Cùng chung ước mơ được mặc áo bờ-lu trắng để chữa bệnh cứu người, chàng thanh niên dân tộc Tày Hoàng Văn Toán sinh ra ở miền sơn cước mãi chân núi Hồng của xã Minh Tiến, Đại Từ (Thái Nguyên) và cô sinh viên cùng lớp Lê Thị Nga quê ở vùng vải thiều nổi tiếng Lục Ngạn (Bắc Giang) đã gặp nhau nơi giảng đường của Trường Đại học Y khoa Bắc Thái. Chính nơi ươm mầm tri thức này đã khởi nguồn cho một tình bạn đẹp, rồi một tình yêu giản dị, trong sáng mà bền chặt để rồi họ cùng dệt lên hạnh phúc lứa đôi và cống hiến sức trẻ, trí tuệ cho sự nghiệp chăm sóc sức khỏe nhân dân vùng chiến khu cách mạng…
Vải thiều nuôi giấc mộng lương y
Tốt nghiệp Đại học Y khoa Thái Nguyên khóa 17 nhưng mãi chẳng tìm được việc phù hợp với tấm bằng bác sĩ chuyên khoa ngoại (trong thời điểm các cơ sở y tế lúc đó đều giảm biên chế) nên tháng 9/1990, bác sĩ Hoàng Văn Toán đành "thu tư trang" gồm sách vở, tài liệu, vài bộ quần áo đã sờn vai trở về xin làm cán bộ hợp đồng tại Hội Đông y huyện Đại Từ. Còn bác sĩ Lê Thị Nga, ra trường cũng đã trở lại quê nhà và gia đình vận động chị nộp hồ sơ vào công tác tại Bệnh viện Đa khoa huyện Lục Ngạn. Nhưng vì quá nặng lòng với chàng trai miền sơn cước nên mỗi khi vải thiều chín đỏ lưng đồi, bác sĩ Nga lại hướng về phía thượng nguồn dòng sông Công trăn trở. Thấy con gái tương tư, cha mẹ bác sĩ Nga gặng hỏi và khi biết quê của người yêu con gái ở mãi tận vùng cuối đất Thái Nguyên đã nhất mực phản đối chuyện se tơ, kết tóc với bác sĩ Toán. Điều kiện kinh tế gia đình bác sĩ Nga rất khá giả nên càng lo con gái lấy chồng nơi "thâm sơn, cùng cốc" sẽ phải chịu khổ cực. Nhưng nhân duyên đã giúp đôi bác sĩ trẻ từng bước thuyết phục hai bên gia đình và mùa xuân năm 1991, cô gái miền Kinh Bắc thùy mị, nết na đã bước lên “chín bậc cầu thang” về làm dâu xứ áo chàm mộc mạc nhưng chan chứa tình người.
Bác sĩ Nga tâm sự: "Lúc còn yêu nhau, mỗi lần mình hỏi về quê, anh Toán đều trả lời tôi ở nhà "gác" và mọi người sống rất chan hòa. Nhưng khi về làm dâu mới biết nhà "gác" là nhà sàn, anh em đông nên lúc nào trong nhà cũng tấp nập và mọi người đều trao đổi với nhau bằng tiếng Tày nên mình thấy lo. Mẹ chồng là người giản dị, sống tình cảm nên điều gì mình chưa biết là cụ nói cho nghe, hướng dẫn cho làm nên mọi chuyện từ lạ lẫm dần trở nên gần gũi, thân quen…". Cưới nhau xong, bác sĩ Nga được nhận làm hợp đồng không lương tại Bộ môn Nội của Trường Đại học Y khoa Thái Nguyên nhưng lãnh đạo đơn vị yêu cầu chị phải học lên thạc sĩ mới có cơ hội công tác lâu dài. Bác sĩ Toán về công tác tại Hội Đông y huyện Đại Từ nhưng lương tháng không mua nổi vài yến gạo nên bác sĩ Nga thường tận dụng thời gian nghỉ đi bán mía ở chợ Đồng Quang kiếm thêm tiền lo cho bữa ăn hàng ngày.
