Không lảng tránh, mặc cảm về số phận, trái lại là sự tự tin, cởi mở là những gì tôi cảm nhận ban đầu được khi tiếp xúc với chị Vũ Thị Huyền. Chị không may bị nhiễm HIV từ chồng, nhưng chị đã trụ vững, đối diện với sự thật và vượt qua khó khăn. Giờ đây chị đã có cuộc sống khá giả, đảm bảo cuộc sống cho những người thân yêu: cha già và 2 con nhỏ.
Sinh ra và lớn lên ở xóm Làng Bò 1, xã Phấn Mễ, Phú Lương. Năm 20 tuổi, cũng như bao cô gái đến tuổi "cập kê" khác, chị Vũ Thị Huyền nuôi giấc mộng uyên ương khi xây dựng gia đình cùng anh Phương Văn Chương. Nhưng trớ trêu thay, hạnh phúc giản đơn tưởng rằng bền chặt đã sụp đổ hoàn toàn khi năm 2008, chị phát hiện mình và con trai thứ 2 đã bị lây HIV từ chồng.
Chị Huyền chia sẻ: “Đó là thời điểm khó khăn nhất tôi từng phải trải qua”. Trước đó, anh Chương bị đau bụng nặng, phải đi cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa Phú Lương. Các bác sĩ làm xét nhiệm và phát hiện anh bị nhiễm HIV, chị và con trai út (sinh năm 2006) cũng bị nhiễm HIV. Trong thời gian dài, anh Chương thường xuyên đi làm thuê tại các bãi đá ở Bắc Kạn và khai thác vàng ở Võ Nhai. Từ một người vạm vỡ, khỏe mạnh, anh Chương giảm sút sức khỏe nhanh chóng và mất vào đầu năm 2009. Chị Huyền tâm sự: “Lúc đó, tôi đã trốn tránh, không dám gặp ai cả, nhiều lúc chỉ muốn kết thúc cuộc đời càng nhanh càng tốt. Buồn nhất là sự ghẻ lạnh, lảng tránh của mọi người. Ngay cả nhưng người họ hàng đến nhà chơi cũng không dám uống nước, mình ngồi xuống đâu thì người khác không dám ngồi lại nữa.
“Sau một thời gian hoang mang, tôi đã cố gắng gượng để sống. Đầu tiên là vì trách nhiệm với gia đình với bố chồng già yếu và 2 con nhỏ, hy vọng ngày nào đó sẽ có thuốc chữa khỏi căn bệnh. Hội Nông dân, Hội Phụ nữ xóm cũng thường xuyên đến thăm, động viên, giúp tôi có thêm động lực sống. Kinh tế gia đình gần như cạn kiệt bởi lo tiền chạy chữa và hậu sự cho chồng, công việc buôn bán cũng tạm thời gác lại. Chị Huyền bắt đầu lại bằng việc thế chấp ngân hàng vay 50 triệu đồng mở cửa hàng bán vật liệu xây dựng. Chị nói: Mình vốn ít nên chủ yếu lấy công làm lãi. Để có thêm tiền công, chị không thuê nhân công mà tự bốc dỡ, xúc cát lên xe cho khách hàng. Cảm phục ý chí, nghị lực của chị, số lượng khách đến mua ngày càng đông. Hiện nay, trung bình mỗi tháng, cửa hàng của chị bán ra gần 20 tấn xi măng và vật liệu xây dựng khác.
Không chỉ chăm lo tốt việc nhà, chị Huyền còn tích cực tham gia các hoạt động xã hội. Định kỳ mùng 10 hằng tháng, chị đi xe máy xuống thành phố để sinh hoạt cùng Câu lạc bộ Hoa Hướng Dương. Tại đây, chị được học kiến thức chăm sóc sức khỏe, chia sẻ kinh nghiệm làm ăn và tham gia các hoạt động văn nghệ với những người cùng cảnh ngộ. Cùng với thời gian, sự kỳ thị, xa lánh ở cộng đồng, làng xóm ngày càng giảm. Chị Huyền tiếp tục là hội viên tích cực của Chi hội Phụ nữ và Nông dân xóm. Ông Lương Quang Dân, Bí thư Chi bộ Làng Bò nhận xét: Tuy có hoàn cảnh đặc biệt, nhưng chị Huyền luôn tích tham gia các hoạt động phong trào của xóm, cũng là tấm gương điển hình trong phát triển kinh tế.
Tần tảo lao động, chị Huyền có đủ điều kiện lo được cho 2 con ăn học. Năm 2012, chị đã trả hết nợ ngân hàng và xây dựng được căn nhà mới khang trang. Phát hiện mình nhiễm H được 5 năm nay chị Huyền đã ở tuổi 38 nhưng chị vẫn khỏe mạnh. Chị tâm sự: “Được sống trong môi trường hòa đồng, mọi người thường xuyên động viên, chia sẻ nên tôi không còn bi quan và nghĩ đến cái chết nữa. Tôi nghĩ những người có hoàn cảnh như mình nên chấp nhận sự thật, công khai với cộng đồng để nhận được sự chia sẻ, giúp đỡ của chính quyền, các cộng tác viên, đặc biệt là người thân và những người sống xung quanh. Giấu giếm chính là sự âm thâm hành hạ về thể xác và tinh thần, khiến người bệnh càng thêm đau khổ và bế tắc. Còn thêm được ngày nào, tôi sẽ không quay lưng lại với cuộc đời mà tiếp tục lao động để chứng tỏ mình còn có ích cho xã hội, để lo cho gia đình và các con. Tôi cũng hy vọng cháu nhỏ sẽ tiếp tục được học tập, vui chơi bình thường như bao đứa trẻ khác.