Chung tay khắc phục hậu quả bom mìn vì bình yên cuộc sống

07:51, 04/04/2013

Đẩy nhanh tiến độ khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của Chính phủ Việt Nam. Phải làm sạch bom mìn và vật liệu nổ để thế hệ trẻ Việt Nam được sinh ra và lớn lên trên mảnh đất không còn bom mìn, để đất nước ta phát triển bền vững.

20% diện tích bị ô nhiễm

 

Việt Nam được xem là một trong những nước bị ô nhiễm bom mìn, vật nổ nặng nề nhất trên thế giới. Theo kết quả điều tra sơ bộ năm 2002, toàn quốc có 9.284/10.511 xã bị ô nhiễm bom mìn, vật nổ với tổng diện tích đất bị ô nhiễm khoảng 6,6 triệu ha, chiếm hơn 20% diện tích cả nước (chưa kể vùng biển) và có khoảng 600 ngàn tấn bom mìn còn sót lại, đang nằm sâu trong lòng đất.

 

Thứ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội Bùi Hồng Lĩnh cho biết, bom mìn, vật nổ chưa nổ nằm sâu trong lòng đất luôn là mối nguy hiểm tiềm tàng, có ảnh hưởng không nhỏ đến tình hình kinh tế, đời sống, trật tự an toàn xã hội, cản trở việc sử dụng có hiệu quả các nguồn tài nguyên thiên nhiên và làm ô nhiễm nguồn nước, ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe cộng đồng.

 

Trước hết, bom mìn còn lại sau chiến tranh đang hàng ngày gây ra các vụ tai nạn làm tử vong hoặc gây tàn tật suốt đời cho người dân. Phần lớn nạn nhân của bom mìn đều là lao động chính trong gia đình, hoặc lứa tuổi tương lai của đất nước, nhiều nạn nhân tuy sống sót nhưng lại trở thành gánh nặng suốt đời cho gia đình và xã hội.

 

Thứ trưởng Bùi Hồng Lĩnh cho biết: “Tính riêng giai đoạn 1975-2000, ở Việt Nam đã có 43.135 người tử vong và 62.163 người khác bị thương tật do bom mìn, vật nổ. Nhưng nếu cộng cả giai đoạn từ năm 2000 đến nay, con số thực tế còn lớn hơn nhiều”.

 

Theo Thứ trưởng, lực lượng công binh và các tổ chức trực tiếp tham gia rà phá bom mìn cũng chịu nhiều mất mát, hy sinh. “Nhiều đồng chí đã hy sinh, để lại nỗi đau lớn cho thân nhân, gia đình. Dù biết hiểm nguy, đối mặt với cái chết, nhưng anh em vẫn đang ngày đêm rà phá bom mìn đem lại cuộc sống bình yên cho người dân” – Thứ trưởng Bùi Hồng Lĩnh chia sẻ.

 

Bên cạnh đó, đối với một nước đại bộ phận là nông dân với nguồn thu nhập chính là sản xuất nông nghiệp thì do còn nhiều bom mìn, vật nổ sót lại sau chiến tranh nằm sâu trong long đất nên dễ gây tâm lý hoang mang, lo sợ cho người dân trong khi canh tác trên các vùng đất ô nhiễm bom mìn, dẫn đến năng suất lao động không cao.

 

Đáng lưu ý, do trên khắp mọi miền đất nước đều còn sót bom mìn, vật nổ nên nhân dân lao động ở một số địa phương trong lúc nông nhàn đã tự động đi dò tìm, thu nhặt phế liệu, trong đó có các loại bom mìn vật nổ về cưa cắt lấy thuốc nổ và phế liệu bán. Có thuốc nổ thì người mua dùng để đánh bắt cá, hủy diệt tài nguyên của đất nước, gây ô nhiễm môi trường nước và gây ra những vụ mất an toàn ảnh hưởng không nhỏ đến trật tự an toàn xã hội.

 

Cần sự đồng hành của bạn bè quốc tế

 

Ông Nguyễn Trọng Cảnh, Thư ký Văn phòng thường trực Chương trình 504, Giám đốc Trung tâm công nghệ xử lý bom mìn cho biết, từ năm 2000 đến 2008, trung bình mỗi năm rà phá bom mìn được khoảng 20.000 ha/năm và từ năm 2009 trở đi đạt hơn 20.000 ha/năm.

