Đám cưới theo nếp sống mới – Nét đẹp cần nhân rộng

09:31, 07/04/2013

Trong thời buổi kinh tế khó khăn, những đám cưới được tổ chức theo nếp sống mới thời gian gần đây đã nhận được sự ủng hộ của chính những người trong cuộc và sự chung tay của toàn xã hội.

Nhân lên những niềm vui

 

 

Hôm 17/3 vừa qua, đám cưới tập thể của 10 cặp uyên ương đã diễn ra tại Trường Tiểu học Thịnh Liệt, quận Hoàng Mai, Hà Nội. Đây là đám cưới thí điểm do Thành Đoàn Hà Nội chỉ đạo Quận Đoàn Hoàng Mai tổ chức nhằm triển khai Chỉ thị 11 của Thành ủy Hà Nội về tiếp tục thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới.

 

Tại đám cưới, mỗi gia đình được mời 20 khách. Cô dâu, chú rể xuất hiện trong trang phục áo dài truyền thống, còn chương trình văn nghệ, đón tiếp đại biểu do đoàn viên, thanh niên phường đảm nhận.

 

Trước khi diễn ra lễ thành hôn, các tân lang, tân nương đã đến viếng Đài tưởng niệm liệt sĩ của phường, sau đó đi xích lô về nơi tổ chức.

 

Các đôi uyên ương được lãnh đạo UBND phường Thịnh Liệt trao giấy chứng nhận kết hôn, là đám cưới thí điểm thực hiện theo Chỉ thị 11 của Thành ủy nên họ còn được nhận thư chúc mừng và quà của Bí thư Thành ủy Phạm Quang Nghị. 10 cặp đôi cũng là những thành viên của Câu lạc bộ gia đình trẻ phường Thịnh Liệt.

 

Được biết, mọi chi phí trong đám cưới chỉ một phần nhỏ tượng trưng do cô dâu, chú rể đóng góp còn lại là được xã hội hóa. Riêng địa điểm, cơ sở vật chất được UBND phường Thịnh Liệt hỗ trợ.

 

Ngay sau đám cưới tập thể ở quận Hoàng Mai, những đám cưới tiết kiệm tiếp theo thực hiện Chỉ thị 11 của Thành ủy Hà Nội cũng xuất hiện tại huyện Đan Phượng, Từ Liêm.

 

Trước đó tại tỉnh Vĩnh Phúc, một đám cưới tập thể dành cho 20 cặp đôi công nhân đã được tổ chức vào một ngày đặc biệt 12/12/2012. Đây chính là đám cưới tập thể cho công nhân đầu tiên được tổ chức ở miền Bắc.

 

20 cặp cô dâu, chú rể hạnh phúc khi được ngồi trên 20 chiếc xe hoa dạo quanh các phố chính ở TP Vĩnh Yên. Các cặp đôi cũng được đưa đến Chùa Hà Tiên nghe sư thầy giảng đạo nghĩa vợ chồng, đến Nhà thờ và Đài tưởng niệm Bác Hồ để dâng hương rồi quay về khách sạn gặp gỡ họ hàng, quan khách để cùng tổ chức tiệc cưới.

 

Bí thư Tỉnh Đoàn Vĩnh Phúc Trần Việt Cường cho biết, các chi phí dành cho đám cưới tập thể này từ xe hoa, trang phục cưới, trang điểm, ảnh cưới, nhẫn cưới, tiệc cưới tính ra vào khoảng 5 triệu đồng cho mỗi cặp nhưng đều do doanh nghiệp và các tổ chức xã hội chung tay hỗ trợ để chúc phúc cho các đôi vợ chồng trẻ, “nhân vật chính” chỉ phải góp số tiền 500 nghìn đồng.

 

Diễn ra cùng thời điểm với đám cưới tập thể ở Vĩnh Phúc, tại TP Hồ Chí Minh, 120 cặp cô dâu, chú rể đã chính thức nên duyên vợ chồng vào ngày “tam trùng” 12/12/2012.

 

Trong ngày đại hỷ, các cặp đôi công nhân được ngồi trên xe hoa diễu hành trên các tuyến đường chính, dâng hoa tại tượng đài Bác Hồ và làm lễ tại Trung tâm hội nghị Grand Palace. Xe hoa, bánh cưới, việc chụp ảnh, quay phim, trang điểm, trang phục cưới đều được miễn phí.

 

Niềm vui được nhân lên với những người lao động có cuộc sống không mấy dư dả này khi họ được tặng 1 thẻ ATM có tài khoản 2 triệu đồng cùng 1 bàn tiệc, ảnh cưới và 1 cặp nhẫn cưới trị giá 2,8 triệu đồng, chuyến tham quan dã ngoại kết hợp với huấn luyện kỹ năng xây dựng gia đình hạnh phúc. Họ cảm thấy thật may mắn khi nằm trong số 222 đôi công nhân có hoàn cảnh khó khăn được Trung tâm hỗ trợ Thanh niên công nhân TP Hồ Chí Minh tổ chức đám cưới tập thể tính từ năm 2008 đến nay.

 

Không khó khi có chủ trương

 

Chia sẻ về mô hình đám cưới điểm, Bí thư Quận Đoàn Hoàng Mai Nguyễn Ngọc Việt cho biết, ngay khi Chỉ thị 11 của Thành ủy được ban hành, Quận Đoàn đã yêu cầu các chi đoàn đưa nội dung cưới tập thể vào thảo luận. Đa số các bạn trẻ đều đồng tình bởi tổ chức đám cưới tập thể sẽ tiết kiệm và cũng là một ấn tượng sâu sắc trong đời. Khó khăn nằm ở chỗ phải vận động các gia đình bởi với gia đình không mấy điều kiện thì thấy đó là phương án hay nhưng đối với các gia đình khá giả thì không phải nhà nào cũng đồng ý.

