Tẩy chay mũ bảo hiểm giả: Bắt đầu từ nhận thức người dân

08:41, 13/03/2013

Phạt hay không phạt người đi xe máy đội mũ mà không phải là mũ bảo hiểm (MBH) hoặc mũ giả? Làm sao để dẹp được việc bán các loại mũ giống MBH tràn lan trên vỉa hè và giúp người dân nhận biết được về một chiếc MBH dùng cho xe máy...? Các vấn đề giờ đây đã khá rõ khi cơ quan chức năng vào cuộc.

Bước ngoặt của thị trường MBH

 

Dạo qua một vòng các cửa hàng bán MBH dọc đường phố Huế, không khí mua bán trở nên chùng xuống, các chủ hàng nhìn nhau ngán ngẩm. Mấy ngày gần đây, lực lượng quản lý thị trường đi kiểm tra phát hiện MBH ở đây không đạt chuẩn thì khách vắng bóng hẳn.

 

Một chủ cửa hàng trên phố Huế thở dài ngao ngán: “Trước đây chúng tôi cũng nhập MBH xịn về nhưng bán không được, trong khi loại mũ có giá 30.000 – 40.000 đẹp hơn, nhẹ hơn lại rất đắt khách. Bây giờ không biết xử lý sao với đống hàng tồn này. Ế ẩm lắm, mấy hôm nay có khách nào vào mua hàng đâu”.

 

Ngay gần đó, cửa hàng MBH Osaka phố Huế lại tấp nập khách mua. Anh Vũ Đức Minh, (Gia Lâm – Hà Nội) đưa vợ đi mua MBH ngay khi nghe thông tin sắp tới sẽ xử phạt người đội MBH giả. “Tôi sợ đến sát ngày giá mũ bảo hiểm sẽ tăng cao cho nên phải đi mua trước. Trước đây tôi dùng mũ ba mươi nghìn một cái vì nó nhẹ đầu hơn, chứ mấy cái mũ này đội nặng đầu lắm. Bây giờ thì phải dùng thôi, bị phạt có khi lại bằng tiền mấy cái mũ xịn” – anh Minh cho biết.

 

Ngay trong ngày 10-3, khi đi khảo sát một vài khu vực như Cầu Giấy, Khâm Thiên, Xã Đàn… nhóm phóng viên nhận thấy hầu như đã không còn cảnh những mẹt, thúng “mũ thời trang” bày bán trên các vỉa hè. Thay vào đó, các cửa hàng bán MBH chính hãng lại tấp nập người vào ra.

 

Tại cửa hàng 91 Trương Định, quận Hại Bà Trưng, trước đây một ngày chỉ bán được 10-15 mũ nhưng bây giờ bán 50-70 mũ/ ngày. Hay như cửa hàng Như Mai – 506 Xã Đàn, từ chỗ một ngày 40-50 mũ, bây giờ bán được 130-150 mũ. Một số đại lý lớn trên đường phố Huế, Nguyễn Trãi sản lượng bán ra tăng từ ba đến năm lần.

 

Theo ông Trần Thuận Thành - Trưởng Phòng kinh doanh Khu vực Miền Bắc, Công ty Chí Thành - sản xuất MBH cho biết tình hình tại các cửa hàng bán mũ trở nên rất sôi động, năng suất tiêu thụ hàng ngày tăng lên bốn đến năm lần. Nhiều nhà phân phối đã tìm đến công ty để đặt mua MBH đạt chuẩn, mặt hàng vốn trước đây họ không mấy mặn mà. Ngoài ra, người dân cho đây là cơ hội kinh doanh tốt nên đã đăng ký làm nhà phân phối đối với công ty. Đơn đặt hàng cho công ty đã gia tăng từ 500-600 %.

 

Sự chuyển biến tích cực trên thị trường MBH đang là một kết quả đáng mừng kể từ khi các lực lượng chức năng ra quân xử lý các loại MBH giả, không đạt chất lượng. Điều đó cũng có nghĩa rằng người dân đang đồng thuận với những chỉ đạo của chính phủ trong vấn đề xử lý MBH kém chất lượng nên họ bắt đầu quan tâm về chất lượng của MBH.

 

Còn nhiều kẽ hở

 

Những ngày vừa qua, Chi cục Quản lý thị trường tại các thành phố lớn như Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng, TP Hồ Chí Minh, Cần Thơ đã tiến hành kiểm tra việc chấp hành pháp luật của các cơ sở kinh doanh MBH trên địa bàn. Tính đến ngày 10-3, toàn lực lượng Cục Quản lý thị trường đã thu giữ 20.291 MBH giả, kém chất lượng trên tổng số mũ kiểm tra là 24.109 chiếc.

 

Phó Cục trưởng Cục Quản lý thị trường Trần Hùng cho biết: “100% đơn vị kinh doanh MBH và mũ có kiểu dáng MBH đều có vi phạm. Trong số hơn 24 nghìn chiếc mũ được kiểm tra thì hành vi vi phạm chủ yếu là hàng hóa không có hóa đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc”.

 

Các hành vi vi phạm khác bao gồm: vi phạm về đăng ký kinh doanh, không treo biển hiệu của cơ sở kinh doanh theo quy định, không niêm yết giá, niêm yết giá không đúng quy định, kinh doanh sai nội dung đăng ký, chất lượng không phù hợp với tiêu chuẩn, không có dấu hợp quy, không công bố tiêu chuẩn sản phẩm, không ghi nhãn, ghi nhãn không đầy đủ...

