Chủ động phòng ngừa tai nạn lao động

08:35, 13/03/2013

Trong thời gian qua, công tác an toàn, vệ sinh lao động, phòng chống cháy nổ (ATVSLĐ-PCCN) trên địa bàn tỉnh đã có nhiều chuyển biến tích cực, nhưng số vụ tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp vẫn chưa giảm… Nhân Tuần lễ Quốc gia về ATVSLĐ-PCCN lần thứ 15 năm 2013, phóng viên Báo Thái Nguyên đã phỏng vấn đồng chí Nguyễn Thị Hằng, Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Phó trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ đạo Tuần lễ Quốc gia về ATVSLĐ-PCCN tỉnh về công tác này.

P.V: Xin đồng chí cho biết đôi nét về tình hình ATVSLĐ-PCCN trên địa bàn tỉnh năm 2012?

 

Đồng chí Nguyễn Thị Hằng: Theo số liệu báo cáo chưa đầy đủ, năm 2012, toàn tỉnh xảy ra 126 vụ tai nạn lao động, với 126 người bị nạn, làm chết 10 người, bị thương 116 người. So với năm 2011, số vụ tai nạn lao động và số nạn nhân giảm, số vụ tai nạn lao động chết người và số người chết cũng giảm. Tuy nhiên, chúng tôi đánh giá kết quả này chưa phản ánh đầy đủ thực trạng tai nạn lao động trên địa bàn tỉnh bởi số doanh nghiệp báo cáo với cơ quan quản lý của năm 2012 ít hơn so với năm 2011 (năm 2011, có 57 doanh nghiệp báo cáo, năm 2012 chỉ có 50 doanh nghiệp báo cáo công tác ATVSLĐ-PCCN ). Các lĩnh vực để xảy ra nhiều tai nạn lao động chết người và tai nạn lao động nghiêm trọng trong năm qua vẫn là khai thác đá, khai thác khoáng sản, luyện kim và xây dựng.

 

Trong năm 2012 trên địa bàn tỉnh xay ra 50 vụ cháy, làm cháy 6 gian nhà, 4 kiốt bán hàng, 1 xe ô tô khách, 1 xe ô tô tải nhỏ và một số tài sản khác, trị giá trên 1,1 tỷ đồng. So sánh với cùng kỳ năm 2011 số vụ cháy đã giảm 10 vụ (bằng 16.67%). Toàn tỉnh xảy ra 16 vụ cháy rừng, thiệt hại trên 28ha rừng và 500 m2 thảm thực vật. So với cùng kỳ năm 2011, số vụ cháy giảm 4 vụ (20%) nhưng thiệt hại tăng 13,05 ha rừng (88,4%). Ngoài ra, trên địa bàn tỉnh đã xảy ra 4 vụ nổ, làm bị thương 4 người, thiệt hại về tài sản trị giá 1,6 tỷ đồng. So với năm 2011, số vụ nổ tăng 3 vụ (75%), thiệt hại tăng 1,6 tỷ đồng…

 

P.V: Nguyên nhân và thiệt hại do các vụ tai nạn lao động gây ra như thế nào, thưa đồng chí?

 

Đồng chí Nguyễn Thị Hằng: Theo đánh giá của chúng tôi, số các vụ tai nạn lao động do người bị nạn vi phạm quy phạm, quy trình, biện pháp làm việc an toàn chiếm nhiều nhất trong số các nguyên nhân dân đến tai nạn. Theo thống kê, có tới 69/126 vụ (chiếm 54,76%) tổng số vụ tai nạn lao động xuất phát từ nguyên nhân này. Ngoài ra, tai nạn lao động do nguyên nhân khách quan khó tránh là 29/126 vụ (chiếm 23,01%); tai nạn lao động do người khác vi phạm quy phạm, quy trình, biện pháp làm việc an toàn là 12/126 vụ (chiếm 9,52%); tai nạn lao động do người lao động không sử dụng phương tiện bảo vệ cá nhân hoặc phương tiện bảo vệ cá nhân không tốt là 10/126 vụ (chiếm 7,94%)... Theo số liệu báo cáo của các doanh nghiệp, thiệt hại do tai nạn lao động gây ra trên 7,1 tỷ đồng; tổng số ngày công người lao động nghỉ vì tai nạn lao động trên 4 nghìn ngày…

 

P.V: Thưa đồng chí, để chủ động phòng ngừa tai nạn lao động trong năm 2013, Ban Chỉ đạo Tuần lễ Quốc gia về ATVSLĐ-PCCN của tỉnh có những biện pháp cụ thể như thế nào?

 

Đồng chí Nguyễn Thị Hằng: Để chủ động phòng ngừa tai nạn lao động trong thời gian tới, Ban Chỉ đạo Tuần lễ Quốc gia về ATVSLĐ-PCCN tỉnh yêu cầu các thành viên Ban Chỉ đạo và các doanh nghiệp phối hợp chặt chẽ, tăng cường công tác thanh, kiểm tra việc thực hiện các quy định về ATVSLĐ-PCCN tại các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh; kiên quyết xử lý nghiêm minh, kịp thời đối với các hành vi vi phạm pháp luật lao động, đặc biệt đối với các hành vi không chấp hành nghiêm chỉnh công tác thống kê, báo cáo tai nạn lao động theo quy định; tiếp tục triển khai thực hiện tốt các mục tiêu của Chương trình quốc gia về ATVSLĐ giai đoạn 2011-2015; tăng cường công tác tuyên truyền pháp luật về ATVSLĐ-PCCN.

 

Với vai trò là Cơ quan thường trực, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đã lên kế hoạch tổ chức huấn luyện đầy đủ về an toàn lao động cho người sử dụng lao động và người lao động, đồng thời thực hiện tốt việc phối hợp với các cơ quan có thẩm quyền để tiến hành điều tra kịp thời, xác định chính xác nguyên nhân xảy ra các vụ tai nạn lao động; tăng cường công tác tuyên truyền giáo dục cho người lao động tự giác chấp hành các quy định về an toàn, vệ sinh lao động. Ngoài ra, chúng tôi cũng yêu cầu người sử dụng lao động trong các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh phải tổ chức kiểm tra máy, thiết bị và cải thiện điều kiện làm việc để đảm bảo cho người lao động được làm việc trong môi trường an toàn; xây dựng đầy đủ các quy trình, biện pháp làm việc an toàn, vệ sinh lao động theo quy định; hướng dẫn người lao động trước khi làm việc; tổ chức huấn luyện về an toàn - vệ sinh lao động cho người lao động…

 

P.V: Xin trân trọng cảm ơn đồng chí!