệ đầu tư gần 500 triệu đồng (trích từ nguồn kinh phí sự nghiệp khoa học của Sở và ngân sách của huyện) để lắp đặt một hệ thống ứng dụng năng lượng mặt trời có công suất 2.220W/h cho xóm. Đó là thiết bị cung cấp nguồn năng lượng sạch, năng lượng tái tạo để có nguồn điện thắp sáng phục vụ sinh hoạt cộng đồng dân cư ở đây. Trong số các trang thiết bị lắp đặt của hệ thống này có 1 ti vi màn hình tinh thể lỏng 36 inh và một đầu thu ti vi qua vệ tinh để giúp truyền tải được nhiều chương trình truyền hình phong phú. Tuy nguồn điện trên mới chỉ phục vụ được cho nhà văn hóa xóm, phòng công vụ giáo viên và các lớp học ở Bản Tèn nhưng đây đã trở thành một món quà vô cùng ý nghĩa đối với bà con vùng cao trong dịp đầu xuân mới này. Anh Vương Văn Tình, Trưởng xóm Bản Tèn nhớ lại khoảng thời gian trước khi xóm chưa có nguồn điện thắp sáng: Khi màn đêm buông xuống là cả xóm chìm trong bóng tối và sự hoang vu của núi rừng, nhà nào cũng đi ngủ từ rất sớm. Những buổi gặp gỡ của bà con thường chỉ diễn ra vào khoảng thời gian ít ỏi ở những ngày hội đầu năm. Không có điện, không có ti vi, sách báo, bà con không được tiếp cận với những khoa học kỹ thuật mới để áp dụng vào sản xuất, bởi thế, cái đói, cái nghèo vẫn cứ đeo đẳng cho đến bây giờ. Thương nhất là các học sinh ở đây vì các em phải học hành trong điều kiện thiếu thốn, mùa hè thì nóng bức còn mùa đông thì vừa thiếu ánh sáng, vừa lạnh. Tối đến do không có điện nên việc học của các em cũng bị chểnh mảng, phần lớn học sinh ở đây chỉ học hết Tiểu học là nghỉ ở nhà, trong xóm không có ai thoát ly được ra ngoài để lập nghiệp, hiện tỷ lệ hộ nghèo của xóm vẫn là 100%.

 

Dạo một vòng để thăm các phòng học của xóm chúng tôi nhận thấy, trung bình mỗi lớp học được lắp 2 bóng đèn tuýp, riêng lớp học mầm non cũng là nhà văn hóa xóm còn được đầu tư thêm 4 chiếc quạt trần. Cô Ma Thị Ánh, giáo viên của điểm trường Bản Tèn cho biết: Cả xóm hiện có gần 150 học sinh đang theo học tại 2 lớp mẫu giáo và 7 lớp tiểu học. Từ ngày có điện, các em thường tập trung tại nhà văn hóa để xem các chương trình truyền hình trong giờ nghỉ giải lao, tối đến nhiều em lại mang sách đến lớp để các thầy cô giáo kèm cặp thêm. Chúng tôi cũng không phải tranh thủ soạn bài lúc trời chưa tối.

 

Vậy là nhờ có ánh sáng của điện, bà con ở Bản Tèn như xích lại gần nhau hơn, xóm nhỏ thêm rộn ràng khi tối tối mọi người lại gọi nhau đến nhà văn hóa để xem ti vi, những kinh nghiệm sản xuất hay cũng được bà con đem ra trao đổi tại đây. Điện về đã mang theo ánh sáng, mang theo cả những hy vọng về một tương lai tươi đẹp hơn cho  những người dân ở nơi vùng cao còn nhiều khó khăn này.