"Con đường mơ ước" ở Lân Quan

08:58, 04/03/2013

Mùa xuân này, đồng bào Mông ở xóm Lân Quan, xã Tân Long (Đồng Hỷ) vui hơn vì ước mơ về một con đường trên núi đã trở thành hiện thực.

 

 

 

Trong 2 năm trở lại đây, nhân dân ở xã Tân Long (Đồng Hỷ) đã hiến được hơn 5,4ha đất để làm đường giao thông nông thôn, ước tính trị giá trên 5 tỷ đồng. Các xóm có đường được đầu tư mở mới bao gồm: Đồng Mẫu, Đồng Luông, Ba Đình và Lân Quan.

 

Chúng tôi đến Lân Quan vào một ngày đầu xuân. Từ trụ sở UBND xã Tân Long đi chừng mươi cây số, Lân Quan hiện ra với những đồi cây xanh ngắt và những ngọn núi đá nối tiếp nhau ôm lấy xóm bản. Từ xa, những ngôi nhà sàn của đồng bào dân tộc Mông hiện ra bên những sườn đồi thoai thoải. Những quả đổi nhỏ hình bát úp cũng đã được bà con dọn thực bì để chuẩn bị trồng ngô vụ xuân. Đang tính tìm chỗ gửi xe để “cuốc bộ” từ trung tâm xóm lên cụm Lân Quan 2 (xóm Lân Quan có 2 khu cách biệt bởi một dãy núi đá, người dân tạo ra những bậc thang nhỏ làm lối đi từ khu Lân Quan 2 xuống Lân Quan 1), chúng tôi tình cờ gặp Bí thư Chi bộ Lân Quan, ông Dương Văn Lầu. Biết ý định của chúng tôi, ông Lầu cười bảo: “Không cần gửi, có đường cho xe lên tận nơi rồi. Đường vừa thông hôm chuẩn bị đón Tết Nguyên đán rồi”.

 

 

Chỉ cách nhau hơn 1km nhưng trước đây, muốn đi từ Lân Quan 1 đến Lân Quan 2 chỉ có một cách là đi bộ, người quen đường cũng mất chừng 30 phút, người lạ vào xóm thì phải mất cả tiếng đồng hồ. Nhắc đến con đường cũ, ông Lầu lắc đầu, chép miệng nói: "Trước đường không có, khổ nhất là trẻ con đi học, phải lần, bò qua từng bậc đá nhấp nhô mới đến trường được. Ngày nắng còn đi được, chứ những hôm trời mưa, đường xuống núi trơn nguy hiểm, hầu hết là phải nghỉ học. Nhiều hôm lên Lân Quan 2, tôi phải ngủ lại đó, vì trời tối đi bộ men theo bậc đá rất nguy hiểm, còn nếu đi xe máy, thì phải đi vòng lên tận xã La Hiên (Võ Nhai) cách 6-7km rồi vòng lại mới vào trung tâm xóm được. Nhưng điều đó đã trở thành xưa rồi (ông cười rất tươi - PV), giờ con đường mới vòng bám theo vách đá đã được mở ra, mặt đường rộng hơn 3m, xe máy đi chỉ mất vài phút đồng hồ".

 

Con đường mới mở có tổng số vốn đầu tư gần 4,5 tỷ đồng, bao gồm vốn từ Chương trình 135 của Chính phủ và trích từ nguồn Phí bảo vệ môi trường từ các mỏ trên địa bàn huyện. Số tiền này được dùng để bạt núi, san lấp mặt bằng. Ông Lương Thế Quyền, Phó Chủ tịch UBND xã cho biết: Khi có nguồn vốn hỗ trợ, chúng tôi thông báo chủ trương làm đường cho bà con trong xóm, ai nấy đều rất phấn khởi và tự nguyện hiến đất làm đường. Ở Lân Quan, 100% bà con đều là người Mông, kinh tế còn nhiều khó khăn (toàn xóm hiện có 75 hộ thì có tới 63 hộ nghèo) nhưng nhà nào cũng tự nguyện hiến từ 2-3 sào đất trồng ngô, có người còn sẵn sàng rời cả nhà cửa nhường đất cho con đường mới. Điển hình là gia đình anh Hoàng Văn Vàng. Anh đã hiến toàn bộ đất vườn và tự nguyện di dời căn nhà vào phía sau để nhường đất cho con đường. Anh bảo: "Tôi và bà con trong xóm đã mơ có được con đường như thế này từ lâu lắm rồi, đừng nói là phải hiến đất vườn, chuyển nhà đi chỗ khác, nếu tôi có thể đóng góp gì nữa để có đường đi lại thuận tiện như thế này, tôi vẫn sẵn sàng". Con đường là mong mỏi của người dân và cũng bởi có những con người như vợ chồng anh Hoàng Văn Vàng nên công tác giải phóng mặt bằng ở đây được thực hiện rất nhanh chóng. Chỉ hơn 2 tháng, con đường đã thi công xong và đưa vào sử dụng (con đường được thì công từ cuối tháng 10/2012 đến tháng 1/2013)

 

Lân Quan hiện có trên 30 mẫu đất trồng ngô, trước đây, vì đường đi lại khó khăn nên việc vận chuyển phân bón của bà con rất hạn chế, ảnh hưởng đến năng suất cây trồng. Sản phẩm làm ra mang nặng tính tự cung, tự cấp. Giờ người dân không còn phải khiêng, vác từng bao phân nữa vì ô tô đã có thể trở hàng về tận xóm, sản phẩm làm ra vì thế cũng được trao đổi dễ dàng hơn. Khi chưa có đường, nhà nào nuôi được con lợn, muốn bán đều phải hì hụi khiêng xuống tận đường trục chính nhưng giờ, thương lái đã tìm đến mua tại nhà. Nhiều hộ dân trong xóm đã có ý định phát triển chăn nuôi theo hướng hàng hóa.

 

Nhìn đám trẻ ríu rít đến trường trên con đường đá bằng phẳng, chúng tôi tin rằng, con đường mới mở ở Lân Quan sẽ là điều kiện tiên quyết giúp đồng bào người Mông nơi đây phát triển kinh tế - xã hội, vươn lên xóa đói, giảm nghèo.