Được Tổng cục Dạy nghề lựa chọn làm điểm trong việc thực hiện Đề án 1956 về đào tạo nghề cho lao động nông thôn, sau gần 3 năm thực hiện, huyện Phổ Yên đã đạt được kết quả tích cực, tạo việc làm ổn định, tăng thu nhập cho lao động, nhất là nông dân bị thu hồi đất nông nghiệp; đồng thời góp phần chuyển dịch cơ cấu lao động, từng bước đáp ứng yêu cầu xây dựng thị xã công nghiệp vào năm 2015.
Để Đề án được thực hiện có hiệu quả, UBND huyện chỉ đạo quyết liệt từ khâu điều tra, khảo sát, đánh giá thực trạng và tổng hợp nhu cầu học nghề của lao động nông thôn trên địa bàn huyện. Qua khảo sát ở 317/327 xóm cho thấy, toàn huyện có trên 15 nghìn lao động có nhu cầu học nghề ở 59 ngành nghề. Căn cứ vào kết quả điều tra và nhu cầu đăng ký, huyện đã xây dựng Đề án với mục tiêu mỗi năm đào tạo nghề cho 2.500 lao động. Cùng đó, huyện cũng đẩy mạnh công tác tuyên truyền về chủ trương, chính sách hỗ trợ học nghề, giải quyết việc làm; cung cấp các thông tin về cơ sở đào tạo nghề, các nghề đào tạo, thông tin về yêu cầu thị trường lao động, địa chỉ sử dụng lao động, điều kiện tuyển dụng và mức thu nhập.
Có mặt tại lớp học nghề May - Thiết kế thời trang của Trường Trung cấp nghề Nam Thái Nguyên, chúng tôi thấy các em đang chăm chú bên những chiếc máy khâu. Em Nguyễn Thị Vân, ở xã Đắc Sơn nói: Yêu thích nghề may từ nhỏ nên em đã đăng ký vào học tại trường với mong muốn sau này có thể mở một tiệm may riêng, có thu nhập đảm bảo cuộc sống ổn định mà không phải đi làm ở các tỉnh xa. Theo học ở đây được gần 2 năm, giờ thì em đã có thể tự tay cắt và may được những chiếc áo đơn giản theo ý thích của mình. Ông Nguyễn Đại Minh, Hiệu trưởng Trường Trung cấp Nghề Nam Thái Nguyên cho biết: Nhà trường nhận nhiệm vụ đào tạo cho học sinh có nhu cầu trong toàn tỉnh với các nghề ngắn hạn và dài hạn như: hàn, điện công nghiệp, may và thiết kế thời trang, công nghệ thông tin, trung cấp thú y, kỹ thuật gia công bàn ghế, cơ khí… Để làm tốt công tác tuyển sinh, mỗi năm chúng tôi đều phối hợp chặt chẽ với các phòng, ban chuyên môn, UBND các xã, thị trấn và các trường học trên địa bàn để tổ chức hội thảo tư vấn hướng nghiệp cho học sinh. Đặc biệt, chúng tôi còn cử cán bộ phụ trách các xã đến từng thôn, xóm, từng hộ gia đình để tìm hiểu nhu cầu học nghề của các em, từ đó đưa ra những tư vấn phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh. Trung bình, mỗi năm, Nhà trường đào tạo cho 200 học viên trình độ trung cấp nghề và 1.300 lao động hệ sơ cấp. Sau khi học xong, 98% học viên tìm được việc làm phù hợp.
Cùng với việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tư vấn học nghề và việc làm cho lao động nông thôn, huyện Phổ Yên cũng quan tâm tới việc xây dựng thí điểm các mô hình dạy nghề cho nông dân bị thu hồi đất. Bằng hình thức “cầm tay chỉ việc”, từ năm 2010 đến nay, huyện đã triển khai các mô hình như: đào tạo nghề trồng nấm tại xã Nam Tiến; mô hình trồng hoa ly, hoa loa kèn, hoa đồng tiền tại thôn Thanh hoa, xã Trung thành; mô hình đào tạo nghề trồng, chăm sóc và chế biến chè tại xã Phúc Thuận; mô hình đào tạo nghề chế biến các sản phẩm mộc tại làng nghề Giã trung, xã Tiên Phong; mô hình đào tạo nghề thêu ren xuất khẩu tại xã Trung Thành, trồng rau an toàn theo tiêu chuẩn VietGap, chăn nuôi thú y... Sau thời gian học nghề và trực tiếp tham gia các mô hình, hầu hết các học viên đều vận dụng tiếp thu kiến thức vào sản xuất tại gia đình, góp phần tăng thu nhập và tạo thêm việc làm cho nhiều lao động tại địa phương. Hiện nay, đã có trên 85% người học nghề có việc làm ổn định. Bà Lâm Thị Thắng, người xóm Núi 2, xã Nam Tiến cho biết: Được tham gia lớp trồng hoa chất lượng cao trong vòng 3 tháng, nhà tôi đã trồng thử nghiệm hơn 1 sào hoa cúc. Với giá bán trung bình từ 2 - 4 nghìn đồng/bông, 1 năm trồng 2 vụ, nhà tôi cũng thu được hơn 20 triệu đồng, cao gấp nhiều lần so với trồng lúa. Bà con nông dân chúng tôi mong muốn được tham gia các mô hình làm kinh tế mới, phù hợp với điều kiện canh tác của địa phương để có thu nhập ổn định.
Ông Nguyễn Công Thịnh, Trưởng phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện cho biết: Trong 3 năm qua, toàn huyện đã có 4.905 lao động được đào tạo. Số lao động có việc làm sau đào tạo đạt 91%; trong đó, lao động được đơn vị, doanh nghiệp trực tiếp tuyển dụng là 1.327 người, chiếm 30%; lao động được doanh nghiệp đăng ký bao tiêu sản phẩm là 453 người, chiếm 11% và lao động tự tạo việc làm sau đào tạo là 2.702 người, chiếm 60%. Bên cạnh đó, từ kết quả của sàn giao dịch việc làm được tổ chức tại tỉnh, huyện, trung bình mỗi năm, huyện Phổ Yên cũng đã giải quyết việc làm cho trên 4.000 lao động nông thôn. Kết quả công tác đào tạo nghề đã góp phần chuyển dịch cơ cấu lao động từ nông nghiệp sang phi nông nghiệp, phù hợp với yêu cầu chuyển dịch cơ cấu kinh tế. Đặc biệt, năm 2013, Công ty điện tử Samsung Electronic Việt Nam đăng ký đầu tư xây dựng nhà máy tại Khu công nghiêp Yên bình với số vốn 2 tỷ USD, nhu cầu tuyển dụng khoảng 30.000 lao động. Hiện nay, chúng tôi đang tiếp tục phối hợp với Phòng Nhân sự của Công ty tích cực thực hiện công tác tuyên truyền, giới thiệu vị trí làm việc, tiêu chuẩn tuyển dụng, tạo điều kiện thuận lợi cho người lao động tìm hiểu thông tin và tham gia dự tuyển.