 

Ông Hùng cho biết thêm, nhiều cơ sở kinh doanh trưng bày lẫn lộn giữa MBH thật, đạt chất lượng với mũ có kiểu dáng giống MBH để gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng và tạo điều kiện để người tiêu dùng lựa chọn mua mũ kém chất lượng tham gia giao thông.

 

Ông Trịnh Văn Ngọc - Trưởng phòng Chống hàng giả, Cục QLTT cho rằng, các quy định pháp luật nhằm kiểm tra, xử lý triệt để các loại mũ không phải MBH mũ có kiểu dáng tương tự gây nhầm lẫn với MBH còn chưa đầy đủ về chế tài xử lý, ngăn chặn dẫn đến công tác quản lý hoạt động sản xuất, kinh doanh gặp khó khăn đối với các loại mũ này. Hệ thống văn bản pháp luật còn có nhiều kẽ hở để những đối tượng cơ hội, làm ăn chụp giật lách luật thậm chí “xé rào” để làm MBH giả, nhái, kém chất lượng.

 

“Tôi lấy ví dụ như sản xuất MBH, kém chất lượng thì cơ sở cho rằng sản xuất mũ… thời trang dành cho người đi bộ, đi xe đạp. Đối với cơ sở kinh doanh thì chưng biển “mũ thời trang siêu rẻ” và nếu bị lực lượng Quản lý thị trường kiểm tra thì họ giải trình là “bán mũ bảo hiểm dành cho người đi xe đạp, đi bộ; còn người mua sử dụng vào mục đích gì thì tôi… không biết”. Lực lượng Quản lý thị trường nhiều khi cũng chỉ biết lắc đầu ngao ngán” – ông Ngọc nói.

 

Chú trọng công tác tuyên truyền

 

Tại các cửa hàng bán mũ bảo hiểm, hầu như các khách hàng thường băn khoăn: Đội mũ này ra đường có bị công an bắt không? Mũ này có tem CR không? Như thế nào là mũ bảo hiểm chất lượng? Những câu hỏi cho thấy lâu nay một bộ phận không nhỏ người tham gia giao thông đội MBH chỉ mang tính chất chống đối, chưa có ý thức chấp hành nghiêm pháp luật cũng như ý thức tự bảo vệ chính mình. Chính tâm lý chống đối, được mua rẻ và đi kèm với đó là sự thiếu hiểu biết về MBH, về pháp luật của nhiều người là nguyên nhân chính để các loại MBH nhái, giả, kém chất lượng xuất hiện trên thị trường.

 

Ông Nguyễn Hoàng Hiệp – Phó Chủ tịch Uỷ ban An toàn giao thông Quốc gia cho biết. MBH đạt chuẩn phải được dán tem CR theo đúng quy chuẩn VN 2 (QCVN 2) và ghi nhãn hàng hóa theo quy định. MBH phải có hình dáng theo quy chuẩn hàng hóa đã được Bộ Khoa học - Công nghệ quy định và phải đủ ba lớp: Lớp nhựa cứng ngoài cùng, lớp xốp và lớp mút hấp thụ xung động, quai đeo. MBH phải đạt các yêu cầu về: Khối lượng, phạm vi che chắn, khả năng chịu va đập và hấp thụ xung động, độ bền đâm xuyên, độ bền của quai đeo, yêu cầu về tầm nhìn, kính chắn gió và yêu cầu chung đối với vật liệu sản xuất mũ. Ngoài ra, trên MBH còn có tem chống hàng giả do Bộ Công an cấp.

 

Ngoài MBH đạt chuẩn, chúng ta cần phân biệt hai loại mũ. Thứ nhất là MBH giả, nhái, có hình dáng cấu tạo giống hệt MBH thật. Loại này bằng mắt thường người dân khó phát hiện được. Cảnh sát giao thông nhắc nhở, vận động người dân đổi mũ chứ không xử phạt. Loại thứ hai là loại mũ không phải MBH, rất dễ nhận biết như mũ lưỡi trai, mũ mềm, mũ nhựa. Nếu người dân dùng loại mũ này để đối phó thì sẽ bị phạt.

 

“Mục tiêu đầu tiên đánh mạnh vào vấn đề sản xuất, kinh doanh, buôn bán MBH không đạt chuẩn, hàng nhái, hàng giả, kém chất lượng. Qua đó gửi đến người tham gia giao thông thông điệp: Đội MBH đạt chuẩn để bảo vệ chính mình và đội mũ không phải mũ bảo hiểm sẽ bị xử lý như không đội mũ bảo hiểm. Chúng tôi mong muốn về lâu dài người tham gia giao thông sẽ tự nguyện, tự ý thức bảo vệ mình bằng cách mua MBH chất lượng” – ông Hiệp nhấn mạnh.

 

Ông cũng cho biết thêm, về lâu dài để người dân chấp hành sẽ có nhiều việc để làm. Trước mắt là “dọn dẹp” mũ rởm, không bảo đảm chất lượng, sau đó là chiến dịch tuyên truyền để giúp người dân nhận biết về MBH đạt tiêu chuẩn và vận động người dân không dùng các loại mũ không phải là MBH, cũng như các loại mũ giả khi tham gia giao thông.

 

Câu chuyện về dùng MBH đã khá rõ ràng, vấn đề quan trọng là mỗi người dùng MBH phải có ý thức tuân thủ pháp luật và ý thức bảo vệ chính mình khi tham gia giao thông.