Đón Tết Bun Pi May trên đất Thái Nguyên

23:03, 14/04/2013

Tết Truyền thống của người dân Lào diễn ra vào những ngày trung tuần tháng 4 Dương lịch (từ 13-15/4) hàng năm. Tuy không được quây quần bên gia đình nhưng những lưu học sinh, sinh viên Lào đang học tập trên mảnh đất Thái Nguyên đã có một cái Tết thật sự ý nghĩa trong vòng tay của các cô, bác, anh chị, thầy cô giáo và các bạn học sinh, sinh viên Việt Nam.

Năm nay, ngày Tết truyền thống (Bun Pi May) của dân tộc Lào đúng vào thời điểm Thái Nguyên và các tỉnh phía Bắc Việt Nam đón những ngày "rét nàng Bân". Trời se lạnh nhưng không làm giảm đi sức nóng của bầu không khí ở các địa điểm tổ chức Lễ hội Bun Pi May cho các lưu học sinh, sinh viên Lào. Ông Nguyễn Văn Đắc, Ủy viên Ban Thường vụ Hội Hữu nghị Việt Nam - Lào tỉnh Thái Nguyên cho biết: Năm nay, ngày Tết Bun Pi May không chỉ được tổ chức ở các đơn vị có lưu học sinh, sinh viên Lào như Trường Đại học Sư Phạm, Cao đẳng Kinh tế tài chính và Trường Văn hóa 1 (Bộ Công an) mà 4 địa phương là T.P Thái Nguyên, huyện Đại Từ, Định Hóa và Phú Lương cũng đều tổ chức gặp mặt thân mật các lưu học sinh, sinh viên Lào đang học tập ở Thái Nguyên trong các ngày từ ngày 13 đến 15-4.

 

8 giờ sáng ngày 13-4, khán phòng của Trường Đại học Sư Phạm Thái Nguyên - nơi có 63 trên tổng số hơn 200 lưu học sinh, sinh viên Lào đang sinh sống và học tập trên địa bàn tỉnh đã kín chỗ ngồi. Đây là buổi giao lưu "Thắm tình hữu nghị Việt - Lào và chào mừng Tết cổ truyền Bun Pi May Lào năm 2013" của Nhà trường. Không chỉ có các bạn sinh viên Lào mà các thầy cô giáo, đại diện các cơ quan, đơn vị, các tổ chức đoàn thể của tỉnh và các sinh viên Việt Nam cũng có mặt ở đây từ rất sớm.

 

Thavinta, sinh viên năm thứ nhất khoa Toán vẫn còn chút rụt rè nói: "Đây là năm đầu tiên em ăn Tết xa quê nhưng không hề thấy buồn hay lạc lõng, cảm giác thân thương tựa như em đang được đón Tết trên chính đất nước mình vậy". Khán phòng được hâm nóng hơn khi chương trình văn nghệ bắt đầu. Các bạn sinh viên Lào cùng nhau gửi tới mọi người lời chúc mừng năm mới an lành, hạnh phúc qua giai điệu của một bài hát. Cùng với đó là điệu nhảy "ba - sa - lốp" vui nhộn đặc trưng của người Lào. Những tiết mục đan xen do các thầy cô giáo, các sinh viên Việt Nam và sinh viên Lào, đặc biệt là những ca khúc trữ tình Việt Nam được các bạn sinh viên Lào công phu thể hiện càng làm thắm đượm hơn tình hữu nghị của sinh viên 2 nước Lào - Việt.

 

PGS, TS Phạm Hồng Quang - Hiệu trưởng Nhà trường chia sẻ: "Với nhiệm vụ đào tạo các lưu học sinh Lào, Nhà trường mong muốn đóng góp những viên gạch tri thức và nhân cách để tiếp tục xây dựng mối quan hệ keo sơn giữa 2 dân tộc. Nhà trường luôn tạo mọi điều kiện để các lưu học sinh Lào có một môi trường học tập và sinh hoạt tốt nhất. Chúng tôi mong những sự kiện như thế này sẽ góp phần cổ vũ, động viên và khích lệ tinh thần học tập của các em ".

 

Các thày cô giáo, đại diện một số ngành, đơn vị của tỉnh thực hiện nghi lễ té nước và buộc chỉ cổ tay với các lưu sinh viên Lào tại Trường Đại học Sư phạm Thái Nguyên, ngày 13-4.

