"Xoá bỏ và ngăn chặn tất cả các hình thức bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái"

17:18, 01/03/2013

Hướng tới kỷ niệm Ngày Quốc tế Phụ nữ (8/3) và hưởng ứng chủ đề của Khóa họp lần thứ 57 của Ủy ban về địa vị phụ nữ của Liên Hợp Quốc, ngày 28/2 tại Hà Nội, Liên Hợp Quốc tại Việt Nam và Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội (MOLISA) đã tổ chức Diễn đàn Đối thoại chính sách về bình đẳng giới.

Diễn đàn thu hút sự tham dự của hơn 200 đại biểu, gồm các nhà hoạch định chính sách, các chuyên gia trong và ngoài nước đến từ Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội và các Bộ, ngành có liên quan, Cơ quan Liên Hợp Quốc (LHQ) tại Việt Nam, các tổ chức quốc tế, các tổ chức phi chính phủ.

 

Ngày Quốc tế Phụ nữ (8/3) hàng năm là ngày đánh dấu những thành tựu kinh tế, chính trị và xã hội của phụ nữ trên khắp thế giới. Chủ đề thảo luận năm nay của Diễn đàn dựa trên chủ đề của Khóa họp lần thứ 57 của Ủy ban về địa vị phụ nữ của Liên Hợp Quốc (CSW 57): "Xóa bỏ và ngăn chặn tất cả các hình thức bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái". Khóa họp CSW lần thứ 57 được tổ chức ở Trụ sở chính của LHQ tại New York từ ngày 4 đến ngày 15 tháng 3 năm 2013. Khóa họp này có sự tham gia của các đại diện từ các quốc gia thành viên thuộc Ủy ban, Chính phủ các quốc gia (trong đó có Việt Nam), cơ quan LHQ và các tổ chức xã hội dân sự với mục đích xem xét việc thực hiện các hoạt động ngăn chặn và ứng phó với mọi hình thức bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái, xác định các trở ngại đang tồn tại, thách thức mới, và đưa ra các khuyến nghị cụ thể.

 

Bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái là một trong các hành vi vi phạm nhân quyền phổ biến với nhiều hình thức khác nhau ở mọi khu vực trên thế giới. Việt Nam cũng như các quốc gia thành viên LHQ luôn thể hiện quyết tâm chính trị mãnh mẽ để nhằm xóa bỏ và ngăn chặn mọi hình thức bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái.

 

Ở Việt Nam, điều này được thể hiện thông qua việc Chính phủ phê chuẩn và triển khai thực hiện Công ước về Xóa bỏ mọi hình thức phân biệt đối xử với phụ nữ (CEDAW), thúc đẩy lồng ghép các vấn đề về giới vào các chương trình phát triển kinh tế - xã hội và nội luật hóa những nguyên tắc, quy định xóa bỏ bạo lực trên cơ sở giới. Mặc dù có sự tiến bộ nhất định, song vẫn còn những trở ngại cho việc thực hiện Luật Bình đẳng giới và Luật phòng chống bạo lực gia đình ở Việt Nam.

 

Tại Diễn đàn, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Chủ tịch Ủy ban quốc gia vì sự tiến bộ của phụ nữ ở Việt Nam (NCFAW) Phạm Thị Hải Chuyền khẳng định cam kết của chính phủ về bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ thông qua việc tiếp tục thực hiện các chương trình và chính sách liên quan tới bình đẳng giới. Đồng thời, thông qua diễn đàn này sẽ chuyển tải những thông điệp mạnh mẽ, những giải pháp đột phá của Chính phủ Việt Nam về lĩnh vực này đến với Khóa họp lần thứ 57 của Ủy ban Địa vị Phụ nữ tại LHQ về xóa bỏ, ngăn chặn mọi hình thức bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái trên phạm vi toàn cầu.

 

Phát biểu tại Diễn đàn, Bà Pratibha Mehta, Điều phối viên LHQ tại Việt Nam, nhấn mạnh: "Bạo lực đối với phụ nữ gây những tổn thất to lớn về mặt kinh tế. Mỗi năm, hàng tỷ đô la được chi cho các chi phí y tế và sự giảm sút hiệu suất làm việc được xem như là hậu quả của bạo lực trên cơ sở giới. Điển hình như, bạo lực với bạn tình của Mỹ ước tính gây tổn thất 5,8 tỷ đô la mỗi năm và ở Fiji là 135,8 triệu đô la, tương ứng với 7% GDP, năm 2002. Ở Việt Nam, một nghiên cứu của LHQ ước tính tác động kinh tế của bạo lực gia đình kết luận rằng bạo lực gia đình dẫn đến mất năng suất lao động ước tính 1,78% của GDP trong năm 2010... Chúng ta cần luật và chính sách thúc đẩy một môi trường hỗ trợ cho việc thực hiện tất cả các quyền của phụ nữ".

 

Cũng tại Diễn đàn, đại diện từ Bộ Lao động -Thương binh và  Xã hội và Hội phụ nữ Việt Nam đã trình bày và chia sẻ những thành công và thách thức trong việc thực hiện Luật Bình đẳng giới và Luật Phòng, chống bạo lực gia đình đã được thông qua từ 5 năm trước; đại diện từ ba mạng lưới của các tổ chức phi chính phủ hoạt động về bình đẳng giới và sự tiến bộ của phụ nữ ở Việt Nam chia sẻ kinh nghiệm trong việc phối hợp giữa các mạng lưới nhằm thúc đẩy quyền của phụ nữ và trẻ em gái tại Việt Nam. ..

 

Diễn đàn đối thoại chính sách đã được tổ chức thành công tốt đẹp với những cam kết và khuyến nghị thúc đẩy bình đẳng giới của các bên tham gia. Thay mặt hai cơ quan đồng chủ trì Diễn đàn, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và Liên Hợp Quốc tiếp tục cam kết phối hợp hiệu quả hơn nữa để thực hiện có hiệu quả Chiến lược quốc gia về Bình đẳng giới (2011-2020) và Chương trình Quốc gia về Bình đẳng giới (2011-2015) và đảm bảo một xã hội không có bạo lực cho phụ nữ và trẻ em gái.