Mặc dù còn nhiều khó khăn, vất vả, song công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu cho bà con các dân tộc thiểu số ở các xã vùng cao của huyện Võ Nhai trong thời gian qua đã có nhiều khởi sắc. Kết quả ấy ghi dấu sự nỗ lực của đội ngũ cán bộ y tế cơ sở nơi đây.
Đến với xã vùng cao Thượng Nung (Võ Nhai) vào một ngày đầu xuân mới, chúng tôi có dịp được theo chân bác sĩ Lý Văn Viên, Trưởng trạm Y tế xã đến thăm bà con ở bản Lũng Luông - một trong 3 bản người Mông xa nhất, khó khăn nhất của xã. Cả một tuần nay, trời mưa lạnh liên miên khiến con đường lên bản lầy bùn, trơn như đổ mỡ, chúng tôi phải nhích từng bước một. Công tác ở một xã vùng cao như Thượng Nung thì việc đi bộ vài tiếng đồng hồ, vượt qua những ngọn núi thẳng đứng để chăm sóc sức khỏe cho đồng bào đã quá quen đối với các cán bộ của Trạm Y tế.
Trước đây, khi chưa có y tế thôn bản, cán bộ Trạm cứ mỗi tháng một lần chia nhau đến các xóm bản nằm vắt trên các ngọn núi cao mờ sương để tiêm chủng cho trẻ em, khám chữa bệnh cho bà con và tuyên truyền phòng, chống dịch bệnh. Bây giờ, y tế thôn bản đã phủ kín 7 xóm bản, giúp các anh thực hiện công việc tuyên truyền, vận động và triển khai các chương trình y tế quốc gia đến từng hộ gia đình, nhưng anh Viên vẫn không bỏ thói quen đi xóm. Đối với anh, việc đi đến tận nơi nắm tình hình sức khỏe đồng bào là một cách để có thể đề ra những giải pháp hợp lý cho việc thực hiện công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu cho người dân.
Anh tâm sự: “Người dân ở Thượng Nung còn khó khăn vất vả lắm, toàn xã có 5 dân tộc chung sống, hầu hết là đồng bào dân tộc thiểu số như Tày, Nùng, Dao và 1/3 là đồng bào người Mông sinh sống tại 3 xóm xa nhất là Lũng Luông, Lũng Cà và Lũng Hoài. Mỗi dân tộc lại có những tập tục và thói quen khác nhau, phải hiểu và trân trọng họ thì công tác tuyên truyền vận động mới đạt được hiệu quả”.
Còn chị Vương Thị Hà, y tế thôn bản xóm Lũng Luông, cho biết: Xóm của chị có 120 gia đình sống rải rác giữa các ngọn núi. Mỗi lần đi tuyên truyền, vận động bà con đưa trẻ đi tiêm chủng, chăm sóc phụ nữ mang thai, giữ vệ sinh phòng chống dịch bệnh nguy hiểm, thực hiện kế hoạch hóa gia đình… phải mất mấy ngày liền nhưng chị không quản ngại. Chị nói: “Mình nhận làm y tế bản rồi thì không sợ khổ. Chỉ cần bà con của mình không mắc bệnh, không đẻ nhiều nữa, trẻ con không ốm là mình vui rồi” .
Sự tận tâm của cán bộ Trạm Y tế và đội ngũ y tế thôn bản của xã Thượng Nung đã được đền đáp khi mà nhiều năm rồi trên địa bàn không có dịch bệnh xảy ra. Bà con đã biết chú trọng đến chăm sóc sức khỏe, đặc biệt cho trẻ em và phụ nữ mang thai. Hàng năm, số trẻ được tiêm chủng luôn đạt gần 100%. Năm 2012, toàn xã chỉ có 2 trường hợp sinh con thứ 3. Công tác khám chữa bệnh tại Trạm luôn đạt ở mức cao, riêng trong năm 2012, Trạm khám chữa bệnh cho 3.179 lượt người, bình quân đạt 1,2 lần/người/năm. Các hủ tục lạc hậu dần bị bài trừ. Anh Lý Văn Sinh, người dân xóm Lũng Luông vui mừng nói: “Cán bộ y tế xã và y tế bản dạy cho bà con mình biết cách nuôi trẻ con đầy đủ dinh dưỡng, phụ nữ mang thai không làm việc nặng, khi ốm đến y tế để chữa bệnh không mất tiền. Bà con vui lắm, có bệnh là đến bác sĩ thôi”.
Như Thượng Nung, Thần Sa cũng là một trong những xã vùng sâu vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn của huyện Võ Nhai. Bác sĩ Lý Văn Quy, Trưởng Trạm Y tế xã cho biết: “Xã có trên 2.400 nhân khẩu thì có đến 50% thuộc diện nghèo, đường giao thông không thuận tiện, xóm xa nhất cách trung tâm xã hơn 20km, vào mùa mưa chỉ có thể đi bộ, đặc biệt có những xóm như Hạ Sơn Dao không có điện lưới quốc gia”. Khó khăn là vậy, song công tác chăm sức khỏe ban đầu cho đồng bào dân tộc nơi đây đã có nhiều khởi sắc. Toàn xã có 9 xóm đều có y tế thôn bản hoạt động. Các chương trình y tế quốc gia triển khai có hiệu quả. Tất cả các chỉ tiêu về y tế đều đạt và vượt kế hoạch đề ra. Bình quân số lượt người dân được khám chữa bệnh đạt 1,3 lần/người/năm. Tuy nhiên bác sĩ Lý Văn Quy vẫn trăn trở: Mặc dù đã đạt chuẩn Quốc gia về y tế giai đoạn I (2010-2012) nhưng cơ sở vật chất của Trạm vẫn còn thiếu, chỉ có 5 phòng chức năng trong khi để đạt chuẩn giai đoạn II (2013-2015) thì cần phải có từ 8-10 phòng chức năng. Hiện, Trạm có 7 cán bộ và các trang thiết bị tương đối đầy đủ như máy siêu âm, điện tim… nhưng không có phòng hoạt động, đành phải xếp lại.
Toàn huyện vùng cao Võ Nhai có 15 xã, thị trấn thì 11 xã vùng sâu vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn. Trao đổi với chúng tôi, Thạc sĩ Triệu Văn Thu, Giám đốc Trung tâm Y tế huyện cho biết: Trong điều kiện chung của ngành thiếu bác sĩ thì huyện luôn đảm bảo phủ kín 100% các xã có bác sĩ hoạt động và 100% xóm bản có nhân viên y tế thôn bản. Cùng với đó, huyện cũng chú trọng điều chuyển những cán bộ y tế có năng lực cho các xã vùng sâu, vùng xa, cung cấp các trang thiết bị thiết yếu phục vụ công tác khám chữa bệnh, thường xuyên kiểm tra, giám sát đối với các xã này. Thạc sĩ Thu cũng nhấn mạnh: “Hiện nay, Trung tâm Y tế huyện đang tham mưu cho Sở Y tế, UBND huyện đẩy nhanh tiến độ xây dựng xã chuẩn quốc gia về y tế giai đoạn II nhằm tạo điều kiện cho các xã vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn của huyện thực hiện tốt công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu cho nhân dân. Để có thể đạt được các tiêu chí Chuẩn quốc gia giai đoạn II thì rất cần sự vào cuộc của các ban, ngành, đoàn thể để làm sao cho công tác xã hội hóa y tế được đẩy mạnh để có thể cải tạo, nâng cấp cơ sở vật chất cho các xã này. Đây là một trong những tiêu chí rất khó khăn mà huyện đang phải đương đầu”.