 

Té nước và buộc chỉ cổ tay là nghi lễ không thể thiếu trong ngày Tết của dân tộc Lào. Vào ngày đầu tiên của năm mới, người Lào quét dọn, lau chùi nhà cửa sạch sẽ, chuẩn bị nước thơm và hoa. Nước thơm là một hỗn hợp gồm có nghệ, bồ kết nướng, hoa và dầu thơm. Người Lào tin rằng nước sẽ giúp gột rửa điều xấu xa, bệnh tật và cầu chúc năm mới sống lâu, mạnh khỏe, ai bị ướt nhiều là hạnh phúc nhiều. Lễ buộc chỉ cổ tay là để cầu phúc lành cho người được nhận, đây cũng là khoảnh khắc được các sinh viên mong đợi nhất. Một mâm lễ được chuẩn bị thịnh soạn và trang trọng trên sân khấu với đầy đủ hoa, rượu, trứng, gà luộc, cơm nếp và chỉ trắng được trang trí theo hình tháp. Các thầy cô giáo, đại biểu tới dự và các bạn sinh viên Việt Nam đều được mời tham gia thực hiện nghi lễ này. Người thì vài giọt, có người còn được nhận trọn vẹn cả bát nước to, ướt lướt thướt nhưng ai nấy đều vui vẻ. Các bạn sinh viên ùa lên ai cũng muốn mình được nhận sợi chỉ buộc cổ tay cho may mắn. Nước vẫn còn nhỏ giọt trên tóc, giơ cánh tay vừa được một sinh viên Lào buộc sợi chỉ trắng, thầy giáo Nguyễn Nhạc cười tươi: "Năm nay, nhất định mình sẽ có thật nhiều may mắn".

 

Đây cũng là không khí mà 90 em học sinh trường Văn hóa 1 (Bộ Công an) mang đến hội trường của UBND T.P Thái Nguyên chiều ngày 13-4. Điệu múa Lăm vông uyển chuyển, hoa Chăm pa e ấp được các em thể hiện trong sự cổ vũ nhiệt tình của khán giả. Em Sổm Vẳng, học sinh lớp 11 đến từ thủ đô Viêng Chăn (Lào) chia sẻ: Đã là năm thứ 2 em ăn Tết truyền thống của đất nước mình ở Thái Nguyên. Tuy không được ăn món Lạp (lạp được làm từ thịt bò, lợn hoặc gà trộn với gia vị, món ăn quen thuộc trong mâm cơm ngày Tết của người Lào) do mẹ em nấu, không được đón giao thừa cùng gia đình cũng thấy nhớ nhà nhưng bù lại ở đây, em có nhiều bạn và các thầy cô giáo rất quan tâm tới chúng em. Sáng nay, chúng em còn được các bác trong Hội Hữu nghị Việt Nam - Lào của T.P Thái Nguyên tổ chức cho đi thăm Bảo tàng Quân Khu I, giúp chúng em hiểu hơn về lịch sử và con người Việt Nam. Chúng em còn được đi thắp hương và vãn cảnh chùa Phù Liễn, ở đó em tìm thấy có những hình ảnh gần gũi với những ngôi chùa ở bên đất nước em nên em thấy vui và đỡ cảm giác nhớ nhà. Em hứa sẽ cố gắng học tập mong sau này trở thành 1 chiến sĩ công an giỏi để không phụ lòng những người đã yêu quý em".

 

19 giờ, buổi giao lưu và tổ chức ăn Tết cho các lưu sinh viên Lào của Trường Cao Đẳng Kinh tế Thái Nguyên kết thúc. Khu ký túc xá của những sinh viên Lào như đông hơn, sinh viên Việt Nam đến chúc Tết các bạn của mình. Chốc chốc lại có những tràng cười thích thú mỗi khi có thêm một người được té nước ướt mèn, kèm theo lời chúc năm mới tốt lành. Ra về, áo ai cũng loang nước, trên cổ tay mỗi người đều có sợi chỉ bình an, đó là tình cảm mà các lưu học sinh, sinh viên Lào dành tặng các bạn Việt Nam. Dù không được đón Tết trên "đất nước triệu voi" xinh đẹp của mình nhưng các bạn, các em, những lưu học sinh, sinh viên Lào đã có cái Tết thật đáng nhớ trong tình cảm nồng hậu của mảnh đất và con người Thái Nguyên.