Việt Nam sản xuất loại giày cho người bị tiểu đường

15:00, 15/03/2013

Việt Nam sản xuất được giày cho người bị bệnh tiểu đường. Đây là thông tin được đưa ra chiều 14/3, tại hội thảo "Tác dụng của giày dành cho người mắc bệnh tiểu đường" do Bệnh viện Nội tiết Trung ương và Viện nghiên cứu Da giày phối hợp tổ chức.

Loại giày này được đánh giá là phù hợp với người mắc bệnh tiểu đường ở mức nhẹ, góp phần giảm nhẹ các biến chứng liên quan đến bàn chân.

 

 

Giày dành cho bệnh nhân tiểu đường có những đặc điểm riêng như mũi giày tròn và dày; cửa giày được mở rộng hơn giày thông thường; bộ phận đóng mở giày thuận tiện, linh hoạt (dùng băng dính nhám, dây giày...); giày được khử khuẩn, khử mùi; bảo đảm các yêu cầu vệ sinh (hút ẩm, thải ẩm, thông hơi...); trọng lượng nhẹ, đế thấp...

 

Bệnh tiểu đường có thể gây ra một số biến chứng hiểm nghèo. Lượng đường trong máu quá cao lâu ngày gây thương tổn các mạch máu nhỏ dẫn đến hậu quả như mù mắt, suy thận, đồng thời thúc đẩy xơ mỡ động mạch (atherosclerosis) làm hẹp các động mạch lớn gây tai biến mạch máu não, nhồi máu cơ tim...Ngoài ra, bệnh tiểu đường còn có ảnh hưởng xấu lên dây thần kinh, cơ tim, da, chân và răng lợi.

 

Các biến chứng mãn tính xảy ra sớm hay muộn, nặng hay nhẹ rất khác biệt ở từng bệnh nhân. Trong đó, bệnh nhân tiểu đường có nguy cơ bị biến chứng trầm trọng ở bàn chân. Điều trị sớm các tổn thương ở bàn chân có thể giữ bàn chân hay chân khỏi bị cắt bỏ.

 

Bệnh tiểu đường làm tổn thương các mạch máu ở bàn chân, gây trở ngại cho máu đến nuôi chân; lưu thông của máu bị ngưng trệ là điều kiện thuận lợi gây nhiễm trùng. Bệnh tiểu đường cũng gây tổn thương các dây thần kinh ở chân, cảm giác ở chân sẽ bị giảm đi, do đó người bệnh sẽ không cảm thấy đau nếu có vết cắt hay vết lở trên bàn chân. Các vết thương này có thể bị nhiễm trùng và lở loét trước khi người bệnh phát hiện ra.

 

Biến chứng loét bàn chân đái tháo đường thường xảy ra ở mu bàn chân, ngón cái. Bệnh thường bắt đầu do nguyên nhân như đi giày dép chật. Các tổn thương ở bàn chân sẽ nặng hơn nhanh chóng nên người bệnh cần lưu ý mang giày đúng cách, xem xét bàn chân mỗi ngày và nên chạy chữa ngay mỗi khi phát hiện có vết thương ở bàn chân dù rất nhỏ.

 

Bà Trần Thị Tuyết Mai, Giám đốc Trung tâm Đào tạo, Viện nghiên cứu Da giày cho biết viện đã triển khai dự án "Giày dép cho người bệnh đái tháo đường ở Việt Nam từ ý tưởng nghiên cứu đến sản phẩm phục vụ xã hội" nhằm cung cấp sản phầm giày dép cho người bệnh đái tháo đường với công nghệ trong nước, giá thành phù hợp.

 

Dự án tập trung vào các hoạt động như khảo sát thị trường toàn quốc, triển khai sản xuất giày dép cho người bị bệnh tiểu đường tại xưởng của Viện ở Hà Nội; phối hợp với các đơn vị trong ngành y tế tuyên truyền rộng rãi về sản phẩm giày dép cho người mắc bệnh tiểu đường...

 

Người mắc bệnh tiểu đường khi đi loại giày trên sẽ hạn chế được sự nén, ép lên bàn chân, tránh tổn thương da và mạch máu. Đặc biệt, người bệnh có thể dễ dàng điều chỉnh giày vừa với bàn chân; tránh tổn thương, trầy xước da bàn chân khi đi lại; hạn chế tối đa khả năng va đạp, đâm xuyên của các vật thể vào bàn chân...

 

Hiện nay Viện nghiên cứu Da giày đang bán sáu mẫu sản phẩm giày cho người mắc bệnh tiểu đường...