Giữ chuẩn y tế - bài toán khó

10:40, 14/03/2013

Tính đến hết năm 2010, kết thúc giai đoạn 1 (2001-2010), trên địa bàn T.P Thái Nguyên có 18/28 trạm y tế được công nhận chuẩn Quốc gia về y tế xã. Nhưng thực tế hiện nay nhiều trạm trong số này không còn đáp ứng được các tiêu chí của trạm chuẩn. Để giữ vững chuẩn là bài toán khó của ngành Y tế thành phố.

Để cụ thể hóa Bộ tiêu chí chuẩn Quốc gia về y tế giai đoạn 2001-2010 của Bộ Y tế, năm 2004, UBND T.P Thái Nguyên đã có Đề án số 04-về xây dựng các trạm y tế đạt chuẩn Quốc gia giai đoạn 2005-2010. Nội dung đề án tập trung chủ yếu vào đầu tư cơ sở hạ tầng và trang thiết bị cho các trạm trên địa bàn. Nhờ có sự quan tâm và chỉ đạo sát sao của chính quyền và ngành cấp trên, hệ thống y tế cơ sở trên địa bàn đã có những bước tiến rõ nét. Năm 2005, thành phố đã có 7 xã, phường đầu tiên đạt chuẩn, gồm: Gia Sàng, Tân Cương, Túc Duyên, Tân Long, Phú Xá, Tích Lương và Phúc Xuân. Năm 2006, thành phố có thêm 3 trạm đạt chuẩn là: Phúc Trìu, Quang Vinh và Đồng Bẩm. Đến năm 2010, cũng là năm kết thúc giai đoạn 1, có thêm 11 trạm y tế khác được công nhận chuẩn, nâng tổng số trạm đạt chuẩn Quốc gia về y tế của thành phố lên 18 trạm. Qua 10 năm thực hiện Bộ tiêu chí về xây dựng chuẩn Quốc gia về y tế, hệ thống các trạm y tế ở thành phố đã từng bước củng cố và hoàn thiện, chất lượng khám chữa bệnh và chăm sóc sức khỏe ban đầu cho nhân dân ngày càng được nâng lên. Công tác phòng chống dịch bệnh, vệ sinh an toàn thực phẩm được quan tâm, chú trọng.

 

 

Tuy nhiên sau khi đạt chuẩn, ở nhiều trạm, có tiêu chuẩn không còn đáp ứng được các tiêu chí đã từng được công nhận chuẩn nữa. Ông Trương Bế Thiện, Phó Giám đốc Trung tâm Y tế thành phố cho biết: Mặc dù, 18 trạm vẫn được công nhận là chuẩn Quốc gia về y tế giai đoạn 1 nhưng đến nay để giữ vững những tiêu chí này là rất khó. Lý do, nhiều trạm đã được xây dựng từ lâu song lại không có nguồn vốn để duy tu, bảo dưỡng, dẫn đến cơ sở vật chất bị xuống cấp, có trạm từng có bác sĩ nhưng sau một thời gian bác sĩ lại chuyển đi nơi khác và rất khó có thể tìm được bác sĩ thay thế. Ngay cả ở Trung tâm Y tế của thành phố mấy năm nay cũng không tuyển được bác sĩ vào làm việc.

 

Trạm Y tế phường Phú Xá (T.P Thái Nguyên) được xây dựng năm 2004 và được công nhận chuẩn Quốc gia về y tế năm 2005. Trong quá trình sử dụng cơ sở trạm, do không có kinh phí duy tu, bảo dưỡng nên đến nay toàn bộ khối nhà Trạm đã xuống cấp rất nhiều. Chị Dương Thị Huệ, Phó trưởng Trạm dẫn chúng tôi đi tham quan các phòng làm việc, dễ nhận thấy các bức tường đều bị thấm nước mưa, trần nhà và tường bị loang ố, nhiều chỗ bong tróc ra thành từng mảng, hơn thế nền nhà của Trạm lại thấp hơn hẳn mặt đường nhựa, trời mưa to nước dồn từ đường xuống tràn cả vào trong nhà, toàn bộ bàn ghế và đồ dùng bằng gỗ khác đều bị nước làm cho bong, mục. Chị Huệ thở dài: "Mỗi ngày chúng tôi đón tiếp khoảng trên 20 bệnh nhân nhưng phòng làm việc không đủ, trời mưa to bệnh nhân đến Trạm khám phải lội bì bõm như đi cày". Cũng giống như Trạm Y tế phường Phú Xá, các Trạm Y tế Túc Duyên, Tân Cương cũng lâm vào tình trạng tương tự.

 

Một số trạm khác, tuy không quá khó khăn về cơ sở hạ tầng lại rơi vào tình trạng thiếu các y, bác sĩ theo quy định. Toàn thành phố hiện có 171/182 y, bác sĩ ở các trạm y tế xã, phường. Trong đó hiện có 4 trạm chưa có bác sĩ là: Phúc Hà, Phúc Xuân, Quan Triều và Trưng Vương. Trao đổi với chúng tôi, y sĩ Đỗ Minh Trà, Trạm trưởng Trạm Y tế phường Trưng Vương cho biết: "Chúng tôi lúc nào cũng trong tình trạng thiếu bác sĩ. Năm 2010 Trạm mới được tiếp nhận một bác sĩ ở trạm y tế khác chuyển đến, nhưng đến đầu năm 2012 bác sĩ này cũng lại chuyển đi nơi khác. Tuy đã đạt chuẩn nhưng chúng tôi cũng chưa biết đến khi nào mới có bác sĩ thay thế, ngoài ra vì không được đầu tư tiếp nên Trạm vẫn còn nợ lại một vài công trình phụ trợ như hàng rào nhà Trạm, nhà để xe".

 

Tương tự, Trạm Y tế phường Quan Triều hiện có 5 cán bộ y sĩ và y tá (trong đó 1 y sĩ đang theo học khóa đào tại bác sĩ tập trung - theo quy định Trạm được biên chế 6 cán bộ y, bác sĩ). Thiếu cán bộ, nhất là không có bác sĩ khiến cho công tác khám chữa bệnh gặp rất nhiều khó khăn. Chị Lưu Thị Huệ, y tá của Trạm bày tỏ: "Chúng tôi chủ yếu chuẩn đoán bệnh cho bệnh nhân theo kinh nghiệm. Có khi y sĩ đi công tác, y tá cũng phải "khám bệnh" vì bệnh nhân đến yêu cầu mình không thể từ chối được. Nhiều bệnh nhân bệnh tình tuy không thực sự bị nặng đến mức phải chuyển tuyến nhưng vì không có bác sĩ chẩn trị và theo dõi chúng tôi không thể lường trước được những tai biến có thể xảy đến nên buộc phải chuyển bệnh nhân lên tuyến trên để đảm bảo an toàn cho họ".

 

Trước những khó khăn trên, nếu chính quyền thành phố và ngành Y tế không có biện pháp khắc phục kịp thời thì việc nhiều trạm vẫn sẽ chỉ ở vào mức "chuẩn vớt" (một số trạm đạt chuẩn khi được nợ lại 1 số tiêu chí đến nay vẫn chưa trả được) và tình trạng "chuẩn mà không chuẩn" là điều khó tránh khỏi.