Cần tăng cường phòng ngừa lao động

08:15, 07/03/2013

Hiện nay, công tác bảo đảm an toàn vệ sinh lao động vẫn chưa nhận được sự quan tâm thích đáng của các chủ doanh nghiệp. Ngay đến người lao động, những người phải chịu hậu quả nếu tai nạn lao động xảy ra, cũng có khi thờ ơ với chính tính mạng của mình.

Những con số đáng báo động

 

Ông Hà Tất Thắng - Cục trưởng Cục An toàn lao động (Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội) cho biết, trong năm 2012 trên toàn quốc xảy ra 6.777 vụ tai nạn lao động (TNLĐ), tăng 14,9% so với năm 2011 với 6.967 người bị nạn.  Trong số đó, có 552 vụ TNLĐ chết người, làm 606 người chết (tăng 5,6%), 1.470 người bị thương nặng (tăng 11,9%).

 

Tổng chi phí do tai nạn lao động xảy ra trong năm 2012 (chi phí tiền thuốc, mai táng, tiền bồi thường cho gia đình người chết và những người bị thương,...) lên tới 82,6 tỷ đồng, thiệt hại về tài sản là 11 tỷ đồng, tổng số ngày nghỉ (kể cả nghỉ chế độ) do TNLĐ là 85.683 ngày.

 

Theo thống kê, 10 địa phương để xảy ra nhiều vụ tai nạn chết người nhất là TP Hồ Chí Minh, Quảng Ninh, Hà Nội, Bình Dương, Đồng Nai, Hà Tĩnh, Bà Rịa - Vũng Tàu, Long An, Đà Nẵng và Bình Thuận. Trong đó, Đồng Nai là địa phương thống kê được số vụ TNLĐ nhiều nhất, thành phố Hồ Chí Minh là địa phương có số vụ tai nạn lao động chết người cao nhất cả nước.

 

Nhìn từ thực tế, những ngành, nghề để xảy ra nhiều tai nạn lao động nghiêm trọng trong năm 2012 vẫn là lao động giản đơn trong khai thác mỏ, xây dựng, thợ gia công kim loại, thợ cơ khí, thợ vận hành máy, thiết bị.

 

Có thể kể đến một số vụ TNLĐ nghiêm trọng trong năm 2012 như: vụ tai nạn do ngạt khí độc dưới hầm lò ngày 29/4/2012, làm chết 04 người, tại Công ty cổ phần Sinh Phát Lộc, huyện Nho Quan, tỉnh Ninh Bình.

 

Hay vụ TNLĐ do sạt lở đá sáng ngày 21/5/2012, làm chết 03 người tại Công ty Tân Hoàng An, huyện Thủy Nguyên, thành phố Hải Phòng.

 

Hoặc ngày 21/5/2012, vụ tai nạn do sét đánh gây nổ mìn tại khai trường của Hợp tác xã Cường Thịnh, huyện Thủy Nguyên, thành phố Hải Phòng làm 06 người chết và 04 người bị thương. Ngày 23/7/2012 tại Xí nghiệp than Uông Bí, Quảng Ninh xảy ra vụ tai nạn lao động do bục nước tại lò thượng làm 03 người chết, 04 người bị thương.

 

Ngày 19/8/2012, vụ tai nạn lao động do sập hầm tại Công trình thủy điện Nậm Pông thuộc địa phận xã Châu Hạnh - Quỳ Châu - Nghệ An làm 02 người chết, 05 người bị thương...

 

Trên đây chỉ là một trong nhiều vụ tai nạn lao động điển hình gây nỗi kinh hoàng lớn cho nhiều người bởi thực tế những tai nạn đau lòng như trên không hiếm, khi thì sập cầu đang xây, khi thì bị đá sập đè khi đang khai thác đá, sập trần nhà vừa đổ bê tông ... Điều này cho thấy tai nạn lao động là vấn đề nóng bỏng mà hàng ngày người lao động phải đối mặt.

 

Gần 95% doanh nghiệp “trốn” báo cáo tình hình TNLĐ

 

Vì sao nhà nước đã ban hành nhiều văn bản quy phạm pháp luật, đã chi hàng nghìn tỷ đồng cho công tác ATLĐ nhưng tai nạn vẫn không giảm? Qua phân tích về nguyên nhân để xảy ra TNLĐ cho thấy, mặc dù cơ quan chức năng đã cảnh báo cũng như tiến hành thanh kiểm tra liên tục nhưng người sử dụng lao động chưa chú trọng huấn luyện về an toàn lao động cho người lao động. Đáng lưu ý, hơn 33% nguyên nhân xảy ra TNLĐ xuất phát từ sự lơ là các quy trình, biện pháp làm việc an toàn về an toàn lao động của chính người lao động.

