Sau mỗi vụ án được làm sáng tỏ, người ta thường nghĩ đến sự dũng cảm của người chiến sĩ hình sự được trang bị vũ trang, sự mưu trí của người cảnh sát điều tra…, ít ai biết rằng, những chiến tích ấy còn được làm nên bởi những con người lặng thầm của Phòng Hồ sơ nghiệp vụ Công an tỉnh (PV27).
Ở các vị trí làm việc, mọi người tập trung cao độ, tỉ mẩn soi kính lúp từng đường vân tay, thận trọng ghi chép bằng ký hiệu, xếp vào tàng thư… đó là quan sát ban đầu của tôi về công việc của cán bộ, chiến sĩ Phòng PV27. Đại tá Lưu Thị Vân, Trưởng phòng PV27 khi đưa tôi đi tham quan phòng và tìm hiểu nhiệm vụ của cán bộ trước khi trao đổi về công việc. Lúc này, Đại tá Vân mới mở chuyện:
- Nhiệm vụ chính của chúng tôi là thu thập, tích lũy các loại tài liệu (qua việc lấy thông tin, dấu vân tay của công dân khi làm chứng minh nhân dân, hồ sơ lưu của các can phạm…); khai thác, cung cấp thông tin phục vụ cho công tác phòng ngừa, đấu tranh phòng, chống tội phạm và phục vụ nhu cầu của các tổ chức, cá nhân. Nói cụ thể hơn là các việc như xác minh lý lịch tư pháp, tra cứu tiền án, tiền sự của công dân, các đối tượng phạm tội hay thông tin chứng minh nhân dân. Tính chất công việc như vậy nên thông tin đưa vào tàng thư (kho lưu trữ) càng tỉ mỉ, cẩn thận, khoa học bao nhiêu thì việc tra cứu, cung cấp thông tin càng nhanh chóng hiệu quả bấy nhiêu. Chẳng hạn, việc mã hóa, xếp loại vân tay phải qua trình tự hàng nghìn công thức từ đầu đến cuối, không được bỏ sót hay đảo lộn và xếp vào tàng thư theo hệ thống, mã thông tin quy định. Nhờ vậy, trong thời gian khoảng 5 phút, cán bộ có thể lấy ra địa chỉ cần tìm được cất trong tàng thư cách đây nhiều năm dựa vào hệ thống ký hiệu đó.
Với đặc thù công việc của mình, nhiều năm qua, các cán bộ, chiến sĩ phòng Hồ sơ nghiệp vụ lặng lẽ bên những thông tin, tư liệu, hồ sơ vô tri, vô giác. Thế nhưng, khi cần thiết, họ khiến những tư liệu ấy “sống lại”, giúp cơ quan điều tra bắt giữ đối tượng gây án, xác định tung tích nạn nhân hay những kẻ khai man lý lịch.
Có thể kể ra việc Phòng Hồ sơ giúp Công an huyện Phổ Yên xác minh đối tượng bị truy nã tên Lý Văn Hải, ở xã Phúc Thuận (cuối năm 2008). Giấy tờ tùy thân của Hải có dấu hiệu giả mạo. Qua xác minh, Phòng PV27 đã làm rõ giấy tờ tùy thân của Hải là giả và liên quan đến Nguyễn Văn Xuân (sinh năm 1953, xóm Quân Cay, Phúc Thuận, Phổ Yên). Từ những thông tin trên, Công an Phổ Yên đã làm rõ sự việc.
Theo đó, năm 2004, Nguyễn Quốc Bình (sinh năm 1974, trú tại Kiến Thụy, Hải Phòng) đã đến nhờ làm thủ tục nhập khẩu, cấp Giấy chứng minh nhân dân và làm hộ chiếu mang tên Lý Văn Hải. Bình đã sử dụng giấy tờ giả mạo trên để thực hiện hành vi vi phạm pháp luật gây hậu quả nghiêm trọng. Cũng từ đây, lực lượng công an còn làm rõ Xuân và Nguyễn Hiền Nhân (là cán bộ quản lý nhân hộ khẩu của xã Phúc Thuận) có hành vi cố ý sửa chữa, sử dụng giấy chứng nhận tài liệu của cơ quan tổ chức gây hậu quả nghiêm trọng. Các đối tượng trên cũng đã bị xử lý theo quy định của pháp luật.
