Niềm tin cho người được bào chữa, bảo vệ

08:55, 16/03/2013

Không chỉ giữ vai trò là một kênh thông tin hiệu quả trong việc truyền tải pháp luật, bảo đảm quyền được trợ giúp pháp lý của người dân, đặc biệt là người dân ở vùng sâu, xa, vùng đặc biệt khó khăn, Trung tâm Trợ giúp pháp lý tỉnh (TGPL) còn góp phần thực hiện quyền được bảo vệ của các tội phạm tuổi vị thành niên và các đối tượng khác (theo quy định) trong các vụ án hình sự.

Bằng những chuyến TGPL lưu động, tư vấn pháp luật, tham gia tố tụng, những năm qua, Trung tâm TGPL tỉnh đã trở thành địa chỉ tham vấn pháp luật tin cậy của nhân dân. Bên cạnh đó, Trung tâm TGPL tỉnh còn có vai trò cử người đại diện hợp pháp của những bị can, bị cáo ở độ tuổi vị thành niên và các đối tượng khác (theo quy định của pháp luật) trong các vụ án hình sự để bào chữa, bảo vệ. Từ năm 2007 đến nay, các trợ giúp viên pháp lý và các luật sư là cộng tác viên đã tham gia TGPL miễn phí cho gần 500 vụ án hình sự theo quy định của Luật TGPL.

 

 

Đối tượng được TGPL phần lớn là người chưa thành niên vi phạm pháp luật, bị Viện Kiểm sát Nhân dân truy tố về các tội danh như: trộm cắp tài sản, cố ý gây thương tích, gây rối trật tự công cộng, cướp giật tài sản, tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội, giết người, hiếp dâm… Đây là một trong những loại tội phạm đang có chiều hướng gia tăng trong những năm trở lại đây. Tuy nhiên, do người chưa thành niên phát triển chưa đầy đủ về thể chất và tâm sinh lý, trình độ nhận thức và kinh nghiệm sống còn hạn chế, dễ bị kích động, lôi kéo, không làm chủ được hành động, cảm xúc… dẫn đến phạm pháp. Là những người phạm pháp thì phải nhận hình phạt thích đáng theo quy định của pháp luật, nhưng đối với những người ở tuổi vị thành niên thì việc giáo dục, giúp họ nhận ra lỗi lầm, biết hối cải, sớm trở lại hòa nhập với cuộc sống còn quan trọng hơn. Do đó, có người đại diện hợp pháp đứng ra bảo vệ cho họ cũng là điều cần thiết, có ý nghĩa xã hội sâu sắc.

 

Vụ án “Cố ý gây thương tích” do người chưa thành niên phạm tội xảy ra ở huyện Đại Từ là một ví dụ. Vụ án được Tòa án nhân dân huyện Đại Từ xét xử (vào đầu năm 2013) với 3 bị cáo. Trong đó có bị cáo Nguyễn Văn M. 16 tuổi (trú tại xã Hùng Sơn, Đại Từ) đang là học sinh được Trung tâm TGPL cử trợ giúp viên pháp lý (TGV) Vũ Văn Chính tham gia bào chữa. Với trách nhiệm của người bảo vệ, TGV đã đưa ra những tình tiết giảm nhẹ hình phạt (như: hoàn cảnh gia đình khó khăn, không có lao động, phạm tội do bị lôi kéo, thành khẩn, biết ăn năn…) đề nghị Hội đồng xét xử tuyên cho bị cáo M. được hưởng mức án thấp nhất của khung hình phạt (12 tháng tù, cho hưởng án treo). Đề nghị đã được Hội đồng xét xử chấp nhận.

 

TGV Vũ Văn Chính cho biết: mục đích chính của việc TGPL là tuyên truyền, phổ biến pháp luật đến nhân dân, giúp người lầm lỗi, biết hối cải có cơ hội sớm được trở lại với cuộc sống và sống có ích. Ở mỗi vụ án, các luật sư, TGV thường tiếp xúc nhiều lần với các bên liên quan, phân tích đúng sai, lợi hại, công tác tư tưởng… nên các vụ án có tỷ lệ kháng cáo rất thấp.

