Vượt lên nỗi đau tật nguyền

10:51, 25/03/2013

Có 1 cuộc vui tôi được dự, ở đó nước mắt nhiều hơn nụ cười. Đó là cuộc gặp mặt của những người tàn tật ở T.P Thái Nguyên vào dịp đầu xuân 2013.

Trong cuộc vui có hoa tươi, kẹo bánh và những lời chúc tụng tốt đẹp nhất mọi người dành cho nhau. Mỗi người một hoàn cảnh, một căn bệnh khiến họ trở thành người tàn tật. Có người bị hỏng sống lưng, người hỏng mắt, người bị hỏng đôi chân... Song cũng chính ở cuộc gặp mặt đặc biệt này, tôi mới cảm nhận được đầy đủ hơn những con người sinh ra trong cuộc đời phải chịu thiệt thòi, lại có một nghị lực sống phi thường, tựa cây xương rồng lên xanh giữa cát bỏng. Tuy cơ thể không lành lặn, nhưng họ không đợi vào sự thương hại, bố thí của người đời, mà đã bươn chải, khắc phục khiếm khuyết cơ thể để vượt lên. Vì thế giữa cuộc đời, dù cơ thể khiếm khuyết, nhưng họ là những người không tàn vì chưa bao giờ họ sống vô ích.

 

 

Bán báo, bán tăm dạo trên chiếc xe lăn; ngồi bên góc đường bơm vá xe đạp, xe máy; sửa chữa điện tử; khắc bia mộ; làm thợ may… mỗi người có 1 nghề để sống, để không trở thành 1 gánh nặng cho gia đình, xã hội. Niềm vui nhân lên khi mỗi ngày trở về ngôi nhà riêng, ngồi kiểm lại từng đồng tiền lẻ nhàu nhĩ, ướt mùi mồ hôi. Ở xóm Nam Thành, xã Quyết Thắng, người dân trong vùng đã quen với hình ảnh 1 thanh niên hằng ngày cặm cụi sửa chữa điện thoại di động cho khách. Anh là Hoàng Văn Hoá, 30 tuổi, bị liệt 2 chân.

 

Nơi vùng đất đầy hương hồi xã Cánh Khê, huyện Văn Quan (Lạng Sơn) chứng kiến bao nỗi đau trút xuống cuộc đời của Hoá. Chưa đầy 4 tuổi, mẹ Hoá mất vì một cơn bạo bệnh. Hết tang mẹ chưa lâu, bố Hoá cũng đột ngột theo mẹ về cõi hư vô. Hoá được ông bà ngoại cưu mang, đến năm 15 tuổi, Hoá phổng phao như bao trai làng. Anh xin phép ông bà ngoại về ngôi nhà buồn tể để lập thân. Mê mải làm giàu, mùa hồi năm 2006, trong một lần leo cây bị trượt chân rơi từ ngọn Hồi xuống bất tỉnh. Sau hơn 1 năm nằm viện, anh trở về nhà với đôi chân bại liệt vì bị đứt tuỷ sống. Trong lúc buốn nản nhất, chị Đỗ Thị Thanh Thuỷ, cô giáo trường làng luôn ở bên, giúp anh vượt lên nỗi đau thể xác. Tình yêu của của cô giáo Thuỷ và người thanh niên tật nguyền được kết trái bằng tấm giấy hôn thú, và 1 đứa con chung giữa 2 người. Để cuộc sống vơi khó khăn, chị Thuỷ đưa chồng, con về vùng chè Quyết Thắng, quê hương mình lập nghiệp.

 

Chuyện tình cảm động giữa 2 người khiến bao trai, gái thôn quê thầm ngưỡng mộ. Song niềm riêng của đời thường gắn với áo, cơm, chật vật muôn bề. Hoá phân trần với tôi: Gia đình em đang rất khó khăn về kinh tế. Mọi chi tiêu trong nhà trông cậy vào đồng lương giáo viên hợp đồng của Thuỷ, em ngồi một chỗ sửa điện thoại, thu nhập của vợ chồng chẳng là bao, nhưng hạnh phúc. Em đang cố gằng làm lụng, tích cóp để khi đủ tiền sẽ mua cho mình 1 chiếc xe lăn.

