Ngăn chặn dịch cúm A/H7N9: Hai Bộ cùng chống

15:12, 15/04/2013

“Virus cúm A/H7N9 đang rình rập xâm nhập, lây lan vào nước ta. Trong khi đó ở trong nước dịch cúm A/H5N1 diễn biến phức tạp, có nguy cơ bùng phát trên diện rộng” - Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Cao Đức Phát cảnh báo tại Hội nghị triển khai công tác phòng chống dịch cúm A/H7N9 do Bộ Y tế phối hợp Bộ NN-PTNT tổ chức ngày 13/4.

Nguy cơ xuất hiện virus cúm gia cầm mới

 

Dù có nhiều kinh nghiệm dập dịch virus cúm trên gia cầm như H5N1, H1N1… thế nhưng người đứng đầu ngành Nông nghiệp cũng không khỏi lo ngại trong thời gian rất gần sẽ có thêm một loại virus cúm A có nguồn gốc gia cầm khá nguy hiểm: H7N9.

 

Theo Bộ trưởng Cao Đức Phát, nguyên do bởi nước ta có đàn gia cầm rất lớn, thường xuyên có mặt khoảng 300 triệu con gà và vịt, ngoài ra còn số lượng lớn chim cút, chim yến, bồ câu. Đặc biệt mới đây cơ quan chức năng đã phát hiện virus cúm A/H5N1 xuất hiện trên đàn chim yến được nuôi ở Ninh Thuận khiến nguy cơ dịch bệnh nguy hiểm này bùng phát mạnh mẽ và lan rộng trên gia cầm và trên người…

 

Phức tạp là thế nhưng hiện nay ngành thú y không thể tiêm phòng hết đàn gia cầm, chim nuôi và chim hoang dã khổng lồ như thế này. Cục trưởng Cục Thú y (Bộ NN-PTNT) Phạm Văn Đông cung cấp thêm thông tin: từ đầu năm đến nay đã có 15 xã có dịch cúm gia cầm H5N1. Mới đây nhất, cơ quan chức năng phát hiện 2 mẫu vịt tại An Giang và Đồng Tháp dương tính với virus cúm H7 nhưng rất may không có mẫu virus cúm H7 nào của Việt Nam giống với virus cúm H7N9 đang gây bệnh tại Trung Quốc.

 

Ngoài ra, kết quả giám sát gia cầm tại 30 tỉnh, thành thì có tới 29 tỉnh, thành có virus cúm A; 23/30 tỉnh, thành có virus cúm H5 và 20/30 tỉnh, thành có virus cúm H5N1. Trong đó, tỉnh có tỷ lệ gia cầm dương tính cao với virus cúm H5N1 là Thanh Hóa (10,4%), Đồng Tháp (6,5%), Tiền Giang (4,2%), Lạng Sơn (4%) và Hà Tĩnh (3,4%).

 

Nguy hiểm hơn khi TS Trần Đắc Phu, Phó Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế chính thức xác nhận trường hợp một bé 4 tuổi tử vong mới đây do cúm A/H5N1 tại tỉnh Đồng Tháp, cùng với việc ghi nhận một số người mắc cúm A/H1N1 và H3N2 tại một số địa phương.

 

Một vấn đề khiến lãnh đạo Bộ NN-PTNT và Y tế quan ngại là virus cúm H7N9 có nguồn lây chưa rõ ràng. Nếu như cúm A/H5N1 được phát hiện lần đầu tiên ở gia cầm sau đó mới phát hiện ở người, ngược lại cúm A/H7N9 phát hiện đầu tiên ở người và chưa có bằng chứng chứng minh chủng cúm này không khả năng lây nhiễm từ người sang người.

