Cần sự chung tay của cả cộng đồng

10:08, 23/03/2013

Thời gian qua, công tác chống lao luôn được các cấp, ngành, đoàn thể của tỉnh quan tâm, đặc biệt tại Bệnh viện Lao và Bệnh phổi và Trạm chống Lao tỉnhThái Nguyên nhờ đó đã từng bước giảm sự lây lan của bệnh lao trong cộng đồng.

Bệnh viện Lao và Bệnh phổi, Trạm chống Lao tỉnh Thái Nguyên là hai đơn vị hoạt động lồng ghép có nhiệm vụ phát hiện, quản lý điều trị bệnh nhân lao và các bệnh về phổi; tổ chức, quản lý, chỉ đạo mạng lưới chống lao toàn tỉnh thực hiện tốt công tác phòng, chống lao… Trao đổi với chúng tôi, Ông Nguyễn Trường Giang, Phó Giám đốc Bệnh viện Lao và Bệnh phổi cho biết: “Với quy mô 190 giường bệnh và 4 phòng chức năng, 4 khoa lâm sàng và 5 khoa cận lâm sàng, Bệnh viện Lao và Bệnh phổi Thái Nguyên đã triển khai thực hiện tốt công tác khám bệnh, cấp cứu, tiếp nhận và điều trị bệnh nhân lao. Phối hợp lồng ghép với Trạm chống Lao chỉ đạo hoạt động chống lao trên địa bàn đạt kết quả cao. Năm 2012, Bệnh viện và Trạm đã khám cho trên 9 nghìn  lượt người, qua đó đã phát hiện và điều trị cho hơn 4,5 nghìn người mắc lao và các bệnh về phổi, đạt 112% kế hoạch; thực hiện gần 43 nghìn tiêu bản xét nghiệm đờm qua đó đã phát hiện 927 trường hợp nhiễm lao mọi thể. Trong đó, số bệnh nhân lao phổi AFB dương tính mới là 392 trường hợp, thấp hơn năm 2011 là 14 trường hợp. Lao phổi AFB dương tính có nguy cơ lây lan rất cao trong cộng đồng, do đó công tác điều trị cho các đối tượng này được thực hiện rất nghiêm ngặt. Sau 2 tháng điều trị tấn công tại bệnh viện, bệnh nhân sẽ được chuyển sang điều trị giai đoạn củng cố tại cơ sở 6 tháng”.

 

 

Có mặt tại 2 khoa Nội 1, Nội 2 - nơi chuyên điều trị về  bệnh lao của Bệnh viện chúng tôi thấy việc chăm sóc và điều trị cho các bệnh nhân mắc lao được thực hiện rất khoa học. Khoa Nội 1 dành riêng cho bệnh nhân nam, Khoa Nội 2 dành cho bệnh nhân nữ, trẻ em và bệnh nhân có H mắc lao. Bệnh nhân Vũ Văn Trinh, 34 tuổi xã Văn Yên (Đại Từ) chia sẻ: “Tôi không may bị nhiễm HIV, thời gian gần đây thấy ho và khó thở người nhà động viên đến đây khám thì phát hiện tôi bị lao phổi, các bác sĩ động viên tôi điều trị để tránh lây ra cộng đồng. Sau 13 ngày điều trị, sức khỏe tôi đã phục hồi dần, tôi thấy đỡ mệt mỏi, khó thơ, và ăn ngon miệng hơn nên tôi khuyên những người có HIV như tôi không nên tự ti mà hãy đến các cơ sở y tế khám để được điều trị”. Bác sĩ Đinh Thị Phương, Trưởng khoa Nội 2 chia sẻ: “Bệnh nhân lao thường có thể trạng yếu, đặc biệt là với bệnh nhân có HIV thì sức khỏe lại càng suy giảm. Nhưng do tâm lý mặc cảm nên nhiều bệnh nhân có HIV thường hay bỏ điều trị gây ra nguồn lây bệnh nguy hiểm cho cộng đồng. Nên chúng tôi luôn phải gần gũi động viên với các bệnh nhân lao nói riêng và bệnh nhân lao nhiễm HIV nói chung để họ xóa đi mặc cảm, yên tâm điều trị”.