 

Mong ước giản dị ấy nhưng thật khó đối với những người tàn tật như anh Hoá. Và cũng vì bệnh tật, đôi chân teo đi, đành lê lết, tập luyện mãi rồi chị Nguyễn Thị Kim Oanh, 38 tuổi, tổ 25, phường Hương Sơn đã đứng dậy được. Hơn thế, chị đã làm được công việc mà nhiều người lành lặn không dám mơ. Hiện chị đang làm chủ một siêu thị với số tiền vốn kinh doanh 1,2 tỷ đồng, thuê thêm 3 nhân viên bán hàng với mức thu nhập 2,5 triệu đồng/người/tháng. Công việc kinh doanh bận rộn, mỗi tháng trừ chi phí vốn đầu tư, lương chi trả cho nhân viên, chị để ra được gần 20 triệu đồng. Chị kể với tôi. Năm 2 tuổi, sau cơn sốt đã làm đôi chân tôi bị bại liệt. Nhà nghèo, tôi không được đến trường, mẹ thấy tôi thích xem sách mới dày công dạy cho em cách nhận mặt chữ.

 

Chị dừng lời, môi nở nụ cười duyên. Rồi Oanh lại thủ thỉ: Cuộc đời em đã qua rất nhiều lần phẫu thuật để lấy lại đôi chân. Nhưng nền y học hiện tại chưa làm được điều đó. Vì thế, em phải sống cho ra một con người. Em đã làm nên sự nghiệp của mình bằng những đồng hào lẻ, từ việc đi bán hàng tạp hoá, may thời trang, khi có chút vốn em xoay sang bán hàng lưu niệm. Có vốn lớn hơn, em mua được 90m2 đất mặt đường, xây ngôi nhà 3 tầng, 2 tầng dưới em dành làm nơi bán hàng.

 

Thành đạt, nhưng khiêm tốn, khi trò chyện với tôi chị luôn nhắc tới những người bạn đồng cảnh. Chị bảo: Còn nhiều người khuyết tật giỏi hơn em, như chị Nguyễn Thị Thuỷ ở phường Phan Đình Phùng. Thuỷ có chồng, 2 con. Chị ấy mới khai trương cửa hàng may thời trang ở trục đường Hoàng Ngân.

 

Chuyện nghề may, chị Đỗ Thị Xuân Nga, tổ 5, phường Quán Triều (T.P Thái Nguyên) tâm đắc, bảo: Ông trời có lấy hết của ai cái gì đâu. Bù lại vì đôi chân hỏng, nhiều người khuyết tật như chúng em lại có được đôi bàn tay khéo léo.

 

Nga là cô thợ may có đôi chân bị bại liệt bẩm sinh. Nga đã phải lê lết đến trường bằng đôi tay, lên lớp 4 Nga tập đi nhờ cây gậy. Lên đến cấp II, Nga bỏ được gậy và tập tễnh đến trường. Học một lèo hết cấp 3 (năm 1987), chị theo học nghề may. Vốn người sáng dạ, chỉ sau 3 tháng chị đã thành thạo các động tác cắt, may. Ông bà cụ thân sinh mừng lắm, khuyến khích con gái mở một tiệm may tại nhà. Cái hiệu may nho nhỏ của cô gái bại liệt đôi chân đến nay vừa vặn 25 năm tuổi. Không chỉ lo cho cuộc sống riêng mình, cửa hàng may mặc của chị còn tạo việc làm thường xuyên cho 2 lao động khoẻ chân, với mức thu nhập từ 2 đến 3 triệu đồng/người/tháng.

 

Công việc bận rộn, nhưng chị tích cực tham gia các hoạt động xã hội. Hiện chị làm Chủ nhiệm Câu lạc bộ Phụ nữ khuyết tật Thái Nguyên. Ở cương vị này, chị có điều kiện gần gũi, giúp đỡ, động viên chị em và những người cùng cảnh ngộ. Câu lạc bộ có hơn 80 hội viên, hầu hết các hội viên đều có hoàn cảnh khó khăn, đang rất cần sự giúp đỡ của mọi người trong cộng đồng xã hội.

