Việc gắn lương công chức, viên chức vào lương tối thiểu khiến việc điều chỉnh tiền lương theo kịp quy luật thị trường đang rất khó khăn, khi tăng lương tối thiểu sẽ gây áp lực lên ngân sách nhà nước.
Chính vì vậy, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đang xây dựng Dự thảo Luật tiền lương tối thiểu, dự kiến hoàn chỉnh, báo cáo Chính phủ và trình Quốc hội thông qua vào tháng 5 tới. Hiện Dự luật đang tiếp tục được đưa ra lấy ý kiến cơ quan chức năng và chuyên gia. Theo Vụ Pháp chế (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội), mục tiêu lớn nhất của Dự luật Lương tối thiểu là hoàn chỉnh chính sách tiền lương tối thiểu theo nguyên tắc thị trường, từng bước loại bỏ việc duy trì chính sách tiền lương tối thiểu thấp.
Để đảm bảo vai trò của quy định về tiền lương tối thiểu, theo bà Tống Thị Minh, Vụ trưởng Vụ Lao động - Tiền lương (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) cho biết, Dự luật Lương tối thiểu có hai thay đổi quan trọng, đó là vừa mở rộng độ bao phủ của Luật, nhưng cũng loại bớt đối tượng áp dụng. Cụ thể, Dự Luật đề nghị lương tối thiểu sẽ được áp dụng đối với các quan hệ lao động ở cả khu vực chính thức và phi chính thức. Vì vậy, ngoài quy định về tiền lương tối thiểu theo tháng, Dự Luật còn quy định cả lương tối thiểu theo ngày, theo giờ cho những lao động đặc thù. Về đối tượng áp dụng, bà Minh cho biết, thay đổi quan trọng nhất trong Dự Luật này là việc tách tiền lương công chức, viên chức, lực lượng vũ trang ra khỏi lương tối thiểu, tức là không áp dụng điều chỉnh theo Dự Luật này.
Theo ông Vũ Quốc Tuấn, nguyên thành viên Ban Nghiên cứu của Thủ tướng, bất cập nhất của cơ chế tiền lương công chức hiện nay là chưa đặt tiền lương là giá cả của sức lao động. Nếu coi sức lao động là hàng hóa, thì phải trả giá cao cho những hàng hóa có chất lượng và phải có cơ chế khuyến khích nâng cao chất lượng hàng hóa theo cơ chế thị trường. Tuy nhiên, việc tăng lương đang bị “kìm kẹp”, vì chỉ cần tăng lương tối thiểu lên 100.000 đồng/tháng, chi ngân sách nhà nước đã phải tăng thêm hàng nghìn tỷ đồng.
Còn theo bà Minh, lương tối thiểu hiện nay giống như một cái cọc, tất cả chính sách như ưu đãi người có công, hỗ trợ người nghèo, bảo hiểm xã hội… đều gắn vào nó. Lương cho khu vực hành chính sự nghiệp cũng gắn vào lương tối thiểu, nên điều chỉnh lương tối thiểu lại phải phụ thuộc vào ngân sách. “Việc tách lương công chức ra khỏi phạm vi điều chỉnh của chính sách lương tối thiểu là đúng đắn. Chỉ khi quy định này của Dự Luật Lương tối thiểu được thông qua, việc điều chỉnh tiền lương mới có thể thực hiện sát theo giá thị trường, vì sẽ không bị cản lại bởi lý do Nhà nước không đủ ngân sách”, bà Minh nhận xét.
Trong tài liệu nghiên cứu về cơ chế tiền lương tại Việt Nam của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO), ông Sangheon Lee, chuyên gia cao cấp về tiền lương của ILO cho rằng, việc tách tiền lương khu vực hưởng lương ngân sách ra khỏi lương tối thiểu là cần thiết. Đa số các nước trên thế giới đều có chính sách riêng về tiền lương khu vực nhà nước. Không thể lẫn lộn lương khu vực ngân sách với khu vực doanh nghiệp, như vậy sẽ không đảm bảo yếu tố thị trường vì sự chi phối của ngân sách.
Đồng tình với sự cần thiết của việc tách lương công chức khỏi lương tối thiểu, nhưng xét ở góc độ khác, ông Đoàn Cường, Vụ trưởng Vụ Tiền lương (Bộ Nội vụ) lại đặt ra vấn đề, vậy lương công chức sẽ được tính toán như thế nào, bởi công chức cũng là người lao động, cũng muốn được hưởng lương đảm bảo theo giá thị trường. Hiện nay, nhiều công chức vẫn đang hưởng lương thấp hơn lương tối thiểu vùng I của khu vực doanh nghiệp (2,35 triệu đồng/tháng). “Nếu không đảm bảo tiền lương khu vực nhà nước sát với yêu cầu thị trường, thì việc “chảy máu chất xám” sẽ ngày càng mạnh hơn, nhân tài sẽ chuyển hết sang làm việc cho tư nhân, hay doanh nghiệp, tổ chức nước ngoài”, ông Cường nêu vấn đề.
Về vấn đề này, ông Vũ Quốc Tuấn, nguyên thành viên Ban nghiên cứu của Thủ tướng Chính phủ cho rằng, khi tách lương khu vực hành chính sự nghiệp ra khỏi lương tối thiểu, việc xây dựng hệ thống lương tối thiểu, lương tối đa riêng đảm bảo cho công chức, viên chức mức thu nhập đủ sống, có tích lũy tùy theo từng công việc, vị trí cụ thể là mô hình mà Singapore và nhiều nước phát triển khác đang áp dụng. Tuy nhiên, vấn đề là, khi lao động đã xác định làm việc trong khu vực hành chính sự nghiệp, phải biết rằng sẽ không thể giàu được, không thể đòi hỏi mức thu nhập ngang ngửa với khu vực doanh nghiệp, bởi doanh nghiệp trả lương theo mức lợi nhuận kỳ vọng. Còn hành chính sự nghiệp là khu vực mang tính chất phục vụ, không phải dịch vụ, nên Nhà nước chỉ có thể trả cho anh một mức lương tương đối, đảm bảo cuộc sống và có tích lũy.