Khổ nhất là vợ chồng mới cưới nhưng thường xuyên "giường đơn, gối chiếc" nên những ngày nghỉ cuối tuần khi thì bác sĩ Nga đạp xe ngược về thị trấn Đại Từ với chồng, khi thì bác sĩ Toán đạp xe xuôi về thành phố với vợ hoặc cùng nhau đạp xe ngược về tận Minh Tiến. Chính vì công việc không ổn định, thường xuyên phải xa nhau nên sau nhiều đêm bàn tính, họ đã quyết định trở về quê Minh Tiến. Nói là về quê lập nghiệp nhưng thực chất ngày ngày bác sĩ Toán cuốc bộ lên Trạm Y tế xã làm việc…không lương. Còn bác sĩ Nga ngậm ngùi cất y cụ ở nhà trồng rau, nuôi lợn, cấy lúa lo cho cuộc sống gia đình. Vật chất thật thiếu thốn nhưng niềm vui tinh thấn của đôi vợ chồng bác sĩ trẻ được nhân lên gấp bội khi bé trai Hoàng Tuấn Anh ra đời khỏe mạnh, kháu khỉnh.
Thấy vợ chồng bác sĩ Toán quá khó khăn nên người thân đã cho họ vay 10 triệu đồng mua quả đồi bỏ hoang ở Nà Pẹ, các em của bác sĩ Nga ở Lục Ngạn cũng tặng trên 300 gốc vải thiều. Vậy là sau giờ trực, bác sĩ Toán lại lên đồi cuốc đất trồng vải, biến miền đất hoang thành hình hài trang trại mini, bác sĩ Nga ngoài thời gian tình nguyện tham gia đội y tế cộng đồng không lương lại cùng chồng chăm bón vườn vải, nuôi gà để cùng nhau song hành giấc mơ: Làm giàu và giữ nghề y! Năm 1995, cả 2 vợ chồng bác sĩ Toán được ký hợp đồng dài hạn (theo Nghị định 58 của Chính phủ) và hàng tháng được hưởng lương. Sang năm 1996, vụ vải đầu tiên cho quả bán với giá cao đã giúp vợ chồng bác sĩ Nga thu lãi 15 triệu đồng. Bác sĩ Toán tâm sự với chúng tôi: "Khi con nhỏ, làm việc không có lương chỉ mong mình có khoản thu nhập nho nhỏ để hàng tháng đủ tiền mua gạo. Nhưng đúng là khổ tận, cam lai…". 10 năm liên tục, cây vải thiều đã giúp vợ chồng bác sĩ Toán thu về vài chục triệu đồng/năm, trở thành hộ có thu nhập cao ở Minh Tiến.
Ở Trạm nhiều hơn ở… nhà
Mong mãi mới được ký hợp đồng dài hạn nhưng khi tổ chức thấy bác sĩ Toán có năng lực, yêu nghề đã tín nhiệm giao phụ trách Trạm Y tế xã Minh Tiến thì anh lại lo không biết làm thế nào để hoàn thành tốt nhiệm vụ chuyên môn. Bác sĩ Toán kể lại: "Khi tôi được phân công phụ trách Trạm, cơ sở vật chất dột nát, 4 chiếc giường bệnh làm bằng gỗ xiêu vẹo, vài cái xi-lanh, máy đo huyết áp đã cũ. Lúc đó, lãnh đạo Trung tâm Y tế Đại Từ đã động viên tập thể cán bộ và hỗ trợ 500 nghìn đồng để mua một số loại thuốc thiết yếu. Còn cá nhân tôi phải lên kế hoạch kiến thiết lại Trạm, bắt đầu từ những việc nhỏ nhất như đào giếng lấy nước ăn, xây dựng nhà vệ sinh, nhà tắm, nhà bếp phục vụ cho bệnh nhân lưu trú…".
