Thêm một “liều thuốc” chữa “căn bệnh” xây dựng đón đền bù

08:50, 01/03/2013

Công trình xây mới không đảm bảo định mức và quy trình kỹ thuật được áp giá bồi thường, hỗ trợ bằng chất lượng thực tế so với quy chuẩn nhân với đơn giá tại Quyết định số 15/2012/QĐ-UBND ngày 11/7/2012 của UBND tỉnh. Chủ đầu tư phải thuê tư vấn kiểm định chất lượng công trình xây dựng thực tế, kinh phí thuê tư vấn kiểm định không nằm trong 2% chi phí tổ chức thực hiện và tính vào chi phí bồi thường, hỗ trợ của công trình… Đó là chỉ đạo của UBND tỉnh về công tác bồi thường, hỗ trợ tài sản xây dựng không đúng định mức kỹ thuật nhằm mục đích đón bồi thường, thông qua Công văn số 15/UBND-NC được ban hành mới đây.

 

- Đối với công trình xây dựng mới có trước khi thông báo chủ trương thu hồi đất thì được bồi thường, hỗ trợ theo Điều 17 trong Quy định kèm theo Quyết định số 01/2010/QĐ-UBND ngày 5/1/2012 của UBND tỉnh.

 

- Đối với công trình xây dựng sau khi đã có thông báo chủ trương thu hồi đất: Nếu khi xây dựng đã lập biên bản vi phạm và ngăn chặn thì yêu cầu tự tháo dỡ, không bồi thường hỗ trợ. Nếu khi xây dựng không lập biên bản vi phạm và không ngăn chặn thì công trình xây dựng theo đúng mục đích sử dụng đất sẽ được hỗ trợ chi phí tháo dỡ, di chuyển bằng 25% của đơn giá được quy định tại Quyết định số 15/2012/QĐ-UBND ngày 11/7/2012 của UBND tỉnh nhân với tỷ lệ chất lượng thực tế so với quy chuẩn. Nếu xây dựng không đúng mục đích sử dụng đất thì yêu cầu tự tháo dỡ và không bồi thường, hỗ trợ.

 

Cùng với sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, những năm gần đây, việc quy hoạch đất đai, giải phóng mặt bằng (GPMB) đã và đang diễn ra trên nhiều địa phương trong tỉnh để dành quỹ đất triển khai các công trình, dự án. Đa số các công trình, dự án đều nhận được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, tạo điều kiện của Đảng, Nhà nước, các Bộ, ngành Trung ương, sự ủng hộ, đồng thuận của nhân dân. Tuy nhiên, tại một số địa phương, việc GPMB đã và đang gặp phải tình trạng một số hộ dân xây dựng không phép trong phạm vi đất quy hoạch. Điều này gây không ít khó khăn trong quá trình triển khai công tác bồi thường, GPMB khi thực hiện các dự án.

 

 

Ví dụ mới nhất chúng tôi đề cập đến là tình trạng đang diễn ra ở 2 xóm Thái Bình và An Bình, xã Đồng Tiến (Phổ Yên) - nằm trong quy hoạch Dự án Nhà máy điện tử Samsung. Việc xây dựng không phép có biểu hiện đón đền bù diễn ra hết sức “sôi động” ở đây từ hơn 10 ngày nay, với khoảng 30 hộ dân tham gia. Các công trình chủ yếu như: mái tôn, cổng, tường rào và cả nhà ở được xây dựng mới với tốc độ “chóng mặt”. Một công trình nhà ở xây dựng không phép tại xóm An Bình được chụp ảnh hiện trạng khi đã xây tường cao cách mặt đất khoảng hơn 1m. Hai ngày sau, chúng tôi quay lại hiện trường thì ngôi nhà này đã được lợp xong, đang trát hoàn thiện một cách vội vàng. Một cán bộ địa phương cho biết, hàng chục m2 mái tôn có thể được “bắn” xong trong một đêm. Một cán bộ khác của xóm Thái Bình thì từ chối trao đổi và cung cấp thông tin về tình trạng này ở đây cho phóng viên (được biết gia đình anh này mới “bắn” xong khoảng 60m2 mái tôn quanh nhà)… Đồng chí Nguyễn Văn Khoa, Bí thư Huyện ủy Phổ Yên khẳng định: Bên cạnh một số ít hộ đang có biểu hiện xây dựng đón đền bù thì tuyệt đại đa số nhân dân trong vùng Dự án có ý thức chấp hành tốt, tích cực phối hợp, sớm nhận tiền bồi thường, hỗ trợ và bàn giao mặt bằng. Đối với tình hình hiện nay (không loại trừ có sự tiếp tay của các đối tượng chuyên “kinh doanh bồi thường” từ nơi khác đến), huyện sẽ huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc để tuyên truyền và tăng cường các biện pháp ngăn chặn (như: chụp ảnh hiện trạng, nhắc nhở, lập biên bản vi phạm, cử lực lượng liên ngành chốt chặn nhằm ngăn chặn việc chuyên chở nguyên vật liệu xây dựng vào vùng Dự án…). Đồng thời tập trung kiểm đếm và tiến hành đền bù cho các hộ dân bị ảnh hưởng bởi Dự án…

 

