Shisha được biết đến như một chất kích thích “thời thượng” với những người trẻ… dại, những người trẻ tỏ ra mình “cấp tiến” lấy làm ưa chuộng, bất chấp những tác hại khó lường mà nó mang lại.
Hút shisha để đẹp da?
“Hút shisha không hại như thuốc lá đâu, nhẹ lắm. Con gái bọn em cũng thích. Lại còn làm từ trái cây nên rất tốt cho da nữa.” Thùy Linh, 21 tuổi, khẳng định chắc chắn trước ánh mắt nghi ngờ của những người xung quanh.
Shisha là một loại bình cổ cao (thường được làm bằng thủy tinh) có cấu trúc khá đặc biệt, có gắn với một đường ống dùng để hút thuốc lá, khói sẽ được lọc và làm lạnh bằng nước trong bình trước khi vào đường hô hấp của người hút.
Hơi nước từ bình shisha làm dịu bớt khói của thuốc, tạo cảm giác êm ái khi sử dụng khiến người hút có cảm giác yên tâm giả tạo và lầm tưởng rằng hút loại thuốc lá này sẽ không có nhiều tác hại đến sức khỏe.
Cũng giống như Thùy Linh, nhiều người còn cho rằng (hoặc cố ý hiểu rằng) hút shisha có khi còn có lợi cho sức khỏe nhất là làm đẹp (!)
Khói shisha tác hại không khác khói thuốc lá
Theo báo cáo của Tổ chức Y tế Thế giới và Hội ung thư Hoa Kỳ, một người hút shisha trong một giờ có thể hít nhiều gấp 100-200 lượng khói và nhiều hơn 70% nicotine từ một điếu thuốc lá.
Người sử dụng shisha cũng có nguy cơ mắc bệnh răng miệng và ung thư phổi cao gấp 5 lần người không sử dụng.
Hương liệu "hoa quả” được dùng để hút shisha thường là loại hương liệu có chất lượng kém và dễ gây nên những hậu quả nghiêm trọng đến sức khỏe như ảnh hưởng thần kinh, nhức đầu. Người sử dụng sẽ dễ mắc các bệnh về đường hô hấp và thậm chí gây dị ứng mạnh với những người dễ dị ứng với các hóa chất.
"Dân chơi" shisha và những biến tấu khôn lường
Hiện nay, shisha được bán công khai ở các quán bar, các phòng karaoke... và thậm chí nhiều quán càphê cũng cung cấp dịch vụ này để chiều lòng khách hàng.
Giá một bình shisha (không giới hạn số người hút) thường dao động từ 150.000-600.000 đồng. Cá biệt, nhiều nơi có giá rất “sinh viên” chỉ từ 50.000-100.000 đồng.
Do được bán công khai, rộng rãi cùng giá cả “hợp túi tiền” và có thể nhiều người cùng sử dụng nên shisha đã trở thành một chất kích thích lan rộng khắp mọi nơi và được giới trẻ đặc biệt ưa chuộng.
Họ hút shisha để khẳng định cái tôi, để hợp thời, để được coi là sành điệu. Mặc dù như Hoàng Anh, 24 tuổi có nói: “Shisha nhạt lắm, chưa đủ 'đô'. Hút xong chẳng thấy có cảm giác gì lạ cả.”
Cũng bởi shisha “chưa đủ đô,” chưa mang lại nhiều sự kích thích nên các “dân chơi” đã chế vào bình shisha cả bia, rượu, heroin, “cần” (một loại chất kích thích), “kẹo” (ma túy tổng hợp)… với lời giải thích là như thế mới đủ độ “bay.”
Nhiều cơ quan y tế trên thế giới đã khẳng định việc hút shisha thông thường cũng gây hại cho sức khỏe không kém gì thuốc lá, nếu sử dụng cùng ma túy thì nguy hiểm hơn nhiều lần cho người sử dụng.
Phụ huynh lo ngại
Bà Thủy (37 tuổi, Hà Nội) từng hết hồn khi bắt gặp cảnh con trai hút shisha được quay lại trong điện thoại của cậu ta – đang là học sinh lớp 9. Bà liền bắt con đi thử nước tiểu, đến khi có kết quả âm tính mới thở phào nhẹ nhõm.
Sau đó, do không yên tâm nên bà Thủy lập tức dùng mọi hình thức để cấm vận con mình tránh khỏi những cám dỗ của bạn bè. Không khí gia đình bà luôn trong trạng thái căng thẳng.
Một phụ huynh khác - ông Trung, 42 tuổi - từng bị triệu tập lên công an phường sở tại do hành động đập phá ở quán càphê sau khi có người cho biết con ông đang “hút thuốc phiện” (mà thực chất là sử dụng shisha) tại đó.
Các bậc phụ huynh khác cũng khá lo lắng khi shisha có vẻ đang lan rộng với tốc độ đáng ngại. Dù không phải là chất ma túy nhưng "loại hình ăn chơi này" luôn tiềm ẩn nhiều hiểm họa khó lường với con cái họ.
Tại Việt Nam, shisha chưa bị liệt vào danh mục những sản phẩm bị cấm, đồng thời cũng chưa có quy định nào điều chỉnh, can thiệp mạnh mẽ đến việc buôn bán và sử dụng shisha nên cũng khó tránh khỏi việc nhân rộng và phát triển của loại chất kích thích này.
Ông Nguyễn Việt Cường, Chánh thanh tra Sở Y tế Hà Nội cho biết, việc hút, hít một loại khói nào đó với cường độ cao có thể gây hại cho người và việc đốt rượu từ thể lỏng thành thể hơi sẽ có những tác dụng không khác gì việc uống rượu như mất kiểm soát, ức chế thần kinh, trụy tim… Sử dụng các chất gây nghiện như ma túy tổng hợp trong shisha sẽ gây ảo giác, ảnh hưởng nghiêm trọng tới hệ thần kinh và não bộ.