 

Cũng theo ông Nguyễn Trọng Cảnh, tính đến thời điểm này, mới chỉ có khoảng 20% lượng bom mìn trên cả nước được rà phá. Và theo đánh giá của các chuyên gia, để làm sạch hết bom mìn sau chiến tranh, Việt Nam cần khoản kinh phí trên 10 tỷ USD và với tốc độ rà phá hiện nay, phải mất khoảng 300 năm nữa Việt Nam mới hết bom mìn chưa nổ.

 

Bắt đầu từ năm 2010, Chính phủ cấp kinh phí để thực hiện dự án điều tra, lập bản đồ bom mìn toàn quốc. Dự kiến, dự án sẽ hoàn thành vào tháng 12/2013. Tuy nhiên, ngay từ năm 1975, đã tổ chức rà phá bom mìn với quy mô lớn để đưa dân về quê hương sinh sống. Trong đó, chủ yếu rà phá bom mìn ở độ sâu 0,3m.

 

Việc khắc phục hậu quả bom mìn đã được Chính phủ quan tâm trên cả 3 nội dung: rà phá bom mìn, hỗ trợ nạn nhân bao gồm tái định cư, tái hòa nhập cộng đồng và tuyên truyền giáo dục phòng, tránh bom mìn.

 

Ngoài sự nỗ lực của Chính phủ và nhân dân, Việt Nam cũng đã nhận được sự ủng hộ, hỗ trợ và tài trợ của cộng đồng quốc tế.

 

Đó là, từ sau chuyến thăm của Tổng thống Mỹ Bin Clintơn tháng 11/2000, thực hiện cam kết giúp Việt Nam khắc phục bom mìn sau chiến tranh, Chính phủ Mỹ thông qua Bộ Ngoại giao Mỹ đã chuyển giao cho Công binh Việt Nam các trang thiết bị rà phá bom mìn tổng giá trị khoảng 10 triệu USD.

 

Năm 2000, Chính phủ Nhật Bản tài trợ cho Chính phủ Việt Nam một số thiết bị máy cắt cây, phá mìn phục vụ dự án xây dựng Đường Hồ Chí Minh, trị giá khoảng 10 triệu USD.

 

Năm 2010, Chính phủ Na Uy và Hoa Kỳ thông qua Quỹ Viện trợ nhân dân Na Uy đã tài trợ xây dựng cơ sở ban đầu cho Trung tâm dữ liệu bom mìn ở Việt Nam trị giá gần 0,5 triệu USD. Ngoài ra, Chính phủ các nước Anh, Bỉ, Ấn Độ đã tiếp nhận một số cán bộ của Việt Nam tham gia một số khóa huấn luyện nâng cao năng lực về quản lý, điều hành hoạt động rà phá bom mìn.

 

Với các tổ chức phi chính phủ, từ năm 1990 đến nay đã có gần 40 tổ chức phi chính phủ triển khai các hoạt động liên quan đến khắc phục bom mìn sau chiến tranh ở Việt Nam...

 

Quỹ nhi đồng Liên hiệp quốc cũng đã dành cho Việt Nam 5 triệu USD để giáo dục nhận thức bom mìn cho trẻ em ở lứa tuổi thiếu niên và nhi đồng tại 6 tỉnh từ Nghệ An vào Đà Nẵng.

 

Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Tiến Phong, đại diện Chương trình phát triển Liên hiệp quốc (UNDP), để có được hơn 10 tỷ USD, Việt Nam cần tiếp tục vận động để các tổ chức quốc tế và chính phủ các nước có thêm nhiều khoản hỗ trợ hơn nữa.

 

Thiếu tướng Lê Phúc Nguyên, Tổng biên tập Báo Quân đội nhân dân cho biết, vấn đề bom mìn đã trở thành vấn đề quốc tế. Để khắc phục hậu quả bom mìn, đòi hỏi sự nỗ lực to lớn của quốc gia, cần phải có sự vào cuộc mạnh mẽ của các cấp các ngành, nhất là đẩy mạnh khâu tuyên truyền hơn nữa. Theo Thiếu tướng Lê Phúc Nguyên, ngoài sự nỗ lực của Chính phủ và nhân dân trong nước, Việt Nam đang rất cần sự ủng hộ, hỗ trợ và tài trợ của cộng đồng quốc tế.

 

 

Ngày 3/4/2006, Tổng thư ký Liên Hợp Quốc đã công bố chọn ngày 4/4 hàng năm là ngày Quốc tế nâng cao nhận thức phòng, tránh bom mìn và hỗ trợ tháo gỡ bom mìn."