NuiPhao Mining: Chưa có lợi nhuận vẫn làm tốt trách nhiệm xã hội

15:34, 30/03/2013

Gần 10 tỷ đồng là số tiền mà Công ty TNHH Khai thác Chế biến khoáng sản Núi Pháo (NuiPhao Mining) đã hỗ trợ trong các chương trình cộng đồng, an sinh xã hội trong vùng ảnh hưởng của Dự án. Trước những việc làm ý nghĩa, thiết thực, thể hiện trách nhiệm cao, NuiPhao Mining lọt vào danh sách 50 doanh nghiệp tiêu biểu trong cả nước thực hiện tốt trách nhiệm an sinh xã hội và phát triển cộng động giai đoạn I/2013, được tôn vinh vào trung tuần tháng 3 tại Nhà hát lớn Hà Nội.


Ông Vũ Hồng, Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH Khai thác Chế biến khoáng sản Núi Pháo: Là doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực khai thác, chế biến khoáng sản, mục tiêu mà NuiPhao Mining phấn đấu là trở thành hình mẫu tiêu biểu về khai thác khoáng sản tại Việt Nam và trên thế giới. NuiPhao Mining đã xây dựng và thực hiện tốt các cam kết về tuân thủ các chính sách của Việt Nam và các chuẩn mực quốc tế về bồi thường - tái định cư, chính sách về tuyển dụng và phát triển nguồn nhân lực, các chính sách về an toàn lao động và bảo vệ môi trường…. Công ty có các bộ phận chuyên trách để giám sát và thực hiện việc tuân thủ các cam kết này.

Trong khoảng thời gian khá dài (hơn 7 năm), Công ty TNHH Khai thác Chế biến khoáng sản Núi Pháo (NuiPhao Mining) ở trong giai đoạn đầu tư, chưa khai thác sản phẩm, chưa có lợi nhuận, nhưng không một lúc nào (kể cả trong giai đoạn khó khăn nhất khi phải đối mặt với ảnh hưởng của khủng hoảng kinh tế toàn cầu, thay đổi nhà đầu tư…), NuiPhao Mining lơ là trách nhiệm với cộng đồng trong vùng Dự án. Điều đó được minh chứng sống động bằng những việc làm và hành động thiết thực, cụ thể chứ không chỉ trên giấy tờ hay lý thuyết suông.

 

Tiền đền bù được trả tới tận tay những người dân bị ảnh hưởng đúng quy định; những căn hộ tái định cư được xây dựng đảm bảo chất lượng; người dân đồng thuận bàn giao mặt bằng cho Dự án, không thắc mắc, khiếu kiện… là có thể coi NuiPhao Mining đã làm xong phần trách nhiệm. Nhưng NuiPhao Mining không làm vậy, mong muốn lớn hơn là những người dân trong vùng Dự án có được cuộc sống ít nhất là bằng hoặc hơn nơi ở cũ, ổn định và phát triển bền vững. Nên hai từ "trách nhiệm" không chỉ dừng ở đó, những cuộc hội thảo, tư vấn về việc làm, về cách sử dụng tiền đền bù đúng mục đích đã liên tục được tổ chức tại các xã trọng điểm vùng Dự án như Hà Thượng, Hùng Sơn, Tân Linh… để nâng cao nhận thức cho người dân, cung cấp thông tin nhiều chiều và góp phần định hướng cho người dân biết mình cần phải làm gì và không nên làm gì để tránh những rủi ro khi sử dụng đồng vốn; chọn lựa việc làm phù hợp với điều kiện, khả năng của bản thân và gia đình khi ruộng đất không còn.

 

Không chỉ có vậy, NuiPhao Mining đã tích cực tạo ra nhiều cơ hội tối ưu trong chính sách tuyển dụng lao động vào làm việc cho Dự án. Những người chưa đủ khả năng tay nghề, được hỗ trợ kinh phí để đi tập huấn, đào tạo ngắn hạn, dài hạn, thậm chí là tuyển chọn một số lao động sang nước ngoài để học tập, đào tạo về phục vụ cho Dự án. Hiện nay, số lao động được tuyển dụng vào làm việc cho Dự án và các nhà thầu đã lên đến con số gần 1.000 người, chưa kể số học viên đưa đi đào tạo tuyển khoáng, hàn điện cơ khí ( 230 người).

 

Hơn thế, đối tượng được quan tâm, tạo điều kiện về việc làm không chỉ là những thanh niên trong độ tuổi lao động mà có cả phụ nữ, người cao tuổi, người khuyết tật, người dân tộc thiểu số… Thông qua các chương trình phục hồi kinh tế, chương trình về Giới… những người có nguyện vọng, nhu cầu đều có thể nắm bắt được cơ hội để được làm việc và vươn lên thoát nghèo bền vững. NuiPhao Mining đã triển khai tới gần 20 chương trình phục hồi kinh tế để người dân có thể lựa chọn những mô hình phù hợp (chăn nuôi nhím, cải tạo chè, trồng nấm, trồng su su…). Đành rằng, có mô hình thành công, có mô hình thất bại, nhưng cái được lớn nhất là thông qua đó đã làm thay đổi tư duy, nhận thức của người nông dân trong việc chọn ngành, chọn nghề và thích ứng với phương thức sản xuất mới.

 

 Về vấn đề này, ông Trương Mạnh Kiểm, Phó Chủ tịch UBND huyện Đại Từ thẳng thắn thừa nhận: Thông qua việc triển khai các mô hình kinh tế, tạo việc làm cho người nông dân, NuiPhao Mining đã cho chúng tôi một bài học rất lớn để triển khai các đề án về việc làm của huyện. Dự án Núi Pháo đã làm được những việc mà chính chúng tôi cũng chưa làm được, đó là thay đổi về nhận thức và tư duy của người nông dân trong việc sản xuất hàng hóa theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Tôi nghĩ, Dự án Núi Pháo là một trong rất ít doanh nghiệp của tỉnh, thậm chí trong cả nước làm được những việc này. Họ rất có trách nhiệm đối với người dân trong vùng bị ảnh hưởng từ việc hỗ trợ xây dựng cơ sở hạ tầng, đào tạo nghề, giải quyết việc làm đến thăm hỏi, tặng quà các đối tượng chính sách, người có công, người nghèo… nhân các ngày lễ, Tết trong năm. Một điều đáng ngợi khen nữa là các chương trình giải quyết việc làm không chỉ giới hạn trong Công ty mà NuiPhao Mining đã liên kết với các doanh nghiệp khác để tạo điều kiện giải quyết việc làm cho lao động địa phương, như liên kết với nhà đầu tư Đài Loan xây dựng xưởng nấm ở xóm 2, xã Hùng Sơn… Những việc làm này đã tạo dựng cho chúng tôi và người dân sự tin tưởng, chúng tôi hy vọng những việc làm tốt đẹp đó sẽ tiếp tục được phát huy tích cực hơn trong thời gian tới khi Nhà máy chính thức đi vào hoạt động.

 

Những vùng đất khi người dân bàn giao cho Dự án được san gạt, tạo mặt bằng không chỉ để xây nhà máy, công xưởng…, mà song hành với đó là những khu dân cư hiện đại, tiện ích được xây dựng khang trang, bề thế; là trường học, trạm xá, đường dân sinh, nghĩa trang, nhà thờ… được hỗ trợ để xây mới, cải tạo, mở rộng  làm thay đổi diện mạo những vùng quê thuần nông. Bên cạnh đó, yếu tố bảo vệ môi trường luôn được quan tâm, chú trọng. Các yếu tố tác động vào môi trường như không khí, nguồn nước, khói bụi, tiếng ồn… luôn được tính toán và lường trước một cách kỹ lưỡng và bài bản. Dự án trồng 50 ha rừng đã được khởi động, khu xử lý nước thải được xây dựng ở các khu tái định cư; thảm cỏ, cây xanh được trồng bao bọc, xung quanh khu vực nhà máy…

 

 

 

NuiPhao Mining hỗ trợ xóm 16, xã Hùng Sơn làm đường bê tông

 

Đánh giá về trách nhiệm xã hội của NuiPhao Mining đối với xã Hùng Sơn (một trong những địa phương bị ảnh hưởng bởi Dự án), ông Đỗ Đăng Khoa, Chủ tịch UBND xã cho rằng: NuiPhao Mining đã quan tâm đến những hộ dân trong vùng ảnh hưởng về việc làm, tái định cư, hỗ trợ xây dựng cơ sở hạ tầng, bảo môi trường… Tuy nhiên, còn một số cam kết cần phải được thực hiện theo đúng thời gian, tránh sự hiểu lầm đáng tiếc từ một bộ phận người dân, làm ảnh hưởng tới uy tín của Công ty. Còn chị Đỗ Thị Lịch, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Hà Thượng cho biết: Dù Công ty chưa đi vào sản xuất nhưng đã làm tốt trách nhiệm xã hội với cộng đồng dân cư bị ảnh hưởng bởi Dự án. Tôi cũng đã nghe được rất nhiều ý kiến phản hồi tích cực từ phía những người dân. Đối với Trường Tiểu học Hà Thượng, NuiPhao Mining đã hỗ trợ xây dựng 8 phòng học 2 tầng; tổ chức các chương trình tuyên truyền về môi trường; hỗ trợ sách, truyện cho thư viện…