Đang yên đang lành, ông Hoàng Văn Sơn (tổ 1, phường Thịnh Đán, T.P Thái Nguyên) bỗng dưng bị khiếu kiện đòi 819m2 đất mà mình đã mua và sử dụng bấy lâu nay. Người kiện ông là bà Đồng Thị Lan, hàng xóm cũ. Phức tạp hơn, diện tích đất mà bà Lan khiếu kiện còn “đè” lên đất của 4 hộ khác và “nuốt” cả một đoạn đường dân sinh. Trong đó, có 3 hộ đã được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (bìa đỏ).
Năm 1992, ông Sơn mua lại mảnh đất trên của ông Nguyễn Lại Hoàn (cán bộ quân đội về hưu). Việc mua bán giữa 2 bên đã được chính quyền phường Tân Thịnh (trước đây) chứng thực. Hiện, các giấy tờ ông vẫn còn giữ bản gốc, nhưng do hoàn cảnh khó khăn nên ông Sơn chưa xin cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (CNQSDĐ). Đến năm 2010, bỗng nhiên ông Sơn bị bà Lan khiếu kiện cho rằng ông lấn chiếm đất. Bà Lan đã có thời gian là hàng xóm của ông Sơn. Sau khi ly hôn, bà Lan đã chuyển khỏi tổ 1 từ năm 1996, nhưng trước đó, bà Lan lại được cấp mảnh đất có diện tích trên 2.400m2 vào năm 1994. Hiện tại, diện tích đất thể hiện trên bìa đỏ này cũng đang đè nhiều phần đất và nhà của các hộ: bà Nguyễn Thị Thuộc (160,7m2), ông Vũ Văn Bằng (384m2), bà Nguyễn Thị Lầu (4 m2 - những hộ này cũng được cấp bìa đỏ năm 1994) và ông Dương Hữu Phùng (202,9 m2) cùng một đoạn đường dân sinh có từ trước khi các bìa đỏ trên được cấp.
Trước khi “đòi đất” của ông Sơn, bà Lan đã dùng bìa đỏ của mình kiện gia đình ông Phùng. Do chưa có Giấy CNQSDĐ nên năm 2009, qua hai lần tòa xét xử (sơ thẩm và phúc thẩm), gia đình ông Phùng đều bị thua kiện. Nhân đà này, bà Lan tiếp tục đòi đất của gia đình ông Sơn, dẫn đến sự tranh chấp này.
Lật lại vấn đề, sự việc càng xuất hiện nhiều điều khó hiểu. Tại Biên bản họp lấy ý kiến khu dân cư về nguồn gốc thửa đất đang tranh chấp do tổ dân phố 1, phường Thịnh Đán tổ chức ngày 3/12/2011, đại diện những hộ dân tham dự cuộc họp đều khẳng định: việc bà Lan được cấp bìa đỏ đối với mảnh đất trên 2.000m2 là vô lý, có nhiều điều khuất tất. Hơn nữa, con đường dân sinh nằm giữa mảnh đất mà bà Lan được cấp bìa đỏ đã có từ trước những năm 1983. Ông Lê Đức Tớm, Chi hội trưởng Chi hội Người cao tuổi và nguyên là tổ trưởng tổ dân phố 15 cũ (nay là tổ 1, phường Thịnh Đán) khẳng định: Năm 1996, ông đưa cán bộ địa chính đo đạc lại hiện trạng đất tại các hộ dân trong tổ nhưng bà Lan không hề có ý kiến gì.
Bà Đồng Thị Giao (vợ ông Phùng) bức xúc: Sự thực thì bà Lan không có đất. Bà Lan không chứng minh được nguồn gốc thửa đất mà mình đang sở hữu trên giấy mà lại được tòa án xử thắng kiện là điều khó hiểu.
Không chỉ gia đình người thua kiện bức xúc mà nhiều người dân ở đây cũng không đồng tình với phán quyết của tòa án. Do vậy, mặc dù bản án đã có hiệu lực và cơ quan Thi hành án thành phố Thái Nguyên đã đến gia đình ông Phùng yêu cầu thi hành án nhưng không thực hiện được.
Làm việc với UBND phường Thịnh Đán để tìm hiểu vấn đề này, chúng tôi thấy, tại tờ bản đồ 299, năm 1989 thì thửa đất đang tranh chấp là đất đồi hoang, liền thổ. Tại bản đồ địa chính đo vẽ dựa trên căn cứ thực trạng sử dụng đất năm 1996 thì các thổ đất tồn tại nguyên trạng như hiện nay các hộ dân đang sử dụng, có phân chia ranh giới rõ ràng.
Theo ông Nguyễn Hữu Quang, Chủ tịch UBND phường Thịnh Đán thì đây rõ ràng là một sự sai sót trong việc cấp bìa đỏ vào thời điểm năm 1994. Các cấp có thẩm quyền cần xem xét lại nguồn gốc, quá trình cấp bìa đỏ cho bà Lan cũng như các hộ liên quan bởi có sự chồng chéo lên nhau. Phường đã nhiều lần đứng ra tổ chức hòa giải tranh chấp giữa các bên nhưng không thành.
Còn ông Nguyễn Văn Tuệ, Trưởng phòng Tài nguyên – Môi trường thành phố Thái Nguyên cho biết: Thời điểm năm 1994, việc cấp bìa đỏ là do Phòng Nông nghiệp tham mưu cho UBND thành phố, còn hồ sơ gốc để cấp lại do UBND phường hoặc gia đình người được cấp giữ. Hiện nay, Phòng Tài nguyên – Môi trường cũng chỉ có sổ thống kê ghi tên người sở hữu Giấy CNQSDĐ chứ không còn lưu được hồ sơ cấp.
Chúng tôi đưa vấn đề này trao đổi với luật sư Nguyễn Đức Toàn, ông cho rằng: các cơ quan chức năng cần làm rõ được nguồn gốc (hồ sơ cấp giấy CNQSDĐ) thửa đất mà bà Lan đang sở hữu trên giấy. Nếu thấy việc cấp bìa đỏ cho bà Lan là sai thì UBND thành phố chỉ cần ra quyết định thu hồi và thực hiện hủy giấy CNQSDĐ của bà Lan thì sự việc sẽ được giải quyết. Vấn đề là cơ quan có thẩm quyền đứng ra xử lý như thế nào mà thôi.
Còn đối với gia đình ông Sơn, từ ngày bị khiếu kiện đã rất khổ sở, ăn ngủ không yên bởi điều mà ông lo lắng rất có thể sẽ trở thành hiện thực: Đất mình mua, sử dụng bấy lâu nay sẽ mất trong nay mai, giống như gia đình ông Phùng.
Cấp quyền sử dụng đất cho người dân đã có quy định rõ ràng theo Luật Đất đai và các văn bản hướng dẫn dưới luật. Nhưng đối với trường hợp này, việc một mảnh đất mà có nhiều bìa đỏ “dính vào” cộng thêm phần của những chủ nhân khác thì quả thật khó hiểu, trái với quy định của pháp luật. Được biết, hiện nay, việc tranh chấp đất đai giữa bà Lan và ông Sơn đang được Tòa án nhân dân tỉnh thụ lý, giải quyết. Mong rằng, sự việc sớm được làm sáng tỏ, hợp tình, hợp lý, được nhiều người dân đồng tình, ủng hộ, tránh kiện tụng, tranh chấp kéo dài.