Có thể kể thêm tại một vài nơi khác đã từng xảy ra tình trạng người dân xây dựng công trình không phép nhằm đón đền bù, và vấn đề này vẫn còn nguyên tính thời sự. Đơn cử, nhiều diện tích thuộc xã Phúc Hà (T.P Thái Nguyên) nằm trong quy hoạch mở rộng bãi đổ thải của Mỏ than Khánh Hòa đã không ít lần xảy ra tình trạng hàng chục hộ dân xây dựng đón đền bù (rầm rộ nhất là vào cuối năm 2011 và khoảng giữa năm 2012). Có những trường hợp người dân vay tiền ngân hàng, bán cả trâu, bò và những tài sản khác của gia đình để dồn tiềm lực xây dựng công trình đón đền bù. Ông Nguyễn Minh Tuấn, Chủ tịch UBND xã Phúc Hà cho hay: “Tuyên truyền, ngăn chặn tình trạng này luôn được đặt thành vấn đề quan trọng hàng đầu của cấp ủy, chính quyền xã. Tình trạng xây dựng đón đền bù đã và sẽ gây thiệt hại kinh tế cho cả Nhà nước và những người vi phạm”.

 

Tương tự là tình trạng diễn ra tại xã Phục Linh (Đại Từ), vùng nằm trong quy hoạch mở rộng bãi đổ thải và vành đai an toàn của Mỏ Than Phấn Mễ, vào thời điểm nửa cuối năm 2012.

 

Rõ ràng, đây là vấn đề không mới và cũng là “căn bệnh” không dễ chữa trị, gây ra sự lúng túng nhất định đối với một số địa phương, chủ đầu tư khi triển khai các dự án. Để có căn cứ tính toán, bồi thường, hỗ trợ đối với các công trình xây dựng không đúng định mức, quy trình kỹ thuật với mục đích đón bồi thường, Ban Chỉ đạo công tác GPMB của tỉnh đã tham mưu cho UBND tỉnh cách giải quyết hợp lý trên cơ sở những quy định của Trung ương và của tỉnh. Động thái tăng cường kiểm định chất lượng công trình xây dựng thực tế, thời điểm xây dựng so với chủ trương thu hồi đất; kết hợp với thực hiện cơ chế chủ đầu tư công trình phải chi trả kinh phí thuê tư vấn thẩm định và chỉ được hỗ trợ chi phí tháo dỡ, di chuyển bằng 25% của đơn giá theo quy định đã làm cho người dân buộc phải “tính toán” kỹ lưỡng hơn, “nhụt chí” khi có ý định xây dựng các công trình đón đền bù…

 

Trao đổi với chúng tôi, ông Lê Kim Phúc, Phó trưởng Ban Chỉ đạo công tác GPMB tỉnh cho biết: Cùng với những cố gắng của chính quyền các cấp và ngành chức năng, chỉ đạo của UBND tỉnh về công tác bồi thường, hỗ trợ tài sản xây dựng không đúng định mức kỹ thuật nhằm mục đích đón bồi thường lần này như một “liều thuốc” phòng và “chữa trị” hữu hiệu đối với “căn bệnh” xây dựng đón đền bù, thiết thực góp phần triển khai thực hiện đúng tiến độ các dự án, công trình đã được phê duyệt, đồng thời tiết kiệm chi hàng chục tỷ đồng trong công tác GPMB. Nhưng, dù là với “phương thuốc” nào đi nữa thì để có được sự thành công trong công tác GPMB, thu hút đầu tư trong giai đoạn hội nhập và phát triển hiện nay cũng vẫn rất cần sự đồng tâm hiệp lực của tất cả các cấp, ngành, đặc biệt là của mỗi người dân ở các địa phương.

 

 

 

Ông Đỗ Tiến Thành, Chủ tịch UBND xã Phục Linh (Đại Từ): “Trong thời điểm nửa cuối năm 2012, trên địa bàn xã đã xảy ra tình trạng một số hộ dân nằm trong quy hoạch mở rộng bãi đổ thải và vành đai an toàn của Mỏ than Phấn Mễ xây dựng ồ ạt các công trình không phép nhằm đón đền bù. Đầu tháng 1/2013, sau khi nhận được Công văn số 15/UBND-NC của UBND tỉnh, xã đã triển khai ngay đến đội ngũ cán bộ xóm và yêu cầu phổ biến đến nhân dân. Hiện nay, tình trạng này đã chấm dứt, nhận thức, ý thức của người dân được cải thiện hơn nhiều…”.

 

 

Ông Lê Quang Tiến, Phó Chủ tịch UBND T.P Thái Nguyên: “Nhằm ngăn chặn tình trạng xây dựng không phép để đón đền bù, T.P Thái Nguyên đã chỉ đạo các cơ quan chức năng và chính quyền các địa phương liên quan thực hiện quyết liệt nhiều giải pháp, nhất là tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật đến nhân dân, tiến hành ngăn chặn và xử lý kịp thời, cương quyết các sai phạm… Công văn số 15/UBND-NC của UBND tỉnh được ban hành đã cụ thể hóa nhiều nội dung liên quan, qua đó tạo thuận lợi cho công tác tuyên truyền để người dân nhận thức rõ hơn về tác hại của việc xây dựng công trình đón đền bù”.