Vợ chuyên khoa nội, chồng chuyên khoa ngoại, cộng thêm sự nhiệt tình của 2 điều dưỡng viên và một số tình nguyện viên nên những việc sự vụ hàng ngày của Trạm nhiều đến mấy cũng được giải quyết. Nhưng điều lo nhất của tập thể cán bộ ở đây là cách xa trung tâm huyện gần 20km, Tỉnh lộ 264 chẳng khác nào dòng suối cạn (giờ đã được trải nhựa) nên mỗi khi có bệnh nhân nặng mọi người lại lo quýnh. Bác sĩ Nga hồi tưởng lại một ca bệnh mà các thầy thuốc ở đây đã "cướp" được bệnh nhân từ tay tử thần trong điều kiện thiếu thốn: "Chục năm rồi nên mình không còn nhớ tên bệnh nhân là gì, hôm đó vừa hết giờ làm buổi chiều có một thanh niên được đưa vào Trạm trong tình trạng nguy kịch vì bị máy đốn chè chém vào đứt phanh bụng, toàn bộ ruột trồi hết ra ngoài. Anh Toán vội vàng lấy băng gạc tẩm nước muối phủ lên phần ruột bị lòi ra, sau đó lấy 1 cái chậu nhựa đã được sát trùng đậy lên bao kín phần ruột, dính lại để cố định, dùng thuốc giảm đau, chống sốc cho bệnh nhân. Sau đó lập tức cử y tá đi theo truyền dịch đưa bệnh nhân xuống Bệnh viện Đa khoa Trung ương Thái Nguyên. Nhờ sơ cứu ban đầu đúng cách nên bệnh nhân này đã được cứu sống".
Thời gian vợ chồng bác sĩ Toán ở Trạm Y tế xã nhiều hơn ở nhà vì khi họ vắng mặt là mọi việc gần như bị đảo lộn. Còn nhớ khi bác sĩ Nga sinh con thứ 2, bác sĩ Toán cứ như con thoi chạy đi, chạy về nên 3 ngày sau đành phải bồng bế con vào ở tạm một phòng trong Trạm để tiện việc khám chữa bệnh cho người dân. Khoảng cách từ Trạm về tới Nà Pẹ cũng khá xa nên vợ chồng bác sĩ Toán đã quyết định làm nhà riêng ra xóm 5 Lưu Quang nhưng 6 năm sau lại một lần nữa phải bán nhà dắt nhau vào Trạm ở vì anh chị hiểu nhiều khi chỉ chậm chốc lát là tính mạng người bệnh đã có thể bị đe dọa.
Mỗi ngày tiếp nhận từ 35 đến 40 bệnh nhân đến từ Minh Tiến và một số vùng của các huyện: Định Hóa, Phú Lương và Sơn Dương (Tuyên Quang) nên buổi sáng các y bác sĩ của Trạm Y tế xã Minh Tiến thường phải làm việc đến 12h trưa, buổi chiều đến 6h tối. Bệnh nhân tuy đông, cường độ làm việc rất lớn nhưng chưa bao giờ họ cáu gắt với bệnh nhân. Bác sĩ Toán bảo: "Để người bệnh tìm đến với Trạm đông như hôm nay thì yếu tố tiên quyết là thái độ phục vụ và tay nghề của người thầy thuốc. Bà con trong xã và các vùng lân cận đến đây đa phần là hộ nghèo nên chúng tôi không thu tiền phí khám bệnh lâm sàng, kê đơn thuốc. Thêm nữa là ở Trạm Y tế Minh Tiến các y bác sĩ đều không được nhận quà biếu của bệnh nhân, không được sử dụng rượu, bia khi làm việc". Chị Nguyễn Thị Hồng, xóm Lưu Quang, xã Minh Tiến chia sẻ: "Mỗi lần tôi và người nhà đến đây khám, chữa bệnh đều được bác sĩ Toán và bác sĩ Nga tận tình chăm sóc. Nhiều lần bác sĩ khám bệnh và kê đơn cho tôi mà không lấy tiền, nhiều khi lại mách cho chúng tôi những bài thuốc nam là các loại cây có ngay tại địa phương để chữa bệnh nên đỡ tốn kém, hiệu quả lại cao. Ở đây bác sĩ Toán và bác sĩ Nga chẳng khác nào người thân của chúng tôi".
