Muốn tách đất xây nhà cho con ra ở riêng nhưng một số hộ dân trú tại xóm Trung Thành, xã Quyết Thắng (T.P Thái Nguyên) lại không thực hiện được vì đã ký vào bản cam kết không xây dựng mới, cơi nới các công trình dân dụng đối với phần đất ở nằm trong vùng quy hoạch để xây dựng Trường Trung cấp (TC) Luật Thái Nguyên. Cùng đó, hàng chục héc-ta đất màu mỡ bà con không yên tâm canh tác vì nếu trồng cấy lại lo chưa kịp thu hoạch chủ đầu tư đã khởi công xây dựng…
Ngày 30/5/2012, UBND tỉnh Thái Nguyên đã ra Quyết định số 1093 phê duyệt quy hoạch chi tiết Trường TC Luật Thái Nguyên (thuộc Bộ Tư pháp) trên diện tích 13ha tại các xóm Trung Thành, Bắc Thành, xã Quyết Thắng, có quy mô đào tạo 2.000 sinh viên. Trường TC Luật Thái Nguyên được xây dựng với mục đích đào tạo cán bộ trung cấp luật và liên thông đào tạo cử nhân luật khi có đủ điều kiện. Đây là cơ hội tốt để tăng cường về số lượng và chất lượng nguồn nhân lực làm công tác pháp luật cho tỉnh Thái Nguyên nói riêng và các tỉnh vùng đông Bắc nói chung.
Trong tổng diện tích gần 13ha lập quy hoạch Trường TC Luật Thái Nguyên thì đất canh tác nông nghiệp chiếm 68%, 32% là đất đồi và đất khu dân cư của tổng số 19 hộ dân. Từ khi có thông báo về việc thu hồi đất của UBND T.P Thái Nguyên, các hộ gia đình có tài sản nằm trong vùng Dự án đã ký cam kết không xây dựng mới, cơi nới công trình và phối hợp với chính quyền địa phương thống kê diện tích đất, tài sản có trên đất. Tuy nhiên, gần 1 năm trôi qua, đến nay, các gia đình có đất, tài sản trên đất trong vùng Dự án Trường TC Luật Thái Nguyên vẫn đang chờ chủ đầu tư bồi thường và hỗ trợ tái định cư. Ông Nguyễn Duy Bảo ở xóm Trung Thành cho biết: “Chúng tôi hoàn toàn đồng tình với chủ trương của chính quyền các cấp về việc thành lập Trường TC Luật tại Thái Nguyên nhưng Dự án có tiếp tục triển khai nữa hay không thì cần thông báo bằng văn bản để người dân được biết. Nếu Dự án dừng có thời hạn thì chủ đầu tư cũng thông báo để người dân tận dụng đất canh tác tiếp tục gieo cấy và sửa chữa lại công trình dân dụng khi xuống cấp”.
Không chỉ có gia đình ông Nguyễn Duy Bảo mà gia đình ông Phạm Văn Quang ở xóm Bắc Thành cũng đang “mỏi cổ” ngóng được chả tiền đền bù 4 sào ruộng vì gia đình ông thuộc hộ nghèo và có 3 người con đang học đại học. Ông Quang tâm sự: “Nông dân chúng tôi chỉ trông chờ vào việc cấy hái để có lương thực ăn và chi phí sinh hoạt nhưng từ khi biết thông tin xây dựng Trường TC Luật Thái Nguyên trên phần đất ruộng nhà mình chúng tôi đã dừng việc cải tạo đất, không đầu tư cho sản xuất nên năm nay sẽ không thu hoạch được lúa. Ban đầu, gia đình tôi rất mừng vì Dự án vào sẽ được đền bù một khoản tiền kha khá để lo việc học hành cho con, nhưng đợi mãi không thấy chủ đầu tư trả tiền đền bù thì lại lo”.
Ông Trần Trọng Đạt, Phó Chủ tịch UBND xã Quyết Thắng cũng cùng tâm trạng với người dân: “Từ khi thông báo dừng việc cơi nới, xây dựng công trình, không canh tác trên phần đất nông nghiệp thuộc Dự án Trường TC Luật Thái Nguyên, người dân đã chấp hành nghiêm túc. Nhưng từ khi bà con thắc mắc việc chi trả đền bù đã chậm so với thời điểm chủ đầu tư đưa ra ban đầu thì chúng tôi không biết giải thích ra sao. Lãnh đạo địa phương rất mong chủ đầu tư sớm triển khai Dự án”.
Trao đổi với chúng tôi xung quanh những thắc mắc của lãnh đạo địa phương, người dân trong vùng Dự án, ông Nguyễn Đỗ Kiên, Hiệu trưởng Trường TC Luật Thái Nguyên cho biết: “Theo kế hoạch, trong năm 2012, chúng tôi đã phải thực hiện xong công tác chi trả đền bù để giải phóng mặt bằng, năm 2013 tiến hành xây dựng các hạng mục công trình phục vụ cho công tác giảng dạy. Tuy nhiên, do UBND tỉnh Thái Nguyên đã không giải quyết được việc ứng vốn trước để chủ đầu tư thực hiện công tác đền bù giải phóng mặt bằng theo Chương trình phối hợp giữa UBND tỉnh với Bộ Tư pháp ký ngày 24/7/2011. Vì khó khăn trên nên vừa qua, Nhà trường đã có công văn đề nghị lãnh đạo Bộ Tư pháp sớm xem xét, ưu tiên cấp kinh phí để chúng tôi chi trả đền bù cho người dân trong năm 2013. Chủ đầu tư thực sự áy náy và mong người dân có đất, tài sản trên đất nằm trong vùng Dự án thông cảm về việc chi tra bồi thường chậm. Chúng tôi rất cần sự chia sẻ của cấp ủy, chính quyền địa phương về những khó khăn nêu trên và mong tiếp tục nhận được sự giúp đỡ để Trường TC Luật Thái Nguyên sớm đi vào hoạt động…”.
Những băn khoăn của người dân xung quanh tiến độ bồi thường, xây dựng Trường TC Luật Thái Nguyên chậm so với cam kết ban đầu đã được được chủ đầu tư giải thích rõ. Nhưng qua đây, chủ đầu tư, các đơn vị liên quan cũng nên rút kinh nghiệm, vì khi đã cam kết với người dân điều gì thì cần thực hiện đúng, lúc gặp khó khăn cũng cần đến gặp người dân trao đổi thẳng thắn để tránh nhưng hiểu lầm không đáng có.