 

Tương tự, trong vụ “Cố ý gây thương tích dẫn đến chết người” tại xóm Làng Ngõa, xã Tân Thịnh (Định Hóa), qua phần tranh tụng, TGV đã góp phần làm sáng tỏ và giúp Hội đồng xét xử đánh giá đúng tính chất của bản án. Người bị hại là anh Nguyễn Phúc T. đối tượng nghiện ma túy, bị công an viên, thôn đội trưởng và một số người khác đánh trọng thương dẫn đến tử vong. Vụ án tuy đã được Tòa án Nhân dân huyện Định Hóa đưa ra xét xử sơ thẩm (vào giữa năm 2012), nhưng các bị cáo chỉ bị tuyên phạt từ 30 đến 36 tháng tù, được hưởng án treo. Bản án trên đã không làm phía bị hại chấp nhận, gây xôn xao dư luận. Trung tâm TGPL tỉnh đã cử luật sư Nguyễn Đức Toàn tham gia tố tụng để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho phía bị hại. Luật sư đã hướng dẫn đại diện thân nhân người bị hại viết đơn kháng cáo theo quy định của pháp luật, đồng thời tham gia tranh tụng tại phiên xét xử sơ thẩm. Bằng những luận cứ, luận chứng xác đáng, luật sư đã góp phần làm rõ nguyên nhân, hành vi phạm tội, vai trò của từng bị cáo và đề nghị Tòa xử tù giam đối với người phạm tội cũng như sự thỏa thuận bồi thường giữa các bên. Ý kiến tranh luận của luật sư đã được Hội đồng xét xử chấp nhận. Cuối cùng, các bị cáo đã phải chịu mức án từ 3 đến 5 năm tù giam. Bản án đã đánh giá đúng tính chất nguy hiểm của sự việc, đặc biệt đối với người được chính quyền và nhân dân giao nhiệm vụ bảo vệ an ninh trật tự tại xóm, xã nhưng không tuân thủ theo quy định của pháp luật mà còn kích động người khác phạm tội.

 

Nói về hoạt động này, bà Vũ Thị Lệ Hằng, Giám đốc Trung tâm TGPL tỉnh cho biết: Để bảo đảm quyền của thân chủ, trong từng vụ án, sau khi được cử, trợ giúp viên pháp lý, luật sư có trách nhiệm phối hợp với các cơ quan tiến hành tố tụng để theo dõi, nghiên cứu hồ sơ từ quá trình khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử. Trong quá trình thực hiện, nếu phát hiện có vi phạm về thủ tục tố tụng, họ có quyền gửi văn bản kiến nghị đến các cơ quan tiến hành tố tụng yêu cầu làm rõ. Bởi vậy, người được bảo vệ luôn có cảm giác an toàn khi được Trung tâm cử người “bảo lãnh”. Hiện nay, Trung tâm có 5 trợ giúp viên pháp lý và ký hợp đồng với 21 cộng tác viên là các luật sư có uy tín đang hoạt động trên địa bàn tỉnh.

 

Tuy nhiên, do trình độ nhận thức của phần lớn người được TGPL còn hạn chế, thậm chí có người không biết chữ hoặc nói tiếng phổ thông nên việc tiếp xúc, hướng dẫn đối tượng nhiều lúc gặp khó khăn. Có vụ việc, TGV không được tham gia các hoạt động tố tụng từ đầu. Đây cũng là một khó khăn của công tác TGPL trong các vụ án. Bên cạnh đó, chế độ, chính sách cho TGV trong thực hiện nhiệm vụ vẫn còn thấp, họ cần được quan tâm hơn, hỗ trợ nhiều hơn  - bà Hằng chia sẻ.