Trong cuộc đời gần 30 năm binh nghiệp, Trung tá Nguyễn Tiến Chuyền (tổ 16, phường Quang Vinh, T.P Thái Nguyên) đã trực tiếp tham gia nhiều trận chiến, từ Chiến dịch Mậu Thân (1968), đánh thành cổ Quảng Trị (1972), đến Chiến dịch Hồ Chí Minh giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (1975) và bảo vệ biên giới phía Bắc (1979).
Dấu ấn sâu đậm nhất là những ngày ông ở mặt trận B5, bảo vệ tuyến đường cho các đơn vị bộ đội chủ lực tiến vào giải phóng Trị Thiên Huế trong chiến dịch Mậu Thân 1968 hào hùng mà khốc liệt. Thời điểm đó, ông Chuyền đang là Đại úy, Đại đội trưởng Đại đội Bảo vệ tuyến đường vào mặt trận B5 (khu vực Trị Thiên Huế). Đơn vị gần 80 người được lệnh bảo vệ an toàn cho hành lang dài gần 60 km từ phía nam sông Bến Hải, cắt ngang qua các sông Mỹ Chánh, sông Bồ, Ba Lòng đến bờ Bắc của sông Hương. Trên hành lang, đế quốc Mỹ đặt rất nhiều cứ điểm quân sự mạnh như: 544, 241, Động Toàn, đặc biệt là khu vực hàng rào điện tử Mác-na-ma-ra xung quanh khu vực đường 9 - Khe Sanh (Quảng Trị).
Ông Chuyền kể: Xác định được tầm quan trọng của hành lang từ phía Bắc vào chiến trường B5, đế quốc Mỹ đã tăng cường sức mạnh quân sự nhằm kiểm soát khu vực này. Từ cuối năm 1967, đơn vị chúng tôi được lệnh đi trinh sát, mở đường cho 2 đơn vị bộ đội chủ lực vào trận địa là Trung đoàn bộ binh, thuộc Sư đoàn 324 và Trung đoàn 6 của mặt trận B5, đồng thời bảo vệ an toàn cho các điểm kho. Khó nhất là đối phó với loại vũ khí của địch có tên là “cây nhiệt đới”. Đây là một máy “trinh sát điện tử” có bộ cảm ứng thu các tiếng động cực nhạy, sau đó phát tín hiệu về trung tâm xử lý. Các thiết bị tối tân của địch sẽ phân tích tiếng động của người hoặc thiết bị quân sự, xác định tọa độ, sau đó điều động máy bay và pháo ở khu vực gần nhất đến oanh tạc. Quy trình xử lý thông tin của “cây nhiệt đới” chỉ diễn ra trong vài phút, lại được chế tạo giống hệt cây Vòi voi (một loại cây phổ biến ở miền Trung) nên rất khó phát hiện và vô hiệu hóa. Kinh nghiệm 6 năm trận mạc, đặc biệt là thời gian 3 năm được đào tạo pháo binh tại Sơn Tây đã giúp ông Chuyền có kiến thức trong việc nghiên cứu địa hình thực địa, tìm ra cách đối phó với loại vũ khí hiện đại này. Tuyến đường hành quân của ta vì thế được an toàn.
Chiến dịch Mậu Thân đánh vào mặt trận Trị Thiên Huế diễn ra đúng ngày mùng 1 Tết Nguyên đán, chỉ cách mặt trận chưa đầy chục km nhưng ông Chuyền và các chiến sĩ trong đơn vị mình không được trực tiếp cầm súng đánh địch. Nghe thấy súng nổ, nhìn thấy đạn pháo sáng bừng phía nội thành, ông vững một niềm tin chiến dịch sẽ thắng lợi. Sau 26 ngày đêm, các đơn vị bộ đội được lệnh rút khỏi Huế. Đại đội của ông tiếp tục nhiệm vụ bảo vệ tuyến đường và hỗ trợ di chuyển các kho ra bờ Bắc sông Bến Hải. Đây chính là thời điểm đế quốc Mỹ đánh phá điên cuồng nhất, nhiều chiến sĩ trong đơn vị của ông đã bị thương và anh dũng hy sinh. Ông Chuyền còn nhớ như in hình ảnh đồng chí Tỵ cùng đơn vị, quê Nghệ An bị thương mất cả 2 chân khi hỗ trợ đơn vị kho T10, Cục Hậu cần (ở phía Nam đường 9). Khi ông tìm thấy thì đồng chí Tỵ gần như đã kiệt sức, anh thều thào: “Thủ trưởng ơi, chắc em chết mất nhưng chúng ta nhất định sẽ thắng lợi. Cho em gửi lời hỏi thăm đến các anh em trong đơn vị nhé”. Đồng chí Tỵ đã hy sinh trên đường chuyển ra vùng hậu cứ.
Sau chiến dịch Mậu Thân, ông Chuyền tiếp tục tham gia trận đánh giữ thành cổ Quảng trị năm 1972. Lúc này, ông là Tiểu đoàn phó Tiểu đoàn bộ binh, thuộc Sư đoàn 324 có nhiệm vụ đánh điểm cao 367 và chốt giữ tại động Ông Đô. Tại đây, ông đã bị 3 vết thương bởi đạn pháo. Trong Chiến dịch Hồ Chí Minh năm 1975, ông là Tiểu đoàn Trưởng bộ binh của Trung đoàn 4 trực tiếp đánh vào phòng tuyến Lai Bằng – Sông Bồ, rồi tiến xuống khu vực cửa biển Thuận An (thuộc mặt trận Trị Thiên Huế). Những chiến công của đơn vị đã góp phần quan trọng vào thắng lợi chung của toàn mặt trận. Sau khi đất nước thống nhất, ông Chuyền tiếp tục được điều động lên Lạng Sơn tham gia bảo vệ biên giới đến khi nghỉ hưu năm 1991 khi đang là Trung tá, Trung đoàn trưởng Trung đoàn 92, Quân khu 1.
Hành trang trở về sau gần 30 quân ngũ là 3 Huân chương Kháng chiến hạng Nhất, Nhì, Ba và 2 Huân chương Chiến công hạng Ba cùng nhiều kỷ niệm của đồng đội. Trở về địa phương, ông trở thành một hội viên cựu chiến binh gương mẫu và tích cực tham gia các phong trào ở địa phương. Năm nay 70 tuổi, ông vinh dự đã có gần 50 năm được đứng trong hàng ngũ của Đảng. Niềm vui lớn của hai vợ chồng già là cả 6 người con đều đã thành đạt, hiện đang công tác ở các cơ quan Nhà nước trong và ngoài tỉnh. Ông Chuyền tâm sự: “Đi qua chiến tranh, càng hiểu hơn giá trị của hòa bình. Tôi tự hào vì đã đóng góp sức lực nhỏ bé của mình vào công cuộc bảo vệ đất nước”.