 

Về phía các cơ quan quản lý Nhà nước, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội thừa nhận mặc dù các văn bản quy phạm pháp luật về lĩnh vực ATLĐ hiện nay đã khá đầy đủ, tuy nhiên, việc thanh tra, kiểm tra, xử lý của cơ quan nhà nước đối với các doanh nghiệp vi phạm công tác an toàn vệ sinh lao động còn chưa triệt để dẫn đến tình trạng còn nhiều người sử dụng lao động không chấp hành nghiêm túc các quy định của pháp luật.

 

Theo ông Hà Tất Thắng, trong 552 vụ tai nạn lao động chết người xảy ra trong năm 2012, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội nhận được biên bản điều tra của 149 vụ. Trong số đó, chỉ có 2 trường hợp người sử dụng lao động bị đề nghị truy tố do vi phạm nghiêm trọng quy định pháp luật về ATLĐ để xảy ra tai nạn lao động. Đó là, vụ tai nạn lao động do sập cốt pha xảy ra ngày 5/11/2012 làm 02 người chết tại công trình xây dựng Khu nhà ở, dịch vụ thương mại và trường học Nam Đô (Trương Định, Hoàng Mai, Hà Nội) do công ty cổ phần Vinaconex làm chủ đầu tư, và vụ tai nạn lao động do điện giật xảy ra ngày 25/3/2012 làm 02 người chết tại Trạm bơm điện Tổ hợp tác Xuân Mai, ấp 6, Kinh Môn, xã Trường Xuân, huyện Tháp Mười, tỉnh Đồng Tháp do ông Nguyễn Văn Dẻo làm Trưởng trạm.

 

Đáng lưu ý, ông Hà Tất Thắng cho hay, gần 95% doanh nghiệp (chủ yếu là các doanh nghiệp nhỏ và vừa) “trốn” báo cáo TNLĐ theo quy định. Bởi theo thống kê, trong năm 2012, có 19.311 doanh nghiệp tham gia báo cáo, ước tính chỉ chiếm khoảng 5,1% tổng số doanh nghiệp toàn quốc.

 

Những con số trên phản ánh rõ thực tế ATLĐ không nhận được sự quan tâm thích đáng của các chủ doanh nghiệp và ngay đến người lao động, những người bị ảnh hưởng trực tiếp nhất từ tai nạn lao động có khi cũng thờ ơ với chính tính mạng của mình.

 

Theo nhận định của các tổ chức lao động quốc tế, bất kỳ một quốc gia nào trong giai đoạn phát triển nhất định cũng đều gặp phải những khó khăn về ATLĐ. Điều quan trọng là cần kiểm soát xem mức độ mất ATLĐ đang ở mức độ nào, ngành nghề nào, khu vực nào và đối tượng nào dễ bị những ảnh hưởng tiêu cực nhất để từ đó xây dựng chiến lược phòng ngừa một cách hiệu quả, lấy văn hóa phòng ngừa là quan trọng chứ không phải chạy theo khắc phục hậu quả của nó.

 

Để chủ động phòng ngừa TNLĐ trong thời gian tới, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã đề nghị các Bộ, ngành, địa phương và các doanh nghiệp tăng cường chỉ đạo, đôn đốc các đơn vị thuộc phạm vi quản lý thực hiện đầy đủ các quy định của Nhà nước về an toàn lao động - vệ sinh lao động và các chế độ bảo hộ lao động. Chú trọng triển khai công tác huấn luyện an toàn vệ sinh lao động cho người sử dụng lao động và người lao động.

 

Đặc biệt, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã chỉ đạo kiên quyết xử lý nghiêm minh, kịp thời đối với các hành vi vi phạm luật pháp lao động, đặc biệt công khai các doanh nghiệp không chấp hành nghiêm chỉnh công tác thống kê báo cáo TNLĐ theo quy định; thực hiện tốt việc phối hợp với các cơ quan có thẩm quyền để tiến hành điều tra kịp thời, xác định chính xác nguyên nhân xảy ra các vụ tai nạn lao động chết người trong các doanh nghiệp, đảm bảo thời gian điều tra, lập biên bản các vụ tai nạn lao động theo đúng quy định của pháp luật.

 

“Xây dựng phải an toàn, an toàn để xây dựng”, “An toàn là bạn, tai nạn là thù” không chỉ là những khẩu hiệu tuyên truyền, không chỉ là mục tiêu phấn đấu mà còn là trách nhiệm của chủ sử dụng lao động, các cơ quan quản lý và của toàn xã hội. Bài học từ các vụ tai nạn cũng cho thấy điều quan trọng nhất vẫn là ý thức chấp hành quy định vệ sinh an toàn lao động của chính người lao động - những người chịu ảnh hưởng trực tiếp từ tai nạn lao động.