 

Tôi hiểu trong cuộc sống, có những người tàn tật đã kiềm được cơn đau thể xác để thành người thật sự có ích cho xã hội, thậm chí trở nên thành đạt như trường hợp của chị Oanh, chị Thuỷ, chị Nga. Tôi nói động viên: Các chị chưa bao giờ tàn, chưa bao giờ phế. Các chị giống như loài hoa sen từ bùn sâu vươn lên, nở rực rỡ và hiến dâng cho cuộc đời từng đài nhuỵ hữu ích.

 

Ngồi bên tôi, chị Đào Thị Hạnh, sinh năm 1981, ở tổ 8, phường Tân Lập liên tục trầm trồ khen giọng hát của những người đồng cảnh. Chị Hạnh là người có hoàn cảnh đặc biệt hơn. Chị bị bệnh động kinh, bị ngã vào lò lửa khiến nửa mặt bên trái hỏng hẳn. Tai bên trái cũng mất luôn, khiến khuôn mặt chị trở lên khó nhìn. Hằng ngày, chị sống tằn tiện bằng cách chăn nuôi con gà, con chó và sự cưu mang của người thân. Song là phụ nữ, chị luôn đeo bên mình chiếc túi nhỏ, trong đó có gương soi, lược chải đầu. Chị cũng như tất cả những người tàn tật có mặt trong cuộc vui đầu xuân này đang được sống phút giây của hạnh phúc. Sau mỗi bài hát, hay 1 trò chơi tập thể, tiếng vỗ tay lại rộ lên, chị Nga cùng các chị trong Ban Chủ nhiệm Câu lạc bộ lại lật đật đến tặng hoa, trao quà. Có "những pha" người tặng ngồi dưới ghế, còn người nhận đứng xô nghiêng. Nhất là lúc chứng kiến cảnh chị Oanh làm thợ ảnh, mỗi lần ghi hình lại ghé mông, ngồi lên bàn làm việc của ban tổ chức. Chị phải ngồi như thế vì đôi chân không đứng thẳng được.

 

Cảm thông lắm, bởi giữa đời thường còn có những con người tạo hóa không cho được 1 cơ thể bình thường. Song dù gì chăng nữa thì đã là con người, đều cùng phải bươn bả chuyện áo cơm. Chị Nguyễn Thị Hiền, xóm Nam Đồng, xã Tân Cương cũng bị liệt đôi chân lúc 3 tuổi. Chị tâm sự: Từ trận sốt thuở ấu thơ, đôi chân tôi bị co lại. Tôi bắt đầu ngồi 1 chỗ, lặng lẽ nhìn dòng đời trong nước mắt. Rồi tôi đã đứng dậy được bằng lý chí. Tôi mưu sinh bằng chiếc kéo, mũi kim. Sau 5 năm làm nghề may mặc tại nhà, tôi có tiền mua được mảnh đất rộng 100 m2 ở ngã ba chợ Tân Cương. Tôi xây nhà, mở một cửa hàng bán tạp hoá nho nhỏ.

 

Bà con ở xã Tân Cương  bảo: Cuộc đời chị Hiền buồn nhiều mà vui cũng nhiều. Năm chị 30 tuổi, anh Nguyễn Văn Miền, người Nam Hà lên làm thợ xây. Cảm mến rồi cưới chị làm vợ. Tiếc, hạnh phúc chẳng tày gang, 10 năm sau ngày cưới, chị đội tang chồng. Song yêu thương còn ở lại, chị có 1 đứa con trai với chồng. Đứa con chung giữa 2 người lành lặn, khoẻ mạnh và sẽ là đôi chân của chị ở ngày sau.

 

Tôi cũng mong một ngày sau, con của chị Hiền, và con của tất cả những người không lành lặn thể xác, luôn có chí hướng phấn đấu, tu dưỡng để trở thành công dân tốt cho gia đình, xã hội. Bởi các cháu được phôi thai, sinh thành và lớn lên bằng tình thương yêu của những trái tim tuyệt vời.