Điện về thắp sáng Hòa Lâm

14:49, 08/03/2013

Cuối tháng 2 vừa qua, Trạm biến áp công suất 100KVA đặt tại xóm Hòa Lâm, xã Tân Thành (Phú Bình) đã chính thức đi vào hoạt động. Vậy là niềm khao khát bao đời nay của người dân nơi đây đã trở thành hiện thực. Điện về không chỉ thắp sáng một vùng đất nghèo khó, mà còn mang đến cả những ước mơ, hy vọng về một tương lai tươi sáng hơn cho người dân nơi đây…

Thỏa niềm mong ước…

 

Theo chân đồng chí cán bộ văn hóa xã Tân Thành, chúng tôi đến thăm xóm Hòa Lâm vào một ngày đầu xuân. Vượt qua hơn 4km đường đất gồ ghề, uốn lượn men theo những sườn đồi, chúng tôi tới Hòa Lâm sau gần 30 phút bằng chiếc xe gắn máy. Từ xa xa, những cây cột điện vững chãi, kéo dài đến tận cuối xóm hiện ra trước mắt. Trưởng xóm Hòa Lâm, ông Mông Văn Vương vui vẻ cho biết: Bao đời nay, chúng tôi phải sống trong cảnh tối tăm không có ánh điện, mọi sinh hoạt về đêm đều dưới ánh đèn dầu leo létt. Giờ đây, niềm mong ước cháy bỏng về nguồn lưới điện Quốc gia đã trở thành hiện thực. Có điện rồi, đời sống của chúng tôi sẽ bớt khó khăn, tương lai chắc chắn sẽ tươi sáng hơn…

 

Hòa Lâm có 165 hộ với 714 nhân khẩu, trong đó 98% là đồng bào dân tộc thiểu số Tày, Nùng. Do địa hình chủ yếu là đồi núi, đất nông nghiệp ít, giao thông đi lại khó khăn, lại không có điện phục vụ sản xuất, sinh hoạt nên đời sống của bà con gặp rất nhiều khó khăn. Những năm qua, tỷ lệ hộ nghèo của xóm luôn ở mức trên 25% (cao gấp 2 lần bình quân chung của huyện). Năm 2005, một số hộ trong xóm đã tự đóng góp tiền mua dây, dựng cột để kéo điện từ các xóm lân cận về sử dụng nhưng vì đường dây quá xa nên chất lượng điện không đảm bảo. Người dân phải dùng điện "tranh thủ" vào buổi đêm. Đến năm 2012, xóm vẫn còn 36 hộ chưa có điện. Nói về cuộc sống khi chưa có điện, bà Nguyễn Thị Thành (70 tuổi) chia sẻ: Không có điện khổ lắm! Ban đêm phải "mò mẫm" dưới ánh đèn dầu, mùa hè thì nóng bức không sao ngủ nổi. Khổ nhất là tụi trẻ con cứ phải cặm cụi học bài bên chiếc đèn dầu, vừa không hiệu quả lại ảnh hưởng đến sức khỏe. Chúng tôi muốn phát triển kinh tế cũng khó vì chăn gà thì không có điện để úm con giống; cấy lúa, trồng cây thì không có nước tưới… Vì thế mà cái nghèo cứ mãi "lẽo đẽo" theo chúng tôi cho đến tận bây giờ.

 

Thấu hiểu nỗi nhọc nhằn của bà con nơi đây, tháng 7/2012, Công ty điện lực Thái Nguyên đã triển khai dự án lắp đặt 1 trạm biến áp với công suất 100KVA và 2,7 km đường dây trung thế, 120 mét đường dây hạ thế tại xóm Hòa Lâm, với tổng nguồn vốn đầu tư trên 2,1 tỷ đồng. Sau gần 1 năm thi công, Dự án đã hoàn thành và đóng điện dịp trước Tết Nguyên đán vừa qua trong niềm vui khôn xiết của đông đảo người dân.

 

Có điện về, trẻ em trong xóm được học dưới ánh đèn điện, người dân được cập nhật thông tin tình hình kinh tế, văn hóa, xã hội để nắm rõ hơn chủ trương, đường lối của Đảng chính sách pháp luật của Nhà nước. Ngoài ra, còn được tìm hiểu, học hỏi những tiến bộ khoa học - kỹ thuật trong trồng trọt và chăn nuôi để phát triển sản xuất, nâng cao đời sống. Từ ngày có điện, nhiều gia đình trong xóm đã mua sắm thêm những đồ dùng thiết yếu như: ti vi, đầu đĩa, tủ lạnh, quạt điện, nồi cơm điện, bình nóng lạnh... Cuộc sống xóm nghèo Hòa Lâm như được bước sang trang mới.

Thắp sáng tương lai….

Điện về không những chỉ cải thiện đời sống vật chất, tinh thần mà còn mở ra những dự định, ước mơ. Anh Nông Văn Hợp chia sẻ: Vài năm trước, sau khi cùng một vài hộ gia đình trong xóm đóng góp tiền mua dây, kéo điện nhờ từ xã Tân Hòa về, gia đình tôi mua 1 chiếc tủ bảo ôn về để phục vụ cho việc kinh doanh, bán hàng nhưng vì điện yếu quá nên không thể sử dụng được. Ti vi mua về cũng chỉ xem được vào ban đêm. Bây giờ có điện mới rồi, có thể xem tivi cả ngày, tủ bảo ôn cũng đã sử dụng lại được. Tới đây, tôi sẽ mở thêm dịch vụ giải khát. Chiếc máy xay xát lúa chạy bằng dầu Mazut của gia đình tôi cũng vừa mới được thay thế bằng đầu máy chạy điện. Từ nay, người dân trong xóm sẽ không phải mang thóc ra tận trung tâm xã để xay xát nữa…

 

Gia đình anh Vi Văn Long là một trong số ít hộ gia đình đầu tư chăn nuôi gà ở xóm Hòa Lâm. Trước đây khi chưa có điện, anh phải úm gà con bằng đèn dầu nên tỷ lệ sống thấp, nhất là vào mùa đông. Nhiều lứa gà, anh bị thua lỗ nặng vì không có điện để sưởi ấm. Bởi thế mà nhiều năm nay, dù rất muốn mở rộng quy mô chăn nuôi nhưng mỗi lứa, anh chỉ dám nuôi gần 200 con. Hôm chúng tôi đến thăm, anh Long đang cặm cụi đào đất ngoài vườn. Anh bảo: “Tôi đang đào móng xây thêm chuồng trại để vào lứa gà mới, có điện rồi không lo gà con chết rét nữa. Lứa gà này tôi định sẽ chăn khoảng 700 con, nhiều hơn trước 500 con. Từ ngày có điện, tôi thường xem tivi để học tập kỹ thuật chăm sóc và phòng trị bệnh cho đàn gà.

 

Chia tay Hòa Lâm, chúng tôi tin những dự định và cả hy vọng về một cuộc sống đầy đủ, ấm no và hạnh phúc hơn sẽ sớm đến với người dân nơi đây.