Nhiều lần bỏ qua cơ hội về phố!
Chuyện trò đang vui, tôi bất giác hỏi bác sĩ Nga: Minh Tiến là miền đất khó khăn của huyện Đại Từ nên có khi nào anh chị định chuyển công tác về thành phố hay không?
- Năm 1996, đồng chí Giám đốc Sở Y tế Bắc Giang cùng đoàn công tác của Sở Y tế Thái Nguyên đến Trạm làm việc và khi biết tôi là người cùng quê đã mời tôi về Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bắc Giang công tác và hỗ trợ thêm 10 triệu đồng tiền chi phí sinh hoạt ban đầu. Tính đi tính lại, tôi đã không nhận lời vì nơi này có chồng, có con và người bệnh thực sự cần, quý mến tôi. Khoảng năm 2010, đồng chí Giám đốc Trung tâm Y tế Đại Từ cũng đã định điều chuyển vợ chồng tôi lên huyện công tác cho đỡ thiệt thòi nhưng anh Toán xin ở lại và tôi làm theo ý nguyện của chồng. Đến bây giờ vẫn có nhiều cơ sở y tế tuyến tỉnh sẵn sàng tiếp nhận vợ chồng tôi về làm việc nhưng chúng tôi xác định đây là "bến đỗ"…
Bác sĩ Toán thêm lời: Chúng tôi đã gắn bó thời gian dài với bà con nơi đây và chót yêu rừng hơn phố! Nhiều lần bỏ qua cơ hội chuyển về thành phố sinh sống, làm việc nên một số đồng nghiệp vẫn hay tếu vợ chồng tôi là người suy nghĩ lẩn thẩn!
Hơn 20 năm gắn bó và cống hiến với người bệnh ở vùng sâu, vùng xa, vợ chồng bác sĩ Toán, Nga đã nhận được nhiều phần thưởng của địa phương, Trung ương nhưng có lẽ tình cảm của người bệnh dành cho họ mới là thứ quý giá nhất và sự hy sinh của họ giống như những người anh hùng trong thời bình. Chia tay chúng tôi, bác sĩ Nga thông tin: "Cháu Hoàng Tuấn Anh đang theo học tại Trường đại học Y-Dược Thái Nguyên và vợ chồng tôi đều hy vọng sóng sau sẽ cao hơn sóng trước!
Đồng chí Vũ Hoài Nam, Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Đại Từ: "2 vợ chồng bác sĩ Toán đã vượt qua khó khăn, bám trụ ở vùng đặc biệt khó khăn để làm tốt chăm sóc sức khỏe nhân dân. Tập thể cán bộ ở đây đã đoàn kết, xây dựng Trạm Y tế Minh Tiến trở thành đơn vị xuất sắc toàn diện. Chúng tôi rất tự hào và mong 2 bác sĩ này tiếp tục cống hiến nhiều hơn nữa cho công tác chuyên môn".
Đồng chí Trần Quang Tiến, Phó Chủ tịch UBND xã Minh Tiến: "Là cán bộ trẻ của địa phương, tôi rất nể trọng và cảm động trước tinh thần làm việc trách nhiệm, giữ gìn y đức của vợ chồng bác sĩ Toán, bác sĩ Nga. 2 cán bộ này đã góp sức rất lớn vào công tác chăm sóc sức khỏe cho người dân trên địa bàn nên họ xứng đáng là tấm gương sáng để tuổi trẻ Minh Tiến noi theo…".
Đồng chí Trần Văn Huân, Bí thư chi bộ xóm Tân Hợp 1, xã Minh Tiến: "Trạm Y tế xã có 2 bác sĩ nên người dân xóm tôi được nhờ nhiều khi đau ốm. Đặc biệt, một số hộ trong xóm còn có thu nhập thêm từ phát triển dịch vụ, bán hàng ăn uống phục vụ nhu cầu của người nhà bệnh nhân, bệnh nhân ở xa đến đây khám và điều trị bệnh…".