Tăng cường quản lý thị trường mũ bảo hiểm

08:42, 13/03/2013

Theo số liệu công bố tại Hội thảo chuyên đề về chất lượng mũ bảo hiểm (MBH) cho người đi xe mô tô và xe gắn máy được tổ chức vừa qua tại Hà Nội, có đến 80% MBH đang lưu hành trên thị trường Việt Nam không đạt tiêu chuẩn. Đối với tỉnh Thái Nguyên, thực trạng MBH không đảm bảo chất lượng lưu thông trên thị trường cũng khá phổ biến và đây cũng là một trong các nguyên nhân khiến số người bị thương và tử vong cao trong nhiều vụ tai nạn giao thông do mô tô, xe gắn máy gây ra.

Để siết chặt quản lý thị trường MBH, ngày 8/3/2013, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 04 về việc tăng cường quản lý sản xuất, kinh doanh và sử dụng MBH khi tham gia giao thông. Thực hiện Chỉ thị này, tại Thái Nguyên, lực lượng quản lý thị trường (QLTT) đang tập trung kiểm tra và xử lý mạnh đối với MBH “rởm”. Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Tiến Hoàn, Chi cục trưởng Chi cục QLTT tỉnh cho biết: “Chi cục đã có văn bản chỉ đạo các đội QLTT xây dựng kế hoạch cụ thể theo từng địa bàn quản lý và phối hợp với các ngành chức năng liên quan tiến hành kiểm tra quyết liệt đối với mặt hàng MBH không đảm bảo chất lượng. Theo đó, sẽ kiểm tra về tem, nhãn, nguồn gốc xuất xứ và quy định về niêm yết giá. Tất cả các sản phẩm vi phạm một trong các điều kiện trên sẽ bị tạm giữ để xử lý theo quy định”.

 

 

Sáng 11/3, chúng tôi có mặt tại một địa điểm kinh doanh MBH trên đường Lương Ngọc Quyến - nơi Đội QLTT thành phố đang tổ chức kiểm tra và thu giữ mặt hàng này. Anh Trần Khánh Phương, Đội Phó Đội QLTT thành phố cho biết: “Đội đã xây dựng kế hoạch số 33 và được Chi cục QLTT tỉnh phê duyệt. Theo đó, từ ngày 11/3, Đội thành lập 4 tổ đi kiểm tra đồng loạt các cửa hàng bán MBH trên địa bàn. Qua kiểm tra cho thấy, đa số MBH vi phạm về tem, nhãn và không có hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc xuất xứ. Nhiều chủ cửa hàng biện minh đó là mũ thời trang nên có thể đội đầu đi bộ… nhằm gây khó khăn cho lực lượng kiểm tra nhưng khi yêu cầu xuất trình giấy tờ chứng minh nguồn gốc sản phẩm thì lại không có nên chúng tôi đã tạm giữ theo quy định. Trong một buổi sáng Đội đã kiểm tra và tạm giữ được gần 1.000 MBH vi phạm. Nhưng việc kiểm tra chỉ dừng lại trong buổi sáng vì buổi chiều các chủ cửa hàng đã thông báo cho nhau tẩu tán hàng nhằm tránh sự phát hiện của cơ quan chức năng. Do đó, để chiến dịch truy quét MBH “rởm” đạt hiệu quả, chúng tôi sẽ tiến hành các biện pháp nghiệp vụ gây yếu tốt bất ngờ trong quá trình kiểm tra, đồng thời sẽ bàn giao địa bàn cho các cán bộ phụ trách để bám sát, quản lý không để phát sinh trở lại”. Mặc dù khá tiếc 450 MBH bị tạm giữ nhưng anh Vũ Trường Long, chủ cửa hàng bán MBH tại số 30, đường Lương Ngọc Quyến (T.P Thái Nguyên vẫn khẳng định: “Đúng là mũ bảo hiểm “rởm” không an toàn cho người sử dụng nhưng do nhiều người dân hỏi mua loại mũ này nên tôi mới nhập hàng về bán. Nay Nhà nước cấm, tôi sẽ không bán nữa mà chuyển sang loại mũ đạt quy chuẩn CR. Tôi mong các cơ quan chức năng đã cấm là phải cấm đồng loạt để người tiêu dùng chuyển sang mua loại mũ chuẩn và đảm bảo sự công bằng cho các hộ kinh doanh mặt hàng này”. 

 

Việc thực hiện Chỉ thị 04 của Chính phủ trên địa bàn đã nhận được sự đồng tình của nhiều người dân. Ông Đinh Hồng Thanh, tổ 2, thị trấn Hương Sơn (Phú Bình) chia sẻ: “Tháng 6/2012, con trai tôi bị tai nạn xe máy, cũng may là cháu đội mũ bảo hiểm đúng quy chuẩn nên vùng đầu chỉ bị thương nhe, nếu hôm đó cháu đội mũ bảo hiểm “rởm” thì không biết hậu quả sẽ như thế nào. Do đó, tôi rất đồng tình với Chỉ thị này của Chính phủ. Tuy nhiên, tôi có đề nghị mẫu MBH hợp chuẩn phải có cả phần bảo vệ vùng cằm vì hiện nay nhiều mũ đạt tiêu chuẩn nhưng chỉ bảo vệ được vùng gáy”. Cùng quan điểm trên, chị Nguyễn Thị Hằng, tổ 1, phường Quang Vinh (T.P Thái Nguyên) cho rằng: “MBH thời trang tuy rẻ những cũng rất dễ vỡ, không an toàn, mình đội mũ là để bảo vệ mình chứ không phải để đối phó với lực lượng chức năng nên gia đình tôi kiên quyết không dùng loại MBH kém chất lượng”.

 

Theo ông Trương Việt Hùng, Chánh Văn phòng Ban ATGT tỉnh: “Qua thống kê có đến 70% số vụ tai nạn giao thông trên địa bàn liên quan tới mô tô và xe gắn máy. Trong đó, tỷ lệ bị chấn thương sọ não, tử vong hoặc mang di chứng nặng nề là rất cao nên người dân khi mua MBH hãy chọn loại mũ đạt tiêu chuẩn để bảo vệ an toàn cho chính bản thân chứ không phải là để đối phó với cơ quan chức năng”.

 

Hiện nay, vẫn còn nhiều người dân, đặc biệt là các bạn trẻ “thích” loại MBH “rởm” bởi giá vừa rẻ lại đẹp. Có “cung” ắt có “cầu” nên để việc thanh loại MBH “rởm” trên địa bàn đạt hiệu quả, không chỉ cần sự vào cuộc quyết liệt của lực lượng chức năng mà quan trọng hơn cả vẫn là ý thức của người dân trong việc lựa chọn sản phẩm mũ đảm bảo an toàn cho chính mình và người thân.