Những thách thức không nhỏ

09:10, 28/04/2013

Xóa đói, giảm nghèo là chủ trương lớn của Đảng ta, cũng là thể hiện mạnh mẽ cam kết của Nhà nước ta với cộng đồng quốc tế trong việc thực hiện các mục tiêu thiên niên kỷ. Tuy nhiên, trong bối cảnh suy thoái kinh tế toàn cầu, vấn đề phân hóa giàu nghèo nổi lên giữa các vùng, các nhóm dân cư đặt ra cho công tác xóa đói, giảm nghèo ở nước ta rất nhiều khó khăn và thách thức.

 

Khởi đầu tốt nhưng chưa phải đã hoàn thành

 

Trong những năm qua, Chính phủ đã triển khai đồng bộ nhiều chương trình về giảm nghèo như: Chương trình 30a, Chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững, Chương trình 167 về hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo… đã góp phần giảm nghèo nhanh ở những vùng nghèo nhất. Người nghèo được tiếp cận tốt hơn các nguồn lực kinh tế và các dịch vụ xã hội cơ bản: Y tế, giáo dục… đời sống của người nghèo được cải thiện rõ rệt.

 

Tuy nhiên, ông Vũ Hoàng Linh, chuyên gia kinh tế của Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam cho rằng, nhiệm vụ giảm nghèo ở Việt Nam chưa thể hoàn thành trong một vài năm tới. Theo ông Vũ Hoàng Linh, các chuẩn mực đã thay đổi, hệ thống đo lường và theo dõi nghèo ở Việt Nam đã lỗi thời. Cách tính chuẩn nghèo dựa trên mô hình tiêu dùng của người nghèo được áp dụng từ năm 1993 không phản ánh nhu cầu tiêu dùng hoặc nguyện vọng chung của người dân trong giai đoạn hiện nay. Thực tế cho thấy, mức độ dễ bị tổn thương trước những tấn công của nghèo đói còn cao. Ảnh hưởng của thiên tai, bão lụt cũng như những rủi ro về kinh tế, thu nhập còn đe dọa đến nhiều người và ở một số vùng, mức độ rủi ro còn đang tăng lên. Theo một kết quả điều tra từ WB, tốc độ giảm nghèo ít hòa nhập với tăng trưởng kinh tế hơn so với trước. Nghèo đói ngày càng tập trung ở các nhóm dân tộc thiểu số và vùng sâu, vùng xa cũng như tập trung vào những đối tượng có trình độ học vấn thấp.

 

Cũng theo ông Vũ Hoàng Linh, có nhiều ý kiến lo ngại về bất bình đẳng, thất nghiệp đang ngày càng gia tăng. Cùng với đó là giá cả sinh hoạt ngày càng đắt đỏ, trong khi chất lượng của các dịch vụ không được cải thiện, thậm chí kém đi. Dù trình độ học vấn chung đã tăng nhiều nhưng người nghèo vẫn chưa được học hành đầy đủ và còn thiếu rất nhiều kỹ năng. Theo khảo sát, có đến 46% chủ hộ nghèo thất học, con số này là 58% ở hộ nghèo cùng cực và có sự chênh lệch lớn về thu nhập theo trình độ học vấn. Đa số người nghèo vẫn lệ thuộc vào nông nghiệp. Trên thực tế, mức sống của đồng bào dân tộc thiểu số cải thiện chậm hơn người Kinh.

 

Tác động từ tăng trưởng kinh tế và lạm phát

 

Theo Tiến sĩ Vũ Đình Ánh, tăng trưởng kinh tế và lạm phát là những yếu tố tác động trực tiếp đến công tác xóa đói, giảm nghèo ở nước ta hiện nay. Ông cho rằng, tăng trưởng kinh tế bền vững với tốc độ cao là tiền đề quan trọng nhất để xóa đói, giảm nghèo. Tuy nhiên, ở nước ta hiện nay, tốc độ tăng trưởng kinh tế không đều, thậm chí có giai đoạn có dấu hiệu suy thoái, khủng hoảng nên một phần thành tích xóa đói, giảm nghèo ở Việt Nam bị triệt tiêu. Kết quả xóa đói, giảm nghèo tuy ấn tượng nhưng còn mong manh và nguy cơ tái nghèo còn lớn.

 

"Tăng trưởng kinh tế là điều kiện cần nhưng để xóa đói, giảm nghèo bền vững thì cần phải có cơ chế tốt để phân phối kết quả của tăng trưởng kinh tế. Thực tế cho thấy, khu vực kinh tế nông nghiệp vẫn chiếm tỷ trọng lớn trong GDP, lực lượng lao động trong nông nghiệp vẫn cao. Trong khi đó, tăng trưởng kinh tế không đồng đều, mới chỉ tập trung ở một số địa phương, và mô hình tăng trưởng dựa vào vốn nhiều hơn là dựa vào tăng năng suất lao động, khiến cho lợi ích của tăng trưởng có xu hướng đổ về người giàu, còn người nghèo ít có điều kiện cũng như cơ hội phát triển để thoát nghèo" - Tiến sĩ Vũ Đình Ánh bày tỏ. Ông cũng cho rằng, lạm phát tác động tới xóa đói, giảm nghèo chủ yếu từ khía cạnh tư liệu sinh hoạt. Ông ví lạm phát giống như một loại thuế vô hình mà người chịu nặng nhất chính là người nghèo. Lạm phát càng cao thì kết quả xóa đói, giảm nghèo càng trở nên bấp bênh và nguy cơ tái nghèo càng nhiều. Trên thực tế, tốc độ tăng thu nhập danh nghĩa của người nghèo chậm hơn tốc độ tăng lạm phát, trong khi họ lại không có tài sản gì đáng kể để vượt qua khó khăn.

 

Có thể nói, công tác xóa đói, giảm nghèo ở nước ta đã đạt được những thành tựu đáng khích lệ. Tuy nhiên, muốn xóa đói, giảm nghèo bền vững cần sự vào cuộc của toàn xã hội cũng như những giải pháp tổng thể. Trong đó, vấn đề then chốt là duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế cao, liên tục dựa trên thay đổi mô hình tăng trưởng và cơ chế phân phối kết quả tăng trưởng cũng như duy trì lạm phát ổn định ở mức thấp. Nếu không, những tiến bộ trong xóa đói, giảm nghèo những năm qua khó có thể duy trì trong tương lai.

 

Theo chuẩn nghèo mới, đến cuối năm 2012, tỷ lệ nghèo cả nước còn khoảng 10%, riêng các huyện nghèo, tỷ lệ nghèo bình quân khoảng 45%. Người nghèo tập trung phần lớn ở khu vực nông thôn, chiếm 90%. Một số huyện miền núi phía Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam Bộ, miền núi duyên hải Nam Trung Bộ là những nơi đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, tỷ lệ hộ nghèo còn cao (trên 50%) và rất khó khăn trong công tác xóa đói, giảm nghèo.