 

Cùng với công tác tư vấn, khám và quản lý tại Bệnh viện, Trạm chống Lao của tỉnh còn triển khai thường xuyên công tác đào tạo, tập huấn cho cán bộ làm công tác chống lao ở tuyến huyện, tuyến xã và cán bộ y tế thôn, xóm do đó đã tạo được mạng lưới cán bộ phòng, chống lao hoạt động có hiệu quả; công tác duy trì phòng, chống dịch bệnh theo sự chỉ đạo của ngành được thực hiện tốt. Bác sĩ Nguyễn Thị Thanh Tân, cán bộ Trạm chống Lao cho biết: “Vì bệnh nhân lao có giai đoạn điều trị củng cố tại cơ sở 6 tháng nên việc giám sát điều trị tại tuyến cơ sở đóng vài trò quan trọng. Các cán bộ của Trạm được tổ chức thành từng tổ để trực tiếp chỉ đạo, kiểm tra giám sát và thực hiện theo từng địa bàn cụ thể”.

 

Để tìm hiểu thực tế, chúng tôi đến phường Tích Lương, năm 2012, ở đây đã phát hiện 2 trường hợp mắc lao phổi mới và hiện đang quản lý 4 bệnh nhân lao. Đầu năm 2013, xã vừa phát hiện thêm 1 trường hợp mắc lao tái phát. Do đó việc tuyên truyền phổ biến các kiến thức về phòng, chống lao được Trạm Y tế phường đặc biệt quan tâm. Bác sĩ Nguyễn Thị Yến, Trạm trưởng Trạm Y tế phường Tích Lương, đồng thời là cán bộ phòng, chống lao cấp xã cho biết: “Là nơi thực hiện công tác khám chữa bệnh ban đầu cho nhân dân nên thông qua các chương trình và công việc  khám bệnh nếu phát hiện các trường hợp nghi lao như ho khạc kéo dài trên 2 tuần, khó thở… chúng tôi đều tiến hàng lấy mẫu đờm để xét nghiệm. Đối với những trường hợp đã điều trị 2 tháng ở Bệnh viện vê, chúng tôi luôn quan tâm, khuyên họ uống thuốc đầy đủ đúng thời gian quy định”.     

 

Tuy nhiên, công tác phòng, chống lao hiện nay trên địa bàn tỉnh tỉnh vẫn còn rất nhiều khó khăn. Bởi một bộ phận không nhỏ người dân chưa nhận thức đúng đắn về bệnh lao, tình trạng kỳ thị với bệnh nhân lao trong cộng đồng còn cao khiến người bệnh thường giấu bệnh không đi khám. Chỉ khi bệnh nặng, họ mới tìm đến các cơ sở y tế để làm xét nghiệm, điều trị. Mặt khác, việc điều trị lao phải kéo dài trong 8 tháng và trong thời gian này, bệnh nhân phải uống nhiều loại thuốc, tuân thủ nghiêm ngặt quy định về giờ uống thuốc. Trên thực tế, vẫn còn có những trường hợp điều trị chưa đủ thời gian, thấy trong người khỏe lại tự ý bỏ thuốc dẫn đến tình trạng lao kháng thuốc và tái phát bệnh trở lại. Do đó, để công tác phòng, chống lao trên địa bàn đạt hiệu quả, ngoài sự nỗ lực của ngành Y tế, rất cần sự chung tay cộng đồng trách nhiệm của mỗi người dân, đặc biệt là những người bị bệnh lao để bản thân họ chủ động hơn trong việc điều trị và  phòng, chống bệnh cho chính mình, cho gia đình mình  và mọi người trong cộng đồng.