 

Sau quận Hoàng Mai, đám cưới tập thể sẽ được nhân rộng tại 28 quận, huyện, thị. Bí thư Thành Đoàn Hà Nội Nguyễn Thị Ngà thông tin, Thành Đoàn đã lên kế hoạch phối hợp với các tổ chức, đơn vị trên địa bàn để hỗ trợ tối đa cho các đôi vợ chồng trẻ tổ chức đám cưới theo nếp sống mới. Từ nay đến năm 2017, mỗi năm Thành Đoàn sẽ tổ chức một đám cưới tập thể cho từ 50 đến 100 đôi thanh niên công nhân.

 

Còn theo Bí thư Tỉnh Đoàn Vĩnh Phúc Trần Việt Cường, rất nhiều công nhân trong số khoảng 128 nghìn công nhân đang làm việc trên địa bàn tỉnh đang rất trông chờ vào lần tổ chức tiếp theo. “Khi nào lại tổ chức cưới tập thể?” là câu hỏi thường xuyên mà cán bộ Tỉnh Đoàn được nghe mỗi lần tiếp xúc với công nhân. Khi được biết sẽ có 130 cặp uyên ương tham gia đám cưới tập thể vào ngày 13/10 tới, rất nhiều đôi đang hy vọng mình sẽ được lựa chọn.

 

Hỏi chuyện người trong cuộc là chú rể Danh Nam và cô dâu Thúy Ngà, họ cho biết lựa chọn cưới theo nếp sống mới là sáng suốt. Chú rể đang theo học thạc sỹ ở Học viện Tài chính, cô dâu thì vừa nhận tấm bằng Cao đẳng kế toán, thu nhập chưa ổn định nên khi tổ chức hôn lễ để về chung một nhà, tiết kiệm là điều họ lưu tâm để khỏi tốn tiền của cha mẹ hai bên.

 

Đám cưới diễn ra ngay tại trụ sở UBND xã Xuân Đỉnh (Từ Liêm, Hà Nội) vào sáng ngày 5/4 không chỉ có họ hàng, bạn bè hai bên mà còn có sự tham gia của các ban, ngành đoàn thể xã khiến đôi trẻ lâng lâng xúc động. Bí thư Đoàn xã Đặng Văn Sơn cung cấp, Nam – Ngà đã ký cam kết không tổ chức tiệc mặn dù gia cảnh hai bên không phải là không có điều kiện.

 

Nói về bệnh hình thức, phô trương, chú rể sinh năm 1990 này bộc bạch, “hằng ngày chứng kiến nhiều bạn cùng lứa tuy chưa kiếm ra thật nhiều tiền vẫn phải dựa vào bố mẹ mà cái gì cũng thích “hoành tráng” em thấy thật không phải. Khi hai đứa đưa ý tưởng tổ chức đám cưới theo nếp sống mới để bàn bạc với gia đình, cha mẹ rồi họ hàng cũng ngăn cản vì lý do cả đời mới có một lần, gia đình không tổ chức đám cưới linh đình thì cũng nên có vài chục mâm để cô dâu – chú rể ra mắt. Sau một tuần kiên trì thuyết phục, tất cả đều đã gật đầu”.

 

Chứng kiến những đám cưới trong thôn tổ chức ít cũng 70 - 80 mâm, có đám cưới lên đến cả 120 - 150 mâm, bác Đỗ Xuân Danh đến dự đám cưới của Nam – Ngà, đánh giá: “cưới theo nếp sống mới hay vì nhiều lẽ. Ở Thủ đô nhưng nhiều nhà vẫn khó khăn. Lo cưới xong rồi lại lo trả nợ cả trăm triệu. Đám cưới theo nếp sống mới vừa đỡ tốn kém lại được nhiều cơ quan tổ chức quan tâm, vun vén. Các bạn trẻ cũng nhìn vào đó để biết sống sao cho thiết thực, có nghĩa, có tình”.

 

Với cương vị là Trưởng thôn Trung, xã Xuân Đỉnh bác Đỗ Xuân Danh xem đây là đám cưới mà bác sẽ lấy làm gương để tuyên truyền trên hệ thống loa phát thanh của thôn, vận động để có nhiều nhà cùng làm theo: “Thành phố có chủ trương, Thành Đoàn có kế hoạch, địa phương thì sẵn sàng hỗ trợ, tôi nghĩ nếu mỗi người đều góp sức sẽ có rất nhiều những đôi trẻ tham gia chứ không có chủ trương, không có hỗ trợ thì bảo họ tình nguyện làm thì khó lắm”.

 

Hỏi về vấn đề tế nhị là phong bì trong đám cưới, đi mừng nhiều đám rồi đến lượt mình lại tổ chức “nhẹ nhàng” thì nhiều người cho là thiệt, chú rể Hoàng Minh Tú là một trong 10 chú rể tham gia đám cưới tập thể ở quận Hoàng Mai thẳng thắn: “Với tôi, quan trọng là cô dâu, chú rể sống hạnh phúc, được quan viên hai họ, bạn bè, chính quyền chấp nhận, chúc phúc, còn việc có hay không phong bì không quan trọng. Lễ cưới là việc trọng đại nhưng không phải dịp để kinh doanh, buôn bán”.