 

Phối hợp phòng chống, minh bạch thông tin

 

Bộ trưởng Cao Đức Phát cho hay, với dịch cúm A/H7N9, Tổ chức Nông lương LHQ khuyến cáo chưa nên sử dụng vacxin đối với gia cầm. Do đó, các biện pháp cần triển khai ở thời điểm hiện tại là giám sát, an toàn sinh học tiêu độc khử trùng, chấm dứt tình trạng buôn lậu.

  

Hiện nay, Bộ NN-PTNT đã mua dự phòng 40 triệu liều vacxin cúm gia cầm để tiêm phòng bao vây khẩn cấp khi có dịch xảy ra. Bộ cũng chỉ đạo các tỉnh, thành chủ động sử dụng ngân sách dự phòng cho các địa phương mua vacxin hỗ trợ công tác phòng chống dịch. Để hiệu quả hơn, Bộ NN-PTNT đề nghị Bộ Y tế thiết lập Chương trình giám sát virus cúm A/H7N9 giữa hai Bộ để cùng phối hợp phòng, chống.

 

Bằng kinh nghiệm nhiều năm phòng chống dịch, theo Bộ trưởng Cao Đức Phát, tất cả phải cùng đặt mục tiêu hàng đầu: không có dịch trên gia cầm sẽ không có dịch trên người. Lúc này, vai trò của truyền thông cực kỳ quan trọng trong việc giúp người dân hiểu cách phòng chống dịch.

 

Trước hết phải minh bạch thông tin, không được giấu dịch. Với phương châm “phòng là chính”, các bộ, ngành cũng phải xây dựng kế hoạch, trách nhiệm của từng cán bộ xã, thôn trong việc phòng chống dịch bệnh, tránh tình trạng “trên nóng, dưới lạnh”. Cần đẩy mạnh các biện pháp về giám sát, phát hiện những nơi có virus để thực hiện các biện pháp kỹ thuật, ngăn ngừa sự lây lan. Tăng cường kiểm soát ở khu vực biên giới, đặc biệt, cần ngăn chặn buôn bán vận chuyển gia cầm từ những nước đang có dịch vào nước ta.

 

Song hành với ngành NN-PTNT trong việc phòng chống dịch, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến khẳng định, đây là lần đầu tiên loại virus cúm này gây bệnh ở trên người, nguy cơ lây lan dịch cúm từ Trung Quốc sang Việt Nam rất cao. Ngành y tế sẽ chủ động thành lập nhiều đoàn thanh tra đi lấy mẫu xét nghiệm H7N9 từ các đối tượng gia cầm có nguy cơ như gà đẻ thải loại, gà con giống, heo và chim bồ câu… bán tại các chợ, các điểm tập kết trung chuyển động vật, sản phẩm động vật tại các địa phương khu vực biên giới.

 

Tuy nhiên, theo bà Tiến, người dân không vì thế mà quá hoang mang bởi Bộ Y tế đang chủ động tích cực phối hợp chặt chẽ với tất cả bộ ngành liên quan để triển khai các biện pháp phòng chống, ngăn chặn các dịch bệnh nguy hiểm.

 

 

Ông Phạm Văn Đông, Cục trưởng Cục Thú y cho hay, đã xây dựng và bắt đầu triển khai giám sát chủ động nhằm phát hiện xem có virus cúm A/H7N9 tại 60 chợ, điểm thu gom gia cầm thuộc 9 tỉnh. Tuần này, Cục Thú y sẽ thực hiện xét nghiệm xác định virus cúm A/H5N1, H7 và H7N9 trong các mẫu lưu trữ tại Trung tâm Chẩn đoán thú y Trung ương, các mẫu chim yến ở Ninh Thuận và chim trĩ ở Tiền Giang.

 

Hôm nay, ngày 15/4, một đoàn kiểm tra của Bộ Y tế sẽ tiến hành kiểm tra công tác phòng chống dịch cúm A/H7N9 tại một số chợ đầu mối của tỉnh Bắc Giang. Đây được coi là điểm tập kết gia cầm, sản phẩm gia cầm vận chuyển từ Trung Quốc.