Đường mở từ lòng dân

09:09, 04/03/2013

Xóm 3, xã Phúc Tân nằm cuối đất huyện Phổ Yên, đồng thời tiếp giáp với mảnh đất cuối, kề bãi rác của T.P Thái Nguyên. Đây được xem là xóm nghèo nhất, giao thông khó khăn nhất của huyện Phổ Yên. Vậy nhưng con người ở đây sống cởi mở, nhiệt tình và luôn sẵn lòng giúp đỡ người có hoàn cảnh khó khăn hơn mình.

Bà Dương Thị Liên, Trưởng xóm cho biết: 62 hộ, hơn 200 nhân khẩu của xóm sinh sống nhờ cây chè, cây lúa. Song vì đất đai độc màu gan gà, thiếu nguồn sinh thủy nên đời sống của người dân hết sức khó khăn. Hiện xóm có 2 hộ nghèo, song khó khăn hơn cả là do con đường vào xóm hẹp, lầy lội, trẻ em ngại đi học chữ, người lớn không muốn bước ra đường mỗi khi trời đổ mưa. Cuối năm 2012, xã triển khai chủ trương mở đường, cả xóm ai nấy đều phấn chấn, nhiệt tình tham gia.

 

 

Ông Hà Đăng Ấm, 62 tuổi, 1 trong những công dân đầu tiên về đây lập nghiệp bảo: Chúng tôi về sinh sống ở đây từ những năm đầu thập niên sáu mươi của thế kỷ trước. Cũng từng bấy năm chúng tôi chung sống với con đường chật trội, lầy thụt, nhiều người bị ngã trầy xước hết người. Giờ cao tuổi, song suốt thời gian mở đường, ngày nào tôi cũng tham gia. Còn bà Trần Thị Thanh cho biết: Cũng vì cái lối đi chưa ra hồn, nên cư đã an mà nghiệp chưa có nhà nào được ổn định.

 

Vạch cây xuống đất để vẽ cho tôi xem tổng thể tuyến đường, bà Liên cho biết thêm: Năm 2012, Nhà nước hỗ trợ cho dân 70% kinh phí làm đường, người dân tham gia đối ứng 30%. Theo dự kiến, tuyến đường có chiều dài hơn 1.000m; rộng 5m, đến thời điểm này bà con đã giải phóng xong mặt bằng, dự kiến đầu quý 2 năm 2013, đường sẽ được đổ bê tông, với thiết kế 3m lòng đường, dày 16cm; 2 bên lề đường mỗi bên có 1m làm hành lang…. Giây lát dừng lời, bà Liến tiếp tục câu chuyện: Tuyến đường làm xong, người dân xóm 3 sẽ hết cảnh đi lại trên bùn đất lầy lội. Chúng tôi cũng có nhiều hơn cơ hội giao lưu, phát triển kinh tế, xoá đói giảm nghèo.

 

Qua trao đổi, chúng tôi được biết: Để mở rộng được tuyến đường này, đại diện các đoàn thể trong xóm chia nhau đến từng nhà vận động bà con hiến đất, mở rộng đường. Tổ chức các cuộc họp, phân tích lợi ích do con đường mang lại để người dân cùng hiểu, cùng hưởng ứng tham gia. Ông Hà Đăng Ấm là một trong những người hăng hái nhất. Ông Ấm bảo: Tôi vận động vợ con hiến luôn 720m2 đất dọc theo trục đường. Ngồi cạnh chồng, bà Hà Thị Lan bảo: Nếu cần, gia đình tôi sẽ hiến thêm đất mà không đòi hỏi gì. Vì tôi nghĩ, cứ có cái đường to, nền đổ bê tông mà đi thì ăn sắn cũng sướng. Còn ông Trần Đỗ Động, có hơn 400m2 đất hiến cho xóm làm đường, bảo: Mình mất vài trăm mét vuông đất cũng không nghèo đi, nhưng cái đường nó mang lại lợi ích cho con cháu nhiều đời sau. Ông Hà Đình Lý nói: Đường mở rộng lấy vào của gia đình tôi 150m2, tôi nhất trí hiến liền… Cả xóm 3 hiến được hơn 5.000 m2 đất để mở đường.

 

Chuyện hiến đất làm đường cứ râm ran vui như trong ngày hội. Chưa biết làm đường mỗi hộ sẽ phải tham gia đóng góp bao nhiêu tiền, trước mắt, xóm thống nhất tạm thu 50 nghìn đồng/hộ để thuê máy san ủi mặt bằng. Nhiều người con của xóm đi công tác xa cũng gửi tiền về ủng hộ, như anh Hà Đăng Cường, công tác ở cơ quan Công an T.P Thái Nguyên, ủng hộ 500 nghìn đồng. Anh Bùi Văn Lượng, công tác ở Quân Khu I ủng hộ 900 nghìn đồng. Anh Trần Trọng Trình, công tác ở Hoà Bình, gửi về 200 nghìn đồng… Bà Trần Thị Duyên, thủ quỹ của Ban xây dựng xóm cộng nhẩm: Ngoài 3 triệu đồng đóng góp của người dân trong xóm, còn có gần 2 triệu đồng tiền quyên góp, ủng hộ của các con, cháu đi công tác xa gửi về. Toàn bộ số tiền này được sử dụng vào việc thuê máy ủi san, lấp đất, mở rộng tuyến đường.

 

Do làm tốt công tác tuyên truyền, vận động, nên các hộ trong xóm 3 đã không ngần ngại khi hiến đất và tài sản trên đất để mở rộng tuyến đường. Dự kiến đầu quý 2 năm 2013, đường được đổ bê tông, nhưng ngay những ngày trước và sau Tết Nguyên đán Quý Tỵ, người dân xóm 3 được đi trên con đường mới, rộng rãi, phong quang với niềm hân hoan hạnh phúc.