Cũng từ công tác tra cứu hồ sơ cấp giấy chứng minh nhân dân mà từ năm 2008 đến nay, Phòng Hồ sơ phát hiện trên 18 nghìn trường hợp thông tin sai với hồ sơ gốc, 183 trường hợp nghi tráo người làm chứng minh nhân dân. Các phát hiện trên đã được thông báo và yêu cầu các đơn vị chức năng xác minh và xử lý theo quy định của pháp luật. Không những vậy, công tác này còn đóng vai trò mấu chốt trong việc truy tìm, xác định tung tích nạn nhân. Ví dụ như xác minh trường hợp của nạn nhân bị giết hại tại Hồ Núi Cốc năm 2010 theo yêu cầu của Công an T.P Thái Nguyên. Qua đối chiếu mẫu vân tay của bị hại mà đơn vị gửi về, trong vòng 10 phút, cán bộ Phòng PV27 đã xác minh được bị hại là Đỗ Thanh T. (cán bộ của Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch).
Không chỉ giúp các cơ quan điều tra phá án hiệu quả, các cán bộ, chiến sĩ Phòng PV27 còn đem lại niềm vui cho công dân trong việc tìm kiếm người thân. Đại tá Vân kể: năm 2011, Phòng nhận được đề nghị của Ban Chủ nhiệm Chương trình Như chưa hề có cuộc chia ly (Trung tâm Truyền hình Việt Nam tại T.P Hồ Chí Minh) về tra cứu hồ sơ, cung cấp thông tin liên quan đến bà Phạm Thị Thúy (tại xã Phục Linh, Đại Từ). Qua tra cứu tàng thư căn cước công dân, Phòng đã xác định được chính xác quê quán của bà Thúy. Đồng thời, qua xác minh tại địa phương, bà Thúy đã từng chung sống với ông Trần Văn Vẻ, làm nghề đóng gạch thuê, nhưng không rõ quê quán. Hai người có với nhau 1 đứa con. Đến năm 1983, bà Thúy đưa con vào T.P Hồ Chí Minh nhưng để con cho người khác nuôi rồi mất tích. Ông Vẻ cũng rời khỏi huyện Đại Từ không rõ tung tích. Nhờ sự giúp đỡ của các cán bộ chiến sĩ Phòng Hồ sơ mà Chương trình đã giúp con gái bà Thúy tìm được nguồn cội quê hương, thân phận cha, mẹ mình.
Từ năm 2008 đến nay, Phòng PV27 Công an tỉnh đã tiếp nhận, giải quyết gần 109 nghìn lượt yêu cầu phục vụ công tác lập hồ sơ, điều tra xác minh xử lý vụ án, đối tượng (trong đó, cung cấp trên 4 nghìn tài liệu phục vụ trực tiếp cho việc đấu tranh phòng, chống tội phạm), thu thập hàng nghìn thông tin án, truy nã, đình nã…
Với những đóng góp không nhỏ vào những chiến công của các đơn vị trong việc phá án, Phòng PV27 đã được nhiều phần thưởng cao quý như Bằng khen của Chính phủ, Cờ thi đua của Bộ Công an…. “Đó là niềm vinh dự, tự hào của tập thể, cán bộ Phòng PV27 trong những năm qua. Tuy nhiên, không phải ai cũng thấu hiểu được công việc lặng thầm này. Điều tôi muốn nói ở đây là phần lớn, sau khi các đơn vị được đáp ứng yêu cầu thông tin đều không mấy khi phản hồi lại. Chúng tôi lại phải tự tìm hiểu, xác minh lại kết quả mà mình đã cung cấp. Nên nhiều lúc, các anh em trong Phòng cũng thấy chạnh lòng” - Đại tá Vân chia sẻ.