Phát triển nguồn nhân lực kế toán, kiểm toán ngang tầm với các nước trong khu vực

08:37, 20/03/2013

Tại Quyết định số 480/QĐ-TTg ngày 18/3, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược kế toán – kiểm toán đến năm 2020, tầm nhìn 2030, trong đó đặt ra mục tiêu: phát triển mạnh nguồn nhân lực trong lĩnh vực kế toán, kiểm toán ngang tầm với các nước phát triển trong khu vực cả về số lượng và chất lượng.

Theo Chiến lược, kế toán – kiểm toán là công cụ quản lý kinh tế quan trọng có chức năng tạo lập hệ thống thông tin về kinh tế - tài chính - ngân sách phục vụ cho việc điều hành và quyết định kinh tế của Nhà nước cũng như của mỗi đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp. Vì vậy, cần nâng cao chất lượng thông tin; đồng thời tạo lập đầy đủ hệ thống thông tin kế toán – kiểm toán.

 

Với quan điểm đó, Chiến lược vạch ra những mục tiêu tổng quát:

 

Tạo lập một hệ thống kế toán, kiểm toán hoàn chỉnh, phù hợp với cơ chế quản lý của Nhà nước Việt Nam và phát triển nghề nghiệp kế toán, kiểm toán khu vực và thế giới nhằm thỏa mãn yêu cầu thông tin cho quản lý, điều hành và kiểm kê, kiểm soát các nguồn lực của nền kinh tế, các hoat động kinh tế - tài chính của đất nước.

 

Xây dựng và phát triển một hệ thống khuôn khổ pháp lý về kế toán, kiểm toán trên cơ sở nghiên cứu, tiếp thu về cơ bản các thông lệ quốc tế vào điều kiện cụ thể của Việt Nam, tạo môi trường pháp lý đầy đủ, chặt chẽ, phù hợp để thúc đẩy hoạt động kế toán, kiểm toán phát triển, đồng thời để quản lý chặt chẽ, nâng cao chất lượng, đạo đức nghề nghiệp.

 

Nâng cao vai trò và năng lực quản lý Nhà nước về kế toán, kiểm toán, đẩy mạnh quản lý, giám sát hoạt động kế toán, kiểm toán; kiểm tra, giám sát thực thi pháp luật về kế toán, kiểm toán cũng như hoạt động hành nghề kế toán, kiểm toán; đồng thời với việc đẩy mạnh hoạt động của các tổ chức nghề nghiệp về kế toán, kiểm toán nhằm thúc đẩy quản lý nghề nghiệp, hỗ trợ phát triển thị trường dịch vụ kế toán, kiểm toán.

 

Tăng cường quan hệ, hợp tác với các tổ chức quốc tế về kế toán – kiểm toán, tạo lập mối liên hệ chặt chẽ, thừa nhận lẫn nhau giữa Việt Nam và các nước trong khu vực, trên thế giới.

 

Một trong những giải pháp chính của Chiến lược, đó là xây dựng, ban hành chuẩn mực kế toán và kiểm toán của Việt Nam phù hợp với thông lệ quốc tế và điều kiện của Việt Nam. Cụ thể:

 

Đối với lĩnh vực kế toán, cập nhật và xây dựng mới các chuẩn mực kế toán doanh nghiệp. Trong đó giai đoạn 2012 – 2015 hoàn thành cập nhật 26 chuẩn mực kế toán đã ban hành; giai đoạn 2016 – 2020 xây dựng và ban hành đầy đủ các chuẩn mực kế toán còn lại, đồng thời xem xét hướng dẫn việc áp dụng chuẩn mực đối với các doanh nghiệp hoạt động đặc thù.

 

Đối với lĩnh vực kiểm toán độc lập, đánh giá việc áp dụng 37 chuẩn mực kiểm toán mới (ban hành thực thi từ năm 2013); trong giai đoạn 2013 – 2015 nghiên cứu cập nhật bổ sung các chuẩn mực kế toán còn lại; giai đoạn 2016 – 2020 tiếp tục cập nhật chuẩn mực kiểm toán quốc tế, đảm bảo tuân thủ chuẩn mực kiểm toán quốc tế.

 

Chiến lược cũng xác định cần phát triển thị trường dịch vụ kiểm toán, kế toán. Theo đó, chỉ đạo các đối tượng thuộc diện bắt buộc kiểm toán báo cáo tài chính thực hiện cơ chế kiểm toán; khuyến khích mở rộng các đối tượng thực hiện kiểm toán độc lập nhằm nâng cao tính công khai, minh bạch các hoạt động kinh tế, tài chính; mở rộng quy mô số lượng và chất lượng các doanh nghiệp kiểm toán độc lập, các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ kế toán thông qua hoàn thiện cơ chế và điều kiện hành nghề; tăng cường đội ngũ kiểm toán viên và tăng cường kiểm tra chất lượng dịch vụ kế toán, kiểm toán;…

 

Ngoài ra, Chiến lược còn đưa ra một số nhóm giải pháp thực hiện khác như: hoàn thiện các văn bản pháp luật về kế toán, kiểm toán; tăng cường kiểm tra, giám sát thực thi pháp luật, chuẩn mực, chế độ kế toán và kiểm toán; củng cố tổ chức bộ máy cơ quan quản lý nhà nước về kế toán, kiểm toán; đẩy mạnh sự phát triển các tổ chức nghề nghiệp trong lĩnh vực kế toán, kiểm toán trong nước trở thành tổ chức tự quản; tăng cường mở rộng quan hệ, hợp tác quốc tế, nâng cao vị thế của kế toán